|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Xem xét việc kéo dài thời hạn áp dụng cơ chế đặc thù cho TP HCM

13:00 | 29/10/2022
Chia sẻ
Chiều ngày 28/10 tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 54/2017/QH14 ban hành ngày 24/11/2017 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM.

Tuy nhiên, không ít đại biểu còn băn khoăn việc kéo dài thời hạn thêm 1 năm liệu có giải quyết được những vấn đề bất cập còn tồn đọng hiện nay của thành phố vốn là đầu tàu của nền kinh tế hay không.

Một trong những đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực, có sức thu hút và lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước.

Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chính Minh Phan Văn Mãi. Ảnh tư liệu: Phương Hoa/TTXVN

Tại nghị trường, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chính Minh Phan Văn Mãi, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM cho hay, Thành phố đang tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội; đồng thời, đang xin thí điểm thực hiện các cơ chế mới, mô hình mới mà pháp luật hiện hành chưa có quy định hoặc có nhưng không còn phù hợp.

Qua đó, nhằm tăng sự chủ động - tự chủ cho Thành phố, khơi dậy, phát huy mạnh mẽ tiềm năng, thế mạnh của TP HCM và để thành phố phát triển mạnh mẽ, góp phần lớn hơn vào sự phát triển chung của đất nước. 

Thời gian tới đây, TP HCM tập trung thực hiện các cơ chế đang phát huy tốt; rà soát và tập trung triển khai các dự án có điều kiện triển khai ngay; rà soát, làm việc với các cơ quan Trung ương về sử dụng các tài sản công trên địa bàn; tập trung xây dựng nghị quyết mới để thay thế Nghị quyết 54 và trình Quốc hội tại kỳ họp gần nhất có thể, chứ không nhất thiết phải chờ đến cuối năm 2023.

Ông Tạ Văn Hạ,  Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận định, trong các nội dung TP HCM đề xuất có phần cơ chế quản lý đất đai, đầu tư là có thể thực hiện được ngay. Tuy nhiên, còn không ít chính sách quan trọng khác, trong đó có mục tăng lương cho đội ngũ cán bộ công chức còn chưa đáp ứng được. 

Đại biểu thống nhất việc kéo dài thời hạn áp dụng, song nghị quyết vẫn cần bổ sung thêm một số điều chỉnh hay yêu cầu điều chỉnh. Cùng với đó, TP HCM cũng cần làm báo cáo tổng kết đánh giá thời gian thực hiện vừa qua để xem còn có hạn chế, vướng mắc khó khăn gì cần phải điều chỉnh. Phải chỉ ra được những vấn đề tại sao mà những cơ chế kia không thực hiện được, đâu là lý do chủ quan, đâu là khách quan, đâu là cơ chế không áp dụng được và trong nghị quyết tới đây sẽ xây dựng thì cần điều chỉnh, bổ sung những gì.... 

Khi Quốc hội xem xét các đề xuất của TP HCM, cũng cần nghiên cứu đó đã thực sự là những cơ chế đặc thù hay chưa; đó có phải là động lực giúp cho TP HCM thực sự phát triển hay không. Đó mới là điều mà mọi cử tri và các đại biểu mong muốn. Chứ nếu chỉ đề nghị kéo dài cho kéo dài thì thực sự không ổn.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Vũ Tiến Lộc. Ảnh tư liệu: Phương Hoa/TTXVN

Đại diện đoàn đại biểu Hà Nội, ông Vũ Tiến Lộc thì cho rằng, nên thống nhất kéo dài thời hạn triển khai Nghị quyết 54 thêm 1 năm để thực hiện cơ chế đặc thù của TP HCM. Bởi, thành phố mới trải qua giai đoạn rất gian nan, đau thương nhất trong tác động dịch bệnh COVID-19 và đang trong quá trình phục hồi lại.

TP HCM từng dẫn dắt sự tăng trưởng của toàn nền kinh tế, nhưng đang có vẻ bị mất đà, mất động lực. Vì vậy có cơ chế đặc thù cho TP HCM ở thời điểm này là để bù đắp lại những mất mát trong thời gian qua và tạo nên những đột phá, dẫn dắt tăng trưởng.

Khi tạo đặc thù cho TP HCM phát triển, không chỉ đem lại lợi ích cho riêng thành phố mà còn có ý nghĩa tạo động lực tổng thể cho phát triển chung nền kinh tế của nước, đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn hiện nay.

Ngọc Quỳnh - Diệp Anh

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.