Thủ tướng đồng ý cơ chế đặc thù cho dự án sân bay Long Thành
Mô hình sân bay Long Thành (Ảnh: BizLIVE) |
Cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan liên quan xây dựng Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành tiểu dự án riêng trước khi Quốc hội phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh Đồng Nai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với UBND tỉnh Đồng Nai xây dựng Khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án; trên cơ sở đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức thẩm định Khung chính sách theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai) là dự án đặc biệt quan trọng cấp quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch vị trí, quy mô và phân khu chức năng năm 2005; phê duyệt quy hoạch dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành năm 2011. Mục tiêu đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F - cấp cao nhất theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Công suất dự kiến đạt 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm, được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn 1 chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành và đưa vào khai thác 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 2 và 3 tiếp tục làm thêm đường cất hạ cánh và nhà ga để khi hoàn thành sẽ đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Vị trí thực hiện dự án nằm trên địa bàn 6 xã: Bình Sơn, Suối Trầu, Cẩm Đường, Long An, Long Phước và Bàu Cạn (huyện Long Thành). Sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh 40 km, cách Biên Hoà 30 km.