Hướng dẫn xuất khẩu vải thiều vào Trung Quốc
Hướng dẫn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cho quả vải là cẩm nang hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp Việt Nam nhằm mục đích xuất khẩu vải sang thị trường Trung Quốc với đơn vị thực hiện là Cục Xúc tiến thương mại (VIETRADE), Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ).
Vải là một trong những loại trái phổ biến và được ưa chuộng tại Trung Quốc, được trồng nhiều ở các tỉnh phía Nam sông Trường Giang như Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Hải Nam…
Theo số liệu của Bộ thương mại Trung Quốc, diện tích trồng vải năm 2014 của Trung Quốc là 3.409.240 ha, đến 2018 đạt 3.544.728 ha.
Mùa thu hoạch vải Trung Quốc bắt đầu tư cuối tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 8, trong đó chính vụ với 70% lượng vải tươi được thu hoạch từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với vải thiều Việt Nam.
Ngoài nhu cầu dùng vải tươi, Trung Quốc còn dùng vải cho ăn tráng miệng, sấy khô làm mứt, bánh kẹo, thuốc, nước ép, ủ rượu.
Hàng năm sản lượng vải tươi Trung Quốc đạt khoảng 1,55 triệu tấm, chiếm 50% tổng sản lượng trên thế giới nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa khoảng 1,4 tỉ dân.
Tình hình xuất khẩu vải tươi của Trung Quốc
Theo số liệu của Hiệp hội vải thiều Quảng Đông, 99% lượng vải tươi của Trung Quốc được bán tại nội địa và chỉ khoảng 1% vải tươi được xuất khẩu, trong đó, 65% được xuất khẩu từ Quảng Đông, 30% lượng này từ Hải Nam.
Hiện nay Trung Quốc xuất chủ yếu là vải đóng hộp đi các nước Malaysia, Mỹ... và số ít vải tươi được xuất khẩu đi Mỹ, Nhật Bản, EU, và các nước Đông Nam Á...
Theo số liệu thống kê của Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu vải đóng hộp (mã HS 20089910) hàng năm của Trung Quốc đạt khoảng 36 - 43 triệu USD.
Về xuất khẩu vải tươi, năm 2016 do ảnh hưởng của thời tiết khắc nghiệt, sản lượng vải của Trung Quốc giảm tới 40% so với hàng năm nên lượng vải tươi xuất khẩu của Trung Quốc cũng giảm, chỉ đạt 8.995 tấn, giảm 29,5% so với 12.771 tấn năm 2015, kim ngạch xuất khẩu đạt 28,74 triệu USD (tương đương bình quân 3195 USD/tấn).
Ba thị trường xuất khẩu vải chính của Trung Quốc trong năm 2016 là Hong Kong, Mỹ và Malaysia.
Tình hình nhập khẩu vải tươi của Trung Quốc
Năm | 2016 | 6 tháng 2017 |
---|---|---|
Trọng lượng (tấn) | 68.095 | 12.154 |
Kim ngạch (1.000 USD) | 31.907 | 7.656 |
(Nguồn: Hải quan Trung Quốc)
Trung Quốc là thị trường xuất khẩu vải thiều chính của Việt Nam, năm 2016 với kim ngạch xuất khẩu khoảng 139,6 triệu USD năm 2016, chiếm gần 94% tổng kim ngạch xuất khẩu vải của Việt Nam ra thế giới.
Vải là một trong số ít các loại quả được Trung Quốc cho phép nhập khẩu mà không cần Nghị định thư kiểm dịch do đây là mặt hàng trao đổi truyền thống của cư dân biên giới hai nước.
Vải của Việt Nam được trồng tập trung tại hai tỉnh Bắc Giang và Hải Dương. Sản lượng vải năm 2016 đạt khoảng 310.000 tấn, năm 2015 trên 356.000 tấn, chiếm tới hơn 99% sản lượng vải cả nước.
Từ năm 2016 đến nay, một số vùng trồng vải Hải Dương và Bắc Giang đã được Trung tâm kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu vùng I – Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng vải xuất khẩu đi Mỹ, Australia.
Tại các vùng được cấp mã số, ngoài sản lượng xuất khẩu đi Mỹ, Australia theo định hướng, các doanh nghiệp và thương lái Trung Quốc ưu tiên thu mua để xuất khẩu đi Trung Quốc vì chất lượng tốt hơn và được kiểm soát chặt chẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Xuất khẩu vải thiều của Việt Nam sang Trung Quốc bao gồm cả vải tươi (chiếm trên 90%) và vải sấy khô.
Để xuất khẩu vải vào thị trường Trung Quốc, đơn vị xuất khẩu vải Việt Nam có thể lựa chọn hình thức xuất khẩu chính ngạch hoặc tiểu ngạch.
Chi tiết Cẩm nang xuất khẩu vải vào thị trường Trung Quốc (bản tiếng Việt)