|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thương mại toàn cầu dập dìu giữa dòng sóng dữ, WTO cần chọn ra một người cầm cương cứng cựa

18:59 | 24/05/2020
Chia sẻ
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, suy thoái kinh tế nghiêm trọng chưa từng có, căng thẳng Mỹ - Trung leo thang và chủ nghĩa bảo hộ gia tăng, WTO cần phải chọn ra một nhà lãnh đạo xứng tầm sau khi Tổng giám đốc Roberto Azevedo ra đi.

"WTO cần một nhà cải cách"

Tuần trước, Tổng giám đốc Roberto Azevedo đã gây bất ngờ cho 164 nước thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) khi tuyên bố ông sẽ từ chức vào cuối tháng 8 năm nay, sớm hơn một năm so với dự kiến.

Reuters nhận định, sự ra đi của Tổng giám đốc WTO đang góp phần đẩy các cơ quan quốc tế chìm sâu vào bất ổn giữa lúc nhiều nền kinh tế ra sức chống lại xu hướng toàn cầu hóa.

Cho nên, WTO cần phải tìm một người kế nhiệm thay thế vào thời điểm ông Azevedo rời đi, hoặc ít nhất là vào cuối năm nay - thời điểm mà cơ quan có trụ sở tại Geneva phải xử lí một loạt các vấn đề vướng mắc trước thềm Hội nghị Bộ trưởng năm 2021.

Theo Reuters, đây là một nhiệm vụ khó khăn cho WTO khi trong nhiều năm qua, tổ chức này không xúc tiến được bất kì hiệp định quốc tế lớn nào và phải quyết định người đứng đầu bằng một cuộc bỏ phiếu.

Thương mại toàn cầu dập dìu trong sóng dữ, WTO cần chọn ra một người cầm cương cứng cựa - Ảnh 1.

Tổng giám đốc Roberto Azevedo đệ đơn từ chức, đẩy WTO chìm sâu vào bất ổn. (Ảnh: Reuters)

Mặc dù WTO thực chất do các nước thành viên dẫn dắt, một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và lôi cuốn chắn chắn đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là khi đại dịch đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái nghiêm trọng sau gần một thế kỉ và quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng từng ngày.

"Đây là thời khắc chưa từng có và WTO sẽ cần có một chiến lược mới nếu cơ quan này muốn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phục dựng lại nền kinh tế toàn cầu", bà Kelly Ann Shaw - đối tác tại công ty Hogan Lovells kiêm cựu quan chức thương mại Mỹ, cho hay.

"Cái mà WTO thực sự cần là một nhà cải cách", bà Shaw nhấn mạnh.

Hơn 100 rào cản thương mại đã được dựng lên kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Một số quốc gia đang đặt câu hỏi về sự phụ thuộc của họ vào nguồn cung ứng hàng hóa của nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích WTO và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cáo buộc hai cơ quan này quá thiên vị Trung Quốc. Tuần trước, ông Trump mô tả WTO là "cực kì tồi tệ".

Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ vừa đạt được thỏa thuận giai đoạn một vào tháng 1 năm nay nhưng hiện đã căng thẳng trở lại. Washington thậm chí còn tìm cách chặn nguồn cung chip cho Huawei Technologies thông qua một qui định mới.

Tháng 12 ngoái, Washington đã làm tê liệt khả năng can thiệp vào các cuộc tranh chấp thương mại của WTO sau khi chặn đứng việc bổ nhiệm nhân sự mới vào Cơ quan Phúc thẩm trực thuộc tổ chức này.

Phát ngôn viên Keith Rockwell thừa nhận nhiệm vụ của Tổng giám đốc WTO là "một trong các công việc khó khăn và thách thức nhất". Nhà lãnh đạo của WTO phải đương đầu với hàng tá vấn đề thương mại nan giải.

"Tuy nhiên, chúng tôi có qui trình rõ ràng và tôi chắc chắn WTO sẽ có được một số ứng viên tiềm năng nên hi vọng mọi việc sẽ diễn ra suôn sẻ", phát ngôn viên Rockwell cho hay.

"Cuộc thi sắc đẹp"

Ba trong số 6 tổng giám đốc trước đây của WTO xuất thân từ châu Âu và số khác đến từ Thái Lan, Brazil và New Zealand. Cho nên, các nhà phân tích nhận định cơ quan này đang phải đối mặt với áp lực chọn một nhà lãnh đạo từ châu Phi.

Ông Bill Reinsch - cựu quan chức Bộ Thương mại Mỹ và hiện đang làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Chiến lược, cho biết có 4 ứng viên tiềm năng đến từ châu Phi.

"Như mọi khi, vấn đề với châu Phi là liệu họ có thể đứng sau ủng hộ một ứng viên duy nhất hay không", ông Reinsch nói.

Reuters dẫn lời một số cựu quan chức cho biết những lần lựa chọn tổng giám đốc WTO trước đều không khác gì "một cuộc thi sắc đẹp" với nhiều sự kiện cộng đồng rầm rộ cùng hàng loạt chuyến thăm của các nước thành viên nhằm đánh giá ứng viên.

Đại dịch COVID-19 khiến các cuộc gặp mặt trực tiếp như thế trở nên khó khăn và những phiên họp trực tuyến hồi tháng trước của WTO liên tục bị trục trặc về đường truyền.

Các cơ quan toàn cầu khác như Liên Hợp Quốc đã chuyển sang bỏ phiếu bằng văn bản, tuy nhiên các nước thành viên WTO lại lên tiếng phản đối. Họ cho rằng quyết định chính thức không thể được đưa ra trên mạng hay bằng văn bản.

Cuộc ganh đua không phải của riêng Mỹ và Trung Quốc

Việc đề cử ứng viên chính thức hiện chưa bắt đầu nhưng WTO chắc chắn sẽ muốn tránh lặp lại kịch bản năm 1999, khi ứng viên Mike Moore của New Zealand và Supachai Panitchpakdi của Thái Lan phải chia đôi nhiệm kì, mỗi người giữ trọng trách cầm trịch WTO trong ba năm.

Ông Rohinton Medhora - Chủ tịch Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế (Canada) nhận định  sẽ có một "cuộc đụng độ lớn" nếu Washington và Bắc Kinh đề xuất ứng viên hoặc tìm cách đóng vai trò quan trọng trong quá trình tuyển chọn nhà lãnh đạo của WTO.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh sẽ trì hoãn hoạt động "của một số cơ quan có liên quan" nhằm tập trung tìm kiếm một tổng giám đốc mới cho WTO. Đồng thời, Bắc Kinh sẵn sàng "duy trì liên lạc và phối hợp chặt chẽ để đảm bảo quá trình chuyển giao quyền lực bên trong cơ quan quốc tế này diễn ra suôn sẻ".

Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ từ chối đưa ra bình luận và đề cập đến một tuyên bố trước đó của Đại diện Thương mại Robert Lighthizer. Cụ thể, ông Lighthizer từng cho hay Mỹ đang mong muốn tham gia vào quá trình lựa chọn người cầm cương cho WTO.

Cuộc ganh đua không chỉ diễn ra giữa hai siêu cường Mỹ - Trung. Châu Âu đang chật vật chống đỡ sau khi chính quyền ông Trump đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ lục địa già với lí do "an ninh quốc gia".

An ninh quốc gia cũng được Nhật Bản viện dẫn khi hạn chế xuất khẩu hàng hóa công nghệ cao sang Hàn Quốc. Cuộc tranh chấp thương mại giữa Nga và Ukraine, cùng một vụ kiện do Qatar đệ trình lên WTO nhằm chống lại bộ ba Bahrain, UAE và Arab Saudi, cũng có chung chủ đề: an ninh quốc gia.

"Chúng ta đang chứng kiến sự hồi sinh của 'luật rừng'", ông Roberto Zappata - cựu Đại sứ Mexico tại WTO cho hay. "Các nước thành viên cần phải tự điều chỉnh để WTO có thể đứng vững trước những thách thức hiện tại. Nếu không, WTO có thể bị lên án là xa rời thực tế và hoạt động kém hiệu quả".

Yên Khê