Ninh Thuận và TPHCM hợp tác phát triển trên 5 lĩnh vực trọng yếu
Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam nêu rõ, để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương trong giai đoạn 2023 - 2025 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh Ninh Thuận thống nhất 5 lĩnh vực đề xuất hợp tác chung theo đề xuất của UBND Tp. Hồ Chí Minh. Đó là phát triển du lịch; kết nối cung - cầu, xúc tiến đầu tư - thương mại; phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đào tạo nguồn nhân lực; phát triển nông nghiệp và hợp tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Cụ thể, tập trung vào hợp tác xúc tiến đầu tư, thương mại; trao đổi thông tin, kinh nghiệm về quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách; chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh, thu hút đầu tư phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Đồng thời, hợp tác làm cầu nối, kết nối các doanh nghiệp tại thành phố có năng lực, công nghệ tham gia đầu tư các lĩnh vực mà tỉnh Ninh Thuận có lợi thế. Đặc biệt, hợp tác đầu tư, khai thác cảng biển tổng hợp Cà Ná gắn với vận tải biển, cảng cạn và trung tâm logistics, trung chuyển hàng hóa giữa Tp. Hồ Chí Minh với Ninh Thuận và các tỉnh Tây Nguyên.
Về hợp tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp và phát triển nông thôn, UBND Tp. Hồ Chí Minh tăng cường kêu gọi, tạo điều kiện để doanh nghiệp thành phố tìm hiểu, đăng ký đầu tư các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp đặc thù của tỉnh; kết nối trực tiếp giữa doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp cung ứng nguyên vật liệu, phân phối lớn của thành phố, hướng đến xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Bên cạnh đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp xúc tiến, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản, các dự án du lịch chất lượng cao; tạo điều kiện cho hiệp hội du lịch, doanh nghiệp du lịch giữa hai địa phương xây dựng các tour, tuyến, điểm du lịch; đẩy mạnh kết nối tuyến du lịch Tp. Hồ Chí Minh đến Ninh Thuận và ngược lại.
Ngoài ra, hai bên đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm trong chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, xã hội số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số; hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, liên kết giải quyết cung - cầu lao động, xuất khẩu lao động; đào tạo và chuyển giao kỹ thuật chuyên môn về y tế.
Để hợp tác có hiệu quả, UBND tỉnh Ninh Thuận đề nghị UBND Tp. Hồ Chí Minh phối hợp tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh, giới thiệu các tiềm năng, thế mạnh, điểm khác biệt của Ninh Thuận trên các kênh thông tin, truyền thông của thành phố. Đồng thời, vận động, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các dự án thứ cấp vào các khu, cụm công nghiệp với các lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghiệp chế biến, chế tạo, cơ khí, sản xuất thiết bị điện, linh kiện điện tử, lắp ráp máy móc, may mặc; thu hút doanh nghiệp sản xuất có quy mô lớn, sử dụng nhiều lao động có nhu cầu mở rộng, dịch chuyển đầu tư đối với một số ngành nghề tỉnh có lợi thế, còn nhiều quỹ đất phát triển.
Bên cạnh đó, UBND Tp. Hồ Chí Minh tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm về cơ chế chính sách trong việc hỗ trợ đầu tư, xây dựng kế hoạch phối hợp xúc tiến và quản lý đầu tư; định kỳ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong thu hút và cải cách các thủ tục đầu tư.
Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, trong 10 năm qua, sự phát triển của thành phố có sự đóng góp rất lớn của các tỉnh vùng Duyên hải Nam Trung Bộ; trong đó có tỉnh Ninh Thuận. Trước mắt UBND Tp. Hồ Chí Minh sẽ chỉ đạo các sở, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh trên từng lĩnh vực và có cơ chế để trao đổi, cập nhật thông tin chung thường xuyên nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung hợp tác.
Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh cũng đề nghị các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ thành phố quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu quy hoạch, các lĩnh vực có lợi thế của tỉnh Ninh Thuận để lựa chọn đầu tư trong thời gian tới.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Ninh Thuận, sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa hai địa phương, Ninh Thuận đã thu hút được 24 dự án đầu tư của các doanh nghiệp ở Tp. Hồ Chí Minh với tổng vốn trên 31.500 tỷ đồng, nâng tổng số dự án đến nay là 45 dự án với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng thuộc các lĩnh vực như: năng lượng tái tạo; cảng biển; công nghiệp sản xuất; nông nghiệp; du lịch; thương mại, dịch vụ; lao động, việc làm; y tế; giáo dục đào tạo và khoa học và công nghệ...
Qua chương trình hợp tác, việc giao thương mua bán giữa các doanh nghiệp được thuận lợi và mang lại hiệu quả thiết thực. Kết quả đó khẳng định chủ trương hợp tác phát triển giữa tỉnh Ninh Thuận và Tp. Hồ Chí Minh là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, thắt chặt mối quan hệ hợp tác, tạo tiền đề phát triển hợp tác lâu dài giữa hai địa phương.
Được sự quan tâm của Chính phủ và thông qua chương trình hợp tác, tỉnh Ninh Thuận đã tận dụng hiệu quả các tiềm năng và lợi thế riêng có, biến cái bất lợi trở thành lợi thế cạnh tranh, biến thách thức thành cơ hội phát triển. Nhờ đó, kinh tế của tỉnh đã có sự thay đổi và phát triển vượt bậc, tăng trưởng kinh tế của tỉnh những năm qua đạt mức tăng khá cao, GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 10,2%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân 7,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015.
Từ một tỉnh có cơ sở hạ tầng yếu kém, đến nay Ninh Thuận đã có cảng biển, đường sắt, đường bộ, hệ thống thủy lợi…, đáp ứng yêu cầu phát triển, từng bước hình thành và trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước; các khu, cụm công nghiệp phát huy hiệu quả thu hút nhiều dự án đầu tư, nhất là ngành du lịch dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Những năm qua, mặc dù khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng Ninh Thuận luôn nằm trong nhóm 5 tỉnh có tốc độ tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước.