|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Tìm hiểu thị trường nhãn Trung Quốc

16:50 | 23/03/2020
Chia sẻ
Nhãn của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada…

Trung Quốc trồng nhãn chủ yếu ở phía Nam và Tây Nam, trong đó Quảng Đông là nơi có diện tích và sản lượng nhãn lớn nhất Trung Quốc với 138 nghìn ha. Thống kê năm 2016 Trung Quốc nhập khẩu 270 triệu USD nhãn.

Tại Việt Nam, năm 2016 diện tích trồng nhãn đạt 73,3 nghìn ha, tập trung chủ yếu ở miền Bắc với diện tích đạt gần 37 nghìn ha và ĐBSCL với 27,5 nghìn ha.

Các giống nhãn phía Bắc tập trung vào những loại như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn muộn Hà Tây, nhãn Hương Chi, nhãn cùi. Thời gian thu hoạch từ đầu tháng 7 đến trung tuần tháng 8 hàng năm.

Nhãn ở miền Tây gồm nhãn Ido, nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng… thời gian thu hoạch chính từ tháng 7 đến cuối tháng 9. Hiện nông dân miền Tây đã sáp dụng thành công kỹ thuật xử lí cho nhãn ra quả trái vụ, nên mua thu hoạch nhãn kéo dài quanh năm.

ĐBSCL cho năng xuất cây trồng cao hơn với 100,4 tạ/ha, trong khi miền Bắc là 61,7 tạ/ha.

Năng suất trồng nhãn một số tỉnh thành chính của Việt Nam

Tìm hiểu thị trường nhãn Trung Quốc - Ảnh 1.

(Nguồn: Cẩm nang xuất khẩu nhãn vào thị trường Trung Quốc)

Xuất khẩu nhãn Việt Nam năm 2016 đạt gần 149 triệu USD, trong đó xuất xứ từ Thái Lan tái xuất chiếm đến 84,8%, đạt 126 triệu USD. Nhãn của Việt Nam được xuất khẩu chủ yếu sang các quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Canada…

Tìm hiểu thị trường nhãn Trung Quốc - Ảnh 2.

Thu hoạch nhãn lồng Hưng Yên. (Nguồn: Vietnamplus/TTXVN)

Chính sách xuất khẩu nhãn của Việt Nam

Theo quy định hiện hành của Việt Nam thì nhãn là mặt hàng nông sản khi xuất khẩu thuộc đối tượng không phải chịu thuế VAT và được hưởng mức thuế suất thuế xuất khẩu là 0%. Quy định trên của Việt Nam được áp dụng đối với cả hai trường hợp xuất khẩu chính ngạch và xuất khẩu tiểu ngạch, trong đó bao gồm cả hoạt động thương mại mậu biên của cư dân biên giới.

Từ năm 2014, cùng với quả vải, một số vùng trồng nhãn tại Hưng Yên và một số tỉnh miền tây đã được Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu vùng I – Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng nhãn xuất khẩu đi Mỹ, Australia.

Tại Hưng Yên, ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí mua thuốc bảo vệ thực vật cho các vùng nhãn được cấp mã số để kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên nhãn xuất khẩu. Do vậy, tại các vùng được cấp mã số, ngoài sản lượng xuất khẩu đi Mỹ, Australia theo định hướng, các doanh nghiệp và thương lái Trung Quốc ưu tiên thu mua để xuất khẩu đi Trung Quốc vì chất lượng tốt hơn và được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Chính sách nhập khẩu nhãn của Trung Quốc

Để xuất khẩu nhãn vào thị trường Trung Quốc, đơn vị xuất khẩu nhãn Việt Nam có thể lựa chọn hình thức xuất khẩu chính ngạch hoặc tiểu ngạch.

Đối với hình thức xuất khẩu chính ngạch: Thực hiện chính sách quy hoạch, phát triển kinh tế vùng cửa khẩu biên giới, Trung Quốc giao cho các tỉnh, khu tự trị tự cân đối và áp dụng chính sách thuế một cách linh hoạt để điều tiết lượng hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đối với hình thức mua bán của cư dân biên giới: Hiện Trung Quốc thực hiện chính sách khuyến khích biên mậu như phía Việt Nam, theo đó cư dân biên giới Trung Quốc được mua hàng miễn thuế nhập khẩu, thuế VAT với mức 8.000 Nhân dân tệ/người/ngày và số hàng này người dân được quyền bán lại cho doanh nghiệp (chính sách này của Việt Nam là 2 triệu đồng/người/ngày).

Sơ đồ chuỗi cung ứng nhãn xuất khẩu sang Trung Quốc

Tìm hiểu thị trường nhãn Trung Quốc - Ảnh 3.

(Nguồn: Cẩm nang xuất khẩu nhãn vào thị trường Trung Quốc)

Trong chuỗi xuất khẩu nhãn sang thị trường Trung Quốc, ngoài doanh nghiệp, đại lý cung ứng vật tư đầu vào, mỗi chuỗi cung ứng đều gồm 4 tác chính nhân tham gia và thường không có sự phân định rõ các tác nhân tham gia vào từng chuỗi cung ứng.

Về đóng gói, nhãn thường được đựng trong các túi lưới với các trọng lượng 2kg, 5 kg, 10 kg. Bên ngoài túi lưới thường có giỏ nhựa cứng hoặc đóng trực tiếp vào các thùng carton. 

Nhãn của Việt Nam thu mua tại các vùng trồng được xếp lên xe tải (loại khoảng 20 tấn/xe) để vận chuyển lên biên giới. Tiếp đó, nhãn của Việt Nam được chuyển tới chợ đầu mối các tỉnh/ thành phố và huyện thị.

Ngoài ra, xu hướng mới trong thương mại nội địa của Trung Quốc, một lượng nhãn Việt Nam sau khi được thông quan cũng được đưa về kho trung chuyển của các website thương mại điện tử và được bán online đến khách hàng.

Hướng dẫn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho quả thanh long là cẩm nang hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc với đơn vị thực hiện là Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).

Chi tiết Cẩm nang xuất khẩu nhãn vào thị trường Trung Quốc (bản tiếng Việt)