|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất đánh thuế khẩn cấp giới tỉ phú và phân chia cho người lao động

10:00 | 06/09/2020
Chia sẻ
MarketWatch nhận định, không gì thể hiện thiệt hại mất cân đối của đại dịch COVID-19 tại Mỹ hơn là chứng kiến vài trăm tỉ phú tiếp tục giàu lên trong khi hàng triệu người khác phải vật lộn với công việc, bệnh tật và cả cái chết.

Gần 188.000 người Mỹ đã tử vong vì COVID-19 và hơn 32 triệu người lao động mất việc. Chỉ trong quí I/2020, các hộ gia đình ở nền kinh tế lớn nhất thế giới đã mất khoảng 6,5 nghìn tỉ USD tài sản.

Tuy nhiên, khối tài sản của các tỉ phú lại đang tăng vọt. Kể từ ngày 18/3, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở Mỹ, khối tài sản của 467 tỉ phú Mỹ đã tăng hơn 730 tỉ USD, tương đương tăng 30%, theo phân tích của Forbes.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã sử dụng các biện pháp khẩn cấp để hỗ trợ nền kinh tế, đảo ngược đà sụt giảm của thị trường chứng khoán, dù phần còn lại của nền kinh tế tiếp tục đi xuống. Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ chính sách của Fed không phải ai khác ngoài giới tỉ phú.

Thượng nghị sĩ Mỹ đề xuất đánh thuế khẩn cấp giới tỉ phú và phân chia cho người lao động - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. (Nguồn: MarketWatch).

Đánh thuế tỉ phú để tạo phúc lợi cho người dân

Theo MarketWatch, đã đến lúc chính quyền Washington nên đánh thuế tài sản khẩn cấp đối với các tỉ phú Mỹ và phân bổ số tiền này để bù đắp chi phí y tế của đất nước.

Thượng nghị sĩ độc lập Bernie Sanders, cùng Thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ Kristen Gillibrand và Ed Markey, đã đề xuất dự luật Make Billionaire Pay Act để thu lại hơn một nửa số tiền mà các tỉ phú kiếm được trong đại dịch COVID-19.

Dự luật trên đề xuất đánh thuế một lần duy nhất đối với 60% thu nhập của các tỉ phú Mỹ trong giai đoạn 18/3 - cuối năm nay. Dựa theo mức tăng tài sản của các tỉ phú Mỹ tính đến ngày 5/8, chính phủ có thể huy động được khoảng 420 tỉ USD.

Thượng nghị sĩ Sanders đề xuất chuyển khoản tiền trên cho chương trình Medicare nhằm chi trả cho toàn bộ chi phí chăm sóc sức khỏe mà các gia đình tự bỏ tiền túi để thanh toán khi không có bảo hiểm hoặc bảo hiểm không đủ khả năng chi trả, bao gồm cả chi phí thuốc kê theo toa. Theo đề xuất của ông Sanders, kế hoạch thanh toán chi phí y tế này có thể kéo dài đến năm 2021.

Điều đó sẽ "đảm bảo mọi người dân Mỹ đều được hưởng quyền lợi chăm sóc sức khỏe trong suốt một năm", ông Sanders cho hay trong một thông cáo báo chí.

Các thành viên khác của Quốc hội Mỹ cũng có thể có ý tưởng riêng để chi tiêu 420 tỉ USD nêu trên, chẳng hạn như hỗ trợ cho chính quyền các bang chi trả dịch vụ công, duy trì khoản trợ cấp thất nghiệp bổ sung 600 USD/tuần/người hoặc tổ chức thêm một đợt phát 1.200 USD tiền mặt.

Tài sản của các tỉ phú Mỹ cũng không hao hụt nhiều sau thuế

Ngay cả khi bị đánh thuế, các tỉ phú Mỹ vẫn có thể kiếm được khoảng 310 tỉ USD trong thời kì suy thoái tồi tệ nhất của nước Mỹ kể từ Đại Khủng hoảng những năm 1930.

Khối tài sản của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos đã tăng 63% trong đại dịch, một con số đáng kinh ngạc. Nhờ đó, Jeff Bezos hiện sở hữu khối tài sản khoảng 184 tỉ USD. Theo đề xuất đánh thuế của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders, Jeff Bezos sẽ phải trả khoản thuế một lần ước tính là 42,8 tỉ USD.

Sau khi bị truy thu thuế, nhà sáng lập của gã khổng lồ ngành bán lẻ Amazon vẫn là người giàu nhất thế giới với khối tài sản trên 140 tỉ USD.

Khối tài sản của CEO của hãng xe điện Tesla Elon Musk đã tăng gần ba lần lên 70 tỉ USD trong đại dịch COVID-19. Ông Elon Musk sẽ phải trả khoản thuế một lần khoảng 27,3 tỉ USD và khối tài sản của tỉ phú xe điện vẫn cao hơn 75% so với cách đây 5 tháng.

Mark Zuckerberg, nhà đồng sáng lập mạng xã hội Facebook, đang sở hữu khối tài sản trị giá 88 tỉ USD. Theo mức thuế đề xuất trên, Mark Zuckerberg phải nộp khoản thuế ước tính là 22,1 tỉ USD. Tuy nhiên, khối tài sản của CEO Facebook vẫn cao hơn 28% so với thời điểm ngày 18/3.

Đại dịch COVID-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng y tế và kinh tế chưa từng có, không ai nên hưởng lợi quá mức từ đại dịch này. Tuy nhiên, nhiều tỉ phú lại đang kiếm bộn tiền trong giai đoạn đất nước phải chịu đựng và hi sinh rất nhiều.

Trong quá khứ, các nhà lãnh đạo Mỹ từng hành động để hạn chế hành vi trục lợi trong thời kì khủng hoảng.

Ở Thế chiến II, Thượng nghị sĩ Harry Truman đã tổ chức các phiên điều trần trước Quốc hội về trục lợi trong chiến tranh, vạch trần cách một số tập đoàn thu lợi lớn trong thời chiến.

Dưới thời Tổng thống Dwight Eisenhower, Mỹ đã đánh thuế lợi nhuận vượt mức đối với các công ty trục lợi trong thời kì Chiến tranh Triều Tiên.

Hiện tại, Mỹ đang đứng trước hai lựa chọn rõ ràng: Tạo điều kiện cho hàng trăm tỉ phú tiếp tục phát triển khối tài sản và thâu tóm quyền lực trong đại dịch, hoặc đánh thuế thu nhập của các tỉ phú này để cải thiện bộ mặt y tế và phúc lợi của nước Mỹ?

MarketWatch nhấn mạnh, cách nước Mỹ đối mặt với tình trạng bất bình đẳng hiếm có này là phép thử cuối cùng cho biết Mỹ đang ở tình cảnh nào và sẽ trở nên ra sao trong tương lai.

Yên Khê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.