Vải Lục Ngạn, nhãn Sơn La vượt xa vải thiều Thanh Hà, nhãn lồng Hưng Yên?
Vải Thanh Hà và nhãn lồng Hưng Yên xưa nay vẫn nổi tiếng là 2 thứ quả đặc sản của xứ Đông. Ở huyện Thanh Hà (Hải Dương) hiện vẫn còn cây vải tổ đã được cụ Hoàng Văn Cơm (tên tự Phúc Thành) ươm trồng thành công bằng hạt từ năm 1870. Cho đến nay, cây vải đã gần 150 tuổi nhưng vẫn còn rất tươi tốt và hằng năm vẫn cho ra quả.
Cây vải tổ ở huyện Thanh Hà, Hải Dương
Có lịch sử lâu đời hàng trăm năm, nhưng năm 2019, cả huyện Thanh Hà có 3.720 ha vải. Sản lượng năm nay ước đạt chỉ khoảng 18.000 tấn, bằng khoảng 50% so với năm trước. Nếu đem so sánh với con số 147.030 tấn do Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cung cấp về sản lượng vải tươi trên toàn tỉnh trong vụ vừa qua thì thật quá nhỏ nhoi.
Dù ngon, nhưng sản lượng vải thiều Thanh Hà ngày một ít, thương hiệu cũng không được làm bài bản, thì lâu dần người tiêu dùng trong nước cũng chẳng nhớ nổi cái tên thương hiệu này. Mặc cho, đây mới là cái nôi của quả vải.
Nhiều bạn trẻ 9x bây giờ thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của vải Thanh Hà. Khi được hỏi đến vải thiều thì họ chỉ nhớ tới vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang). Đây là một thực trạng đáng buồn của quả vải tại Hải Dương.
Vải Lục Ngạn giờ nổi tiếng hơn cả vải thiều Thanh Hà
Dù ra đời sau, nhưng tỉnh Bắc Giang đã làm rất tốt để đưa quả vải tại địa phương mình trở thành thế mạnh. Năm nay, tuy sản lượng không được bằng năm 2018 do mất mùa, nhưng điều đáng mừng là tổng giá trị mà quả vải đem lại lên tới 6.365 tỷ đồng. Riêng quả vải có giá trị ước đạt 4.675 tỷ đồng, còn lại 1.690 tỷ đồng là tiền thu từ hoạt động dịch vụ phụ trợ. Đây là con số kỷ lục chưa từng có mà tỉnh Bắc Giang thu được từ cây vải.
Cũng giống như Bắc Giang, Sơn La đang cố gắng đưa quả nhãn tại đây lên một vị thế mới. Để làm được điều đó, theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Sơn La, ông Vũ Đức Thuận thì, Sơn La đã phải tập trung vào hỗ trợ và hướng dẫn bà con phát triển cây ăn quả, nhất là cây nhãn. Đặc biệt, tỉnh đã có cơ chế hỗ trợ một khoản tiền, giúp đỡ bà con chọn các loại nhãn có giá trị kinh tế cao, nhãn ngon, đẹp để ghép vào các cây cổ thụ. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ bà con về bao bì, mẫu mã sản phẩm, hỗ trợ các hợp tác xã đi giao thương với chi phí không quá 50 triệu đồng/năm.
Nhãn Sơn La đang có diện tích và sản lượng vượt trội so với nhãn Hưng Yên
“Chính sách này đã cải tạo toàn bộ vườn nhãn của tỉnh, cho sản lượng cao vượt trội. Đây chính là cú hích của Sơn La để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nhãn của thị trường”, ông Thuận cho biết thêm.
Sau vài năm triển khai, đến nay, Sơn La đã có hơn 15 nghìn ha trồng nhãn, tăng 2,91 lần so với năm 2015. Sản lượng ước đạt 73 nghìn tấn, bằng 113,7% so với năm 2018.
Nhãn Sơn La
Về chất lượng, không thể so sánh được nhãn nào ngon hơn, vì đó là cảm nhận của người tiêu dùng. Nhưng theo thống kê của ông Thuận, diện tích trồng nhãn của Sơn Lan đã vượt xa Hưng yên rất nhiều (15 nghìn ha với 4 nghìn ha của Hưng Yên) và sản lượng cũng đang gấp hơn 2 lần. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng cho người trồng nhãn ở Sơn La.
Không những vậy, nhãn Sơn La hiện cũng đang có đầu ra rất ổn định. Mỗi tuần, sẽ có 10 tấn nhãn được cung cấp vào các hệ thống siêu thị như BigC, Aeon,…các hệ thống siêu thị khác sẽ ít hơn một chút. Việc đưa hàng vào các hệ thống siêu thị tại các thành phố lớn như vậy là để người tiêu dùng trong cả nước biết đến nhãn Sơn La nhiều hơn, từ đó có sự đối chiếu với các mặt hàng nông sản khác.
Việc tham gia các tuần lễ Nhãn tại các hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn để người tiêu dùng biết đến nhiều hơn tới nhãn Sơn La
Tuy nhiên, theo ông Thuận, việc tiêu thụ tại các kênh siêu thị mới chỉ chiếm 3% đầu ra nông sản của Sơn La. Hướng đi chủ yếu cho quả nhãn của tỉnh này vẫn là xuất khẩu sang Trung Quốc. Các thương lái người Trung cứ đến vụ nhãn là sang tận nơi để mua cả vườn. Thậm chí, họ còn thu mua hết gần sản lượng tại đây.
Dù đi sau, nhưng cách làm của Bắc Giang, Sơn La đang tạo thêm rất nhiều giá trị cho nông sản của Việt Nam. Đưa đặc sản của ta tới tay người tiêu dùng trên thế giới nhiều hơn, mang lại lợi ích cho người dân, cho đất nước.