Tìm hiểu thị trường Maroc: Định giá hải quan và thông quan hàng hóa
Định giá hải quan
Theo thương vụ Việt Nam tại Maroc, kể từ ngày 5/10/1998, phương pháp chính để định giá hải quan của Maroc là dựa trên giá trị giao dịch thực tế. Đó là giá đã được nhà nhập khẩu trả trên thực tế để mua hàng, bao gồm giá trị ghi trong hóa đơn thương mại và bổ sung những yếu tố mà người mua phải chịu chưa được tính trong giá hoá đơn (bao bì, vận tải, bảo hiểm...).
Những tranh chấp có thể xảy ra thường liên quan đến việc phân loại sản phẩm. Khi đó nhà kinh doanh phải nhờ đến cơ quan hải quan, các hội đồng địa phương hay cơ quan tiêu chuẩn, đo lường.
Thông quan hàng hóa
Tại Maroc, các thủ tục thông quan ngày càng được đơn giản hoá và áp theo thông lệ quốc tế.
Nhà kinh doanh có thể thực hiện phần lớn khai báo thông qua SADOC (Hệ thống tin học của Cơ quan hải quan và Cơ quan hối đoái) đối với mọi chế độ thuế quan. Có thể thực hiện việc thông quan sau khi có được mã số do cơ quan có thẩm quyền hải quan cung cấp.
Việc thông quan có thể được thực hiện tại các phòng thuế quan đặt tại cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường không; hoặc có thể tiến hành thông quan từ nhà.
Theo qui định hải quan Maroc, thời hạn trung bình nộp thủ tục thông quan là dưới một giờ. Việc kiểm tra hàng hoá được làm rất kỹ (90% hoạt động thông quan được đánh giá là hợp tiêu chuẩn).
Thời gian thông quan và lấy hàng ra khỏi cảng trong vòng 24 tiếng sau khi nộp đủ hồ sơ theo qui định Hải quan cảng kiểm đủ đầu các loại thủ tục như vận đơn, hóa đơn thương mại, hợp đồng, chứng nhận xuất xứ, biên bản kiểm tra hàng, biên bản kiểm tra kiểm dịch, các loại giấy tờ chứng minh đã hoàn thành đầy đủ các nghĩa vụ…
Hải quan Maroc tự miễn trách đối với các giấy tờ thông quan về tính thật giả. Chủ yếu kiểm đủ và hợp lệ theo quy định sẽ cho thông quan hàng.
Trong thời gian chờ thông quan, hàng hóa có 7 ngày lưu kho miễn phí. Sau đó, cảng sẽ tính phí lưu kho và hãng tàu tính phí lưu công. Phí lưu kho và lưu công phát sinh có thể đàm phán với hãng tàu và kho cảng xin giảm để xử lý hàng nếu lô hàng có trục trặc.
Trong trường hợp khách không lấy hàng, để có thể quay hàng về Việt Nam hoặc bán cho đối tác thứ ba cần có văn bản của bên nhập khẩu xác nhận không lấy hàng thì chức trách hải quan mới chấp thuận. Khi đó, nhà nhập khẩu có xu hướng đòi cọc mới cấp giấy xác nhận bỏ hàng. Doanh nghiệp Việt Nam nên thận trọng điểm này bằng cách tìm hiểu đối tác kỹ lưỡng để tránh rủi ro.
Chứng từ phải nộp để thông quan hàng hoá
Như đã nói ở trên, ngoài giấy chứng nhận xuất xứ, khi thông quan hàng hoá được thực hiện trong khuôn khổ một hiệp định thương mại, những chứng từ đòi hỏi là giấy phép nhập khẩu và chứng chỉ ngân hàng do ngân hàng được chỉ định thanh toán nhập khẩu cấp, hoá đơn, vận đơn, giấy ghi chú trọng lượng và miêu tả danh mục hàng, biên bản kiểm tra kiểm dịch…
Tại Maroc, cần có những giấy tờ sau đây đối với mọi hàng hoá xuất nhập khẩu:
- Giấy phép (thể hiện xuất nhập khẩu "hữu hình")
(a) Hoá đơn thương mại: Các hoá đơn tạm (cho biết chi tiết về hàng gửi nhưng không đòi thanh toán) trong hầu hết các trường hợp. Không cần hình thức hoá đơn đặc biệt. Hoá đơn thương mại hoặc hoá đơn tạm nên (a) cần có trên phần tiêu đề của nhà cung cấp.
- Miêu tả hàng hoá đầy đủ bằng tiếng Pháp, (c) chỉ dẫn mã HS nếu có thể, (d) chỉ dẫn giá trị hàng hoá, (e) chỉ dẫn đồng tiền thanh toán (đối với chuyển ngoại hối) và (f) chỉ dẫn địa chỉ của người mua. Nhà xuất khẩu cũng nên biết không giống như ở Mỹ, ngày - tháng - năm viết theo thứ tự như trong tiếng Pháp.
- "Cam kết nhập khẩu" là một giấy phép do cơ quan ngoại hối cấp để chuyển ngoại tệ từ Maroc đến các nhà cung cấp nước ngoài.
- Tờ khai hải quan do cơ quan hải quan cung cấp cần thiết cho hàng hoá xuất nhập khẩu khi qua cảng hoặc sân bay. Đối với việc gửi qua bưu điện, chỉ cần điền một mẫu tại bưu điện thay cho tờ khai hải quan.
Nhà nhập khẩu/xuất khẩu có thể gửi kèm bất cứ tài liệu gì như tài liệu kỹ thuật để giúp cơ quan hải quan hiểu thêm về hàng hóa của mình.