Masan mua lại VinCommerce: Ẩn số tỷ lệ hoán đổi, đưa đồ tươi sống chiếm 35% kệ hàng Vinmart+
Masan sở hữu 70% vốn công ty sau sáp nhập, tỷ lệ hoán đổi vẫn là ẩn số
Thương vụ sáp nhập trong thỏa thuận hợp tác giữa Vingroup và Masan đã trở thành giao dịch M&A đáng chú ý nhất năm. Từng lớp thông tin đang được người trong cuộc bóc tách dần. Masan sẽ nắm quyền chi phối đối với chuỗi bán lẻ quy mô lớn nhất trên thị trường, nhưng với mức giá bao nhiêu vẫn chưa được công bố.
Về mặt nhân sự, từ ngày 3/1, ông Trương Công Thắng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám Đốc Masan Consumer, đã thay thế bà Mai Hương Nội trở thành tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của CTCP Phát triển Thương mại và Dịch vụ VCM (VCM).
Cách thức M&A đã được công bố trước đó, Masan sẽ nhận 83,74% tổng số cổ phần phổ thông đang lưu hành của VCM, đồng thời phát hành quyền chọn được nhận cổ phần của một công ty hợp nhất là công ty con của Masan. Công ty hợp nhất này sẽ là bên sở hữu 83,74% VCM (đơn vị sở hữu 100% vốn CTCP Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce) và 85,7% Công ty TNHH MasanConsumerHoldings (đơn vị sở hữu 94,7% vốn Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan - MCH).
Quỹ đầu tư thuộc Chính phủ Singapore (GIC), cổ đông đang nắm giữ 16,26% cổ phần còn lại của VCM sẽ vẫn tiếp tục trực tiếp nắm giữ cổ phần công ty này, không thực hiện hoán đổi cổ phần.
Trong một chia sẻ cuối tuần trước, qua cuộc họp hội đàm với chuyên viên phân tích của công ty chứng khoán, Masan cũng lần đầu tiết lộ thêm về cơ cấu cổ đông của công ty hợp nhất. Masan sẽ sở hữu 70% cổ phần; trong khi nhóm cổ đông của VCM thực hiện việc hoán đổi cổ phần (bao gồm Vingroup) sẽ nắm giữ tổng cộng 30% vốn điều lệ của công ty hợp nhất.
Danh tính và vốn điều lệ của công ty hợp nhất đến nay chưa được công bố. Theo thông tin cập nhật gần nhất, vốn điều lệ của VCM là 6.436,64 tỷ đồng. Điều chưa rõ hiện nay là 539 triệu cổ phần VCM do nhóm Vingroup và các cổ đông khác nắm giữ đã đổi được 30% vốn của công ty hợp nhất, tương đương cụ thể bao nhiêu cổ phần. Tỷ lệ này cũng sẽ xác định được mức định giá của Masan đối với VCM. Trước đó, số tiền mà GIC đã phải chi ra để mua hơn 16% vốn VCM là 500 triệu USD.
Cũng tại cuộc chia sẻ này, Masan cho biết tổng nợ vay của VCM là 5.000 tỷ đồng. Thu nhập trước thuế, lãi và khấu hao (EBITDA) của công ty này âm 2.100 tỷ đồng trong năm 2019. Doanh thu trong năm của chuỗi bán lẻ này đạt 26.000 tỷ đồng, tăng 67% so với năm trước nhờ mức tăng trưởng doanh số từ các cửa hàng hiện hữu (mỗi cửa hàng Vinmart tăng bình quân 20%, Vinmart+ tăng trưởng bình quân 17%).
Đưa đồ tươi sống chiếm 35% kệ hàng Vinmart+
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) chỉ số về biên lợi nhuận của VinCommerce tốt hơn kỳ vọng ban đầu với mức biên EBITDA trong năm 2019 là âm 8%. Masan đặt mục tiêu cải thiện mức biên này cho năm 2020 về chỉ còn trong khoảng lỗ 3% đến hòa vốn.
“Triển vọng dài hạn của thương vụ này phụ thuộc vào việc liệu Masan có thể đưa biên LN của VinCommerce chuyển sang mức dương hay không”, VCSC nhận định.
VinCommerce vận hành 3.022 cửa hàng, trong đó có 134 siêu thị Vinmart (1.500-5.000 m2/cửa hàng) và 2.888 cửa hàng Vinmart+ (siêu thị mini, 80-100 m2/cửa hàng). Theo chiến lược đề ra, việc mở rộng cửa hàng của VinCommerce sẽ diễn ra chọn lọc vì ban lãnh đạo sẽ tập trung vào việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các cửa hàng hiện hữu.
Trong năm 2020, ban lãnh đạo kỳ vọng sẽ mở mới từ 20-30/300-500 cửa hàng Vinmart/Vinmart+ trong khi đóng cửa từ 0-10/150-300 cửa hàng Vinmart/Vinmart+ hoạt động không hiệu quả. Một mục tiêu khác được đặt ra là nâng tỷ lệ đóng góp doanh thu từ mặt hàng tươi sống cho VinCommerce gồm hai thương hiệu Meat Deli và VinEco.
Masan hiện đang trong quá trình lựa chọn các địa điểm Vinmart+ phù hợp để triển khai bán Meat Deli. MSN kỳ vọng sẽ tăng tỷ lệ đóng góp doanh thu từ các mặt hàng tươi sống cho Vinmart+ tằng từ 30% ở thời điểm hiện tại lên mức 35% vào cuối năm 2020.