|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

UBTVQH thống nhất kéo dài thời gian thí điểm cơ chế đặc thù đối với TP HCM

15:43 | 12/10/2022
Chia sẻ
Tại báo cáo gửi Quốc hội, Chính phủ đề nghị cho phép TP HCM được kéo dài thí điểm cơ chế đặc thù thêm một năm, đến hết 2023.

Trình bày Báo cáo thẩm tra việc thực hiện Nghị quyết số 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, qua đối chiếu với kết quả thực hiện 4 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54, cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để TP HCM phát triển nhanh, bền vững trong tương lai. 

Các quy định về quản lý đầu tư; về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước đã góp phần tạo cơ chế chủ động, linh hoạt, bổ sung thêm nguồn lực trong thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của TP HCM. Tuy nhiên, một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.

Thường trực Ủy ban Tài chính và Ngân sách đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023; đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc: “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo Quốc hội” theo đúng quy định tại Nghị quyết 54.

 

Toàn cảnh phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/10. (Ảnh: Quốc hội).

Làm rõ quản lý về đất đai và thu phí ở TP HCM

Tham gia thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đồng tình với các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và cho biết, trong thời gian qua, dù hai thành phố đã tích cực thực hiện hai Nghị quyết của Quốc hội, triển khai các chính sách, cơ chế đặc thù về đất đai, về phí, lệ phí, đầu tư, tài chính, ngân sách… tuy nhiên do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, đặc biệt là ở TP HCM, tiến độ triển khai còn chậm, hiệu quả của các chính sách này còn chưa rõ ràng như kỳ vọng của Quốc hội.

Với cơ chế chính sách phân cấp quản lý về đất đai, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng cần báo cáo làm rõ các nội dung liên quan đến những vướng mắc về nguồn gốc đất, cơ chế xử lý của các bộ ngành, làm sáng tỏ điểm nghẽn ở quy định, thẩm quyền hay quy trình thủ tục, để tác động hiệu quả, giải quyết đúng vấn đề cốt lõi để khơi thông điểm nghẽn trong vấn đề này.

Về phí, lệ phí, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, việc thực hiện cơ chế đặc thù liên quan đến phí cảng biển đã tạo ra một số bất cập trong cạnh tranh phát triển giữa các cảng biển của TP HCM và cảng biển các khu vực khác. Vì vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị lãnh đạo hai thành phố báo cáo, làm rõ thêm và đánh giá, phân tích lại cơ chế đặc thù này.

Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, cơ chế giữ lại các khoản thu từ cổ phần hóa, thoái vốn còn chưa được triển khai kịp thời, chưa phát huy tác dụng rõ rệt, cần tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng để có giải pháp phù hợp. 

 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: Quốc hội).

Cho phép kéo dài thời gian thí điểm thêm 1 năm

Phát biểu tại buổi thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao và ghi nhận các địa phương gồm Hà Nội, TP HCM chủ động có sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội.

Qua xem xét báo cáo, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ đồng tình với việc trình Quốc hội cho phép kéo dài thực hiện Nghị quyết 54 và đã kéo dài phải có thời hạn, ít nhất khoảng 1 năm. Trong thời gian đó các cơ quan có quỹ thời gian và có điều kiện để nghiên cứu, đánh giá, tổng kết thấu đáo hơn để đề xuất, một số chính sách có thể thể chế hoa bằng luật pháp chung, một số chính sách mới phải thí điểm thêm. Tương tự, Hà Nội nghiên cứu kinh nghiệm của TP HCM để tổng kết, đánh giá sớm hơn. 

Đại diện cho lãnh đạo TP HCM giải trình, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan chia sẻ nhiều nguyên nhân của việc đề nghị kéo dài Nghị quyết 54. Về phía TP HCM, ông Hoan cho biết có những việc TP rất muốn làm, nhưng phải cân nhắc vì mới, khó và trước khi làm cũng lắng nghe nhiều ý kiến, sau đó không mạnh dạn để đưa ra do có ý kiến trái chiều. 

Thậm chí có những nội dung đã quy định trong nghị quyết về cơ chế đặc thù, song theo ông Hoan, việc thực hiện không đơn giản như vấn đề liên quan đến cổ phần hóa. Lãnh đạo TP HCM thừa nhận địa phương chậm có phương án cổ phần hóa, nhưng theo ông, để có phương án cổ phần hóa phải chờ hướng dẫn các phương án sử dụng đất, nên không làm ngay được. Trong khi đó, tài sản công của các cơ quan Trung ương trên địa bàn chưa sắp xếp nên không có cơ hội để TP HCM triển khai thực hiện theo đúng tinh thần Nghị quyết 54.

Ông Hoan thông tin việc TP HCM đã chuẩn bị dự thảo nghị quyết mới trình Quốc hội mang tính toàn diện hơn, để huy động nhiều nguồn lực hơn, không phải chỉ nguồn lực từ Nhà nước. Ví dụ, dự thảo nghị quyết mới mở ra cơ chế huy động nguồn lực bên ngoài của tư nhân.

 

Hạ An