|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Doanh nghiệp

10.000 tỉ đồng huy động qua trái phiếu sẽ được Masan Group rót vào những đâu?

11:47 | 18/02/2020
Chia sẻ
Một nửa trong số này sẽ được Masan Group dùng để tăng vốn cho Masan Horizon, công ty con đang phụ trách đầu tư vào dự án mỏ đa kim Núi Pháo.
10.000 tỉ đồng huy động qua trái phiếu sẽ được Masan Group rót vào những đâu? - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Masan Group

CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) vừa công bố kế hoạch phát hành 10.000 tỉ đồng trái phiếu trong hai quí đầu năm 2020.

Theo công bố của Masan Group, 5.000 tỉ đồng sẽ được công ty dùng để góp thêm vào vốn điều lệ của Công ty TNHH Tầm Nhìn Masan (Masan Horizon); 3.000 tỉ đồng cấp khoản vay cho Công ty TNHH Masan Consumer Holdings; 1.000 tỉ đồng thanh toán nợ vay nội bộ cho Công ty TNHH Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo; và 1.000 tỉ đồng là cấp khoản vay cho Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam.

Masan Group hiện đang nắm giữ 99,9% cổ phần tại Masan Horizon (vốn điều lệ 13.737 tỉ đồng), thông qua đó chi phối các công ty khác bao gồm Masan Resources, Masan Thái Nguyên và Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo tập trung hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn đầu tư, quản lí và khai thác quặng kim loại. 

Masan Horizon cùng các công ty con tập trung vận hành khai thác và chế biến khoáng sản tại mỏ đa kim Núi Pháo (Thái Nguyên). Năm 2019, Masan Group và Masan Horizon đặt kế hoạch tăng cường đầu cho các công ty con và dự án Núi Pháo thông qua tăng vốn tại Masan Horizon. 

Lượng vốn tăng thêm dự kiến sẽ được dùng để tăng qui mô hoạt động kinh doanh, bao gồm nhưng không giới hạn việc thực hiện các kế hoạch mua bán, sáp nhập; tăng vốn/tỉ lệ sở hữu tại các công ty con; tăng vốn/tỉ lệ sở hữu tại các công ty khác; thanh toán các khoản chi phí đầu tư tài sản cố định; và thanh toán các khoản nợ vay (bao gồm các khoản vay nội bộ) của Masan Morizon. 

Đối với Masan Consumer Holdings, công ty có vốn điều lệ 603 tỉ đồng do Masan Group sở hữu 85,71%. Masan Consumer Holdings là công ty mẹ của CTCP Hàng tiêu dùng Masan, Công ty TNHH MTV Masan Brewery tập trung hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và bán buôn thực phẩm, đồ uống đóng góp hơn 45% doanh thu cho Masan Group.

Với việc nhận 3.000 tỉ đồng vốn vay từ Masan Group, Masan Consumer Holdings dự kiến sẽ dùng để phục vụ hoạt động kinh doanh, bao gồm nhưng không giới hạn việc thực hiện các kế hoạch mua bán, sáp nhập; đầu tư tài sản cố định; và thanh toán các khoản nợ, nợ vay (cả vay nội bộ). 

Công ty TNHH MNS Meat Hà Nam vốn điều lệ 374 tỉ đồng, Masan Group sở hữu gián tiếp thông qua CTCP Masan MEATLife với tỉ lệ gần 80%. Sau khi nhận 1.000 tỉ đồng từ Masan Group, kế hoạch của MNS Meat Hà Nam cũng sẽ bao gồm việc đầu tư tài sản cố định và thanh toán các khoản nợ. 

Quí IV/2019, Masan Group tiến hành hợp nhất báo cáo tài chính cùng Công ty VCM, đơn vị sở hữu cả VinCommerce và VinEco sau thương vụ hợp tác với CTCP Tập đoàn Vingroup. Chính điều này khiến cho tình hình bảng cân đối kế toán của Masan Group biến động mạnh mẽ. 

Tổng tài sản tại thời điểm 31/12/2019 của Masan đạt gần 97.300 tỉ đồng, tăng gấp rưỡi so với đầu năm. Tương tự, nợ phải trả tăng từ 30.500 tỉ đồng lên 45.400 tỉ đồng. 

Trong đó các khoản vay và trái phiếu ngắn hạn 18.340 tỉ đồng, tăng gấp đôi; vay và trái phiếu dài hạn 11.676 tỉ đồng, giảm 8,5%. Bên cạnh đó, Masan Group còn khoản mục chi phí phải trả hơn 4.100 tỉ đồng, tăng 47%. 

Như vậy, nếu như toàn bộ 10.000 tỉ đồng trái phiếu được phát hành thành công trong thời gian tới, nợ vay dài hạn của Masan Group sẽ tăng đáng kể. 

Trong năm vừa rồi, Masan Group đạt doanh thu thuần 37.354 tỉ đồng, giảm 2% và lợi nhuận sau thuế 6.365 tỉ đồng, tăng hơn 13%. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của công ty đạt hơn 5.100 tỉ đồng, tăng 16% so với 2018.

Đông A