|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Đa dạng hóa phương thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc

20:25 | 24/12/2021
Chia sẻ
Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý tốt đội ngũ lái xe chuyên trách và nhân công làm dịch vụ trực tiếp tại các bến bãi, khu vực cửa khẩu, có biện pháp quản lý chặt chẽ.
Đa dạng hóa phương thức giao nhận hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc - Ảnh 1.

Xe chờ xuất khẩu hàng hóa tại cửa khẩu phụ Tân Thanh, Lạng Sơn. (Ảnh: Thái Thuần - TTXVN).

Ngày 24/12, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu đã chủ trì làm việc với các sở, ngành và đại diện một số doanh nghiệp bến bãi trên địa bàn tỉnh nhằm xem xét, đánh giá các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại khu vực cửa khẩu, qua đó tạo điều kiện tốt nhất, nhanh nhất để thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu, để từng bước tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc thông quan hàng hóa, các sở, ngành, lực lượng chức năng trước tiên cần đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch COVID-19 trên người và hàng hóa, đặc biệt trong khu vực cửa khẩu phải thật an toàn, đảm bảo giữ vững "vùng xanh" tại các cửa khẩu.

Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường quản lý tốt đội ngũ lái xe chuyên trách và nhân công làm dịch vụ trực tiếp tại các bến bãi, khu vực cửa khẩu, có biện pháp quản lý chặt chẽ, cách ly triệt để, không để lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào.

Về việc kiểm soát hàng hóa, trước mắt tỉnh giao cơ quan y tế tham mưu UBND tỉnh có văn bản gửi các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp có hàng xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn phải có chứng nhận đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống COVID-19 từ nơi sản xuất, đóng gói, vận chuyển…

Đối với việc khử khuẩn hàng hóa tại của khẩu nhằm đảm bảo hàng hóa xuất khẩu không có dịch bệnh, tỉnh giao Ban Quản lý khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn làm việc với doanh nghiệp tham gia hoạt động khử khuẩn tại cửa khẩu liên hệ với các cơ quan chức năng Trung Quốc để xem xét và chấp nhận kết quả khử khuẩn của Việt Nam và không phải khử khuẩn lại khi hàng hóa sang Trung Quốc. Nếu được phía Trung Quốc chấp thuận, đây sẽ là biện pháp căn cơ và lâu dài tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa.

Đối với phương thức giao nhận hàng hóa, UBND tỉnh Lạng Sơn giao Ban Quản lý Khu kinh tế Cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn tăng cường hội đàm với phía Trung Quốc để chấp nhận phương thức giao hàng trên biên giới hoặc phía Trung Quốc sang Việt Nam nhận hàng, giúp thuận lợi hơn cho việc thông quan hàng hóa.

Cùng với đó, Ban Quản lý phối hợp với các ngành chức năng khẩn trương xây dựng dự thảo trình UBND tỉnh trước ngày 10/1/2022 về quy trình thực hiện lựa chọn mặt hàng hóa được ưu tiên xuất khẩu và cách thức kiểm soát hàng ưu tiên xuất khẩu nhằm đảm bảo đúng quy trình, tránh những hệ lụy, tiêu cực phát sinh.

Về việc thiết lập “vùng đệm” đảm bảo cửa khẩu xanh, đối với khu vực cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị xác định khu trung chuyển là “vùng đệm”; đối với cửa khẩu Tân Thanh, “vùng đệm” là khu phi thuế quan. Tỉnh yêu cầu trong “vùng đệm” phải đảm bảo an toàn tuyệt đối về dịch bệnh đối với người và hàng hóa.

Các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tích cực, chủ động trong hội đàm, trao đổi, cung cấp thông tin với phía Trung Quốc để kịp thời tháo gỡ khó khăn việc thông quan hàng hóa.

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Lạng Sơn Lý Kim Soi, hiện tại việc thiết lập “vùng đệm” và quy trình kiểm tra, kiểm soát, xét nghiệm COVID-19 đối với người, phương tiện và hàng hóa xuất khẩu với quy trình chặt chẽ, đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.

Đối với quản lý lái xe chuyên trách và lái xe đường dài, cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện kiểm soát theo quy trình khép kín 3 vòng nhằm đảm bảo giữ “vùng xanh” tại khu vực cửa khẩu, biên giới. Riêng lái xe chuyên trách phải sinh hoạt, ngủ nghỉ, ăn uống trong khu sinh hoạt tập trung dành cho lái xe chuyên trách; duy trì xét nghiệm PCR 3 ngày/lần…

Việc kiểm soát khử khuẩn phương tiện, hàng hóa xuất khẩu, qua khảo sát thực địa, tại cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị vị trí lắp đặt hệ thống phun khử khuẩn tại khu vực trung chuyển hàng hóa thuộc địa bàn huyện Cao Lộc. Tại cửa khẩu Tân Thanh, vị trí lắp đặt hệ thống phun khử khuẩn tại khu phi thuế quan thuộc địa bàn huyện Văn Lãng.

Tuy nhiên, hiện còn một số vướng mắc, khó khăn như: chưa xác định được quy trình và công nghệ phun khử khuẩn; việc bố trí khu vực lắp đặt hệ thống phun khử khuẩn, nhưng chưa nắm được quy mô, quy trình, diện tích…

Tình trạng ách tắc hàng nông sản của Việt Nam xuất khẩu nghiêm trọng như hiện nay là do hải quan Trung Quốc kiểm tra dịch COVID-19 trên hàng chở bằng container lạnh do nghi ngờ trên bao bì có dịch; các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là thanh long, mít, soài… tươi đông lạnh.

Để giải quyết việc ùn tắc hàng nông sản xuất khẩu như hiện nay, việc nghiên cứu và xây dựng quy trình kiểm tra, kiểm soát, xét nghiện đối với hàng hóa xuất khẩu là cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp liên ngành và thống nhất xây dựng quy trình, cơ chế quản lý, xét nghiệm và thu phí xét nghiệm… trên cơ sở tham vấn ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế.

Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ngành đã tập trung thảo luận các biện pháp đẩy nhanh thông quan hàng hóa, kiểm soát tốt dịch bệnh như: lựa chọn địa điểm phù hợp để bố trí khu vực phun khử khuẩn hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chuẩn quốc tế; cách thức kiểm soát dịch bệnh trên hàng hóa, người và phương tiện; phương án và quy trình phun khử khuẩn hàng hóa xuất khẩu; phương thức giao nhận hàng; tiếp nhận sự hỗ trợ vật tư y tế phòng, chống dịch từ nước bạn…

Theo Cục Hải quan Lạng Sơn, đến thời điểm này, tại các khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Chi Ma và cửa khẩu Quốc tế Hữu Nghị còn tồn hơn 4.000 xe hàng hóa chờ xuất khẩu.

Thái Thuần