|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Hoạt động đầu tư tại TP HCM năm 2022: Điểm nhấn sự kiện hút đầu tư vào hai huyện sẽ lên quận hoặc thành phố

20:42 | 20/01/2023
Chia sẻ
Gần 17 tỷ USD được ghi nhớ đầu tư tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Đây là hai trong số các huyện được định hướng phát triển lên quận hoặc lên thẳng thành phố trực thuộc TPHCM.

Theo báo cáo kinh tế xã hội TP HCM năm 2022 của Cục Thống kê TP HCM, tốc độ tăng trưởng GRDP trên địa bàn thành phố ước tăng 9,03% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 5,36%) và vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch năm 2022 là 6 - 6,5%).

Năm qua, số doanh nghiệp thành lập mới tại TP HCM ước đạt 43.000 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới ước đạt 500.000 tỷ đồng; vốn đăng ký bổ sung ước đạt 550.000 tỷ đồng.

Về tình hình đầu tư nước ngoài, TP HCM phấn đấu đạt tổng số thu hút đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt mức 5,4 tỷ USD. Năm 2021, FDI của thành phố đạt 7,23 tỷ USD do thu hút thành công dự án Intel - 2,6 tỷ USD.

Hiện nay, trên địa bàn TP HCM có 11.007 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn khoảng 55,45 tỷ USD. Đây cũng là địa phương dẫn đầu về số dự án còn hiệu lực so với cà nước.

Gần 17 tỷ USD ghi nhớ đầu tư tại một hội nghị

Liên quan đến công tác xúc tiến thưomg mại và đầu tư, báo cáo cũng cho biết thêm, trong năm 2022, thành phố đã đón tiếp và làm việc với 104 đoàn trong và ngoài nước đến tìm hiểu về môi trường đầu tư kinh doanh, trao đổi về các hoạt động về xúc tiến thương mại và đầu tư như:

Tổng Lãnh sự Trung Quốc tại TP HCM, Tổng Lãnh sự Ấn Độ; Thương vụ Đại sứ quán Áo tại TP HCM, Tham tán Thương mại Áo; Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham); Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Indo - Việt Nam; Hiệp hội Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM); Hiệp hội Thương mại Hàn Quốc (KITA); Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID); Cơ quan Đầu tư và Thương mại Ba Lan; Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham); Hiệp hội Doanh nghiệp Hà Lan tại Việt Nam (DBAV); Văn phòng đại diện Universales Almacenes S.A (Cuba) tại TP HCM; Tổ chức Xúc tiến Thương Mại và Đầu Tư của Chính Phủ Hàn Quốc tại TP HCM (KOTRA); Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO); Đoàn công tác Nhịp cầu kinh doanh Việt Nam - Thụy Sỹ (SVBG);.…

Một góc huyện Hóc Môn. (Ảnh: Quỳnh Danh/ZingNews).

TP HCM cũng đã tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào các ngành công nghiệp trọng yếu và các dự án trọng điểm của thành phố, đồng thời tổ chức các buổi gặp gỡ, trao đổi, tham vấn ý kiến và đối thoại với nhà đầu tư.

Trong đó, ngày 12/4/2022, thành phố đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào huyện Củ Chi và huyện Hóc Môn. Đây là hai trong số các huyện được định hướng phát triển lên quận hoặc thành phố trực thuộc TP HCM.

Sự kiện này có hơn 600 đại biểu tham dự. Hội nghị đã giới thiệu về quy hoạch giao thông tổng thể của thành phố, 55 dự án mời gọi đầu tư của hai huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi thộc các lĩnh vực hạ tầng giao thông, nông nghiệp, công nghiệp, y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ,… với tổng vốn đầu tư 285.524 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 12,414 tỷ USD).

Tại hội nghị này, đã có 10 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã được trao, với tổng vốn đầu tư 9.940 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 432,2 triệu USD); 6 đơn vị của thành phố ký thỏa thuận ghi nhớ đầu tư (MOU) với 23 doanh nghiệp đầu tư 37 dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến 381.160 tỷ đồng Việt Nam (tương đương 16,6 tỷ USD).

Lùi tiến độ hoàn thành metro Bến Thành - Suối Tiên đến cuối năm nay

Về đầu tư công, năm 2022, TP HCM đã giao và phân bổ chi tiết số kế hoạch vốn là 37.463,673 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách trung ương là 2.479,640 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 34.984,033 tỷ đồng. Đến hết niên độ Kế hoạch đầu tư công năm 2022 (31/1/2023), thành phố dự kiến giải ngân vốn là 28.753,707 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 76,7% tổng sổ vốn giao.

Trước đó, tại báo cáo kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022, Cục Thống kê TP HCM đã cập nhật tình hình thực hiện một số công trình trọng điểm.

Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên dự kiến hoàn thành thi công  vào cuối quý IV năm 2023. (Ảnh: Minh Hoà/Cổng TTĐT Chính phủ).

Cụ thể, với tuyến đường sắt metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên, do các vấn đề liên quan đến việc huy động nguồn lực dẫn đến dự án chậm tiến độ so với kế hoạch, TP HCM kiến nghị điều chỉnh thời gian thực hiện, hoàn thành thi công tuyến đường sắt này vào cuối quý IV năm 2023.

Dự án tuyến đường sắt Metro số 2 đang thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; trong giai đoạn tổ chức lựa chọn nhà thầu thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật, tuyển chọn tư vấn CS2B, hoàn tất việc lập hồ sơ mời thầu các gói thầu chính để làm cơ sở lựa chọn nhà thầu thực hiện các gói thầu chính của dự án.

Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 3 TP HCM, UBND TP phê duyệt hồ sơ cắm cọc (thiết kế ranh) giải phóng mặt bằng Dự án thành phần 1 (xây dựng đường Vành đai 3 đoạn qua thành phố bao gồm cầu kênh Thầy Thuốc) gồm 1.905 cọc. Trong đó TP Thủ Đức 609 cọc, huyện Củ Chi 193 cọc, huyện Hóc Môn 532 cọc và huyện Bình Chánh 571 cọc.

Dự án Trung tâm văn hoá và phát triển năng lực số thanh niên có tổng mức đầu tư là 300 tỷ đồng. Với dự án này, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã phê duyệt Kế hoạch lựa chọn nhà thầu tư vấn cho 6 gói thầu: Tư vấn thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán; tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán; Tư vấn lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và dự toán hạng mục phòng cháy chữa cháy; Tư vấn lựa chọn nhà thầu cho gói thầu lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán; Thẩm định hồ sơ mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và tổng dự toán; Thẩm định giá thiết bị.

Sẽ giải ngân nhanh cho các dự án trọng điểm, đề xuất việc xây cảng quốc tế Cần Giờ

Năm 2023, TP HCM đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 95% trở lên.

Thành phố sẽ thực hiện rà soát toàn bộ danh mục các công trình, dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 (142 nghìn tỷ), để đề xuất cắt giảm kế hoạch vốn các dự án bố trí nhiều vốn nhưng không giải ngân hết, không có khả năng tiếp tục triển khai.

Cùng với đó, thành phố sẽ rà soát và bổ sung vào trung hạn những công trình dự án trọng điểm, cấp bách khác có đủ điều kiện triển khai, đảm bảo tính khả thi về thủ tục đầu tư, thực hiện và có thể giải ngân vốn ngay trong năm 2023, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới như: Dự án Đoạn 1, Đoạn 2 đường Vành Đai 2; dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm; dự án xây dựng cao tốc Mộc Bài - TP HCM…

Thành phố cũng tập trung giải ngân nhanh các dự án trọng điểm, đặc biệt là các dự án có sử dụng vốn ngân sách trung ương như: Dự án đường Vành Đai 3; tuyến đường sắt đô thị số 1; di dời hạ tầng kỹ thuật tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương); xây dựng nút giao thông An Phú; xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên; dự án xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh.

Ngoài ra, TP HCM sẽ thúc đẩy việc triển khai đầu tư một số dự án lớn tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm; phối hợp, đề xuất trung ương chấp thuận đầu tư dự án xây dựng cảng trung chuyển quốc tế cần Giờ sử dụng nguồn vốn trong nước và nước ngoài; đẩy nhanh triển khai dự án lấn biển cần Giờ theo chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. 

Thủy Long

Thủ tướng yêu cầu tiết kiệm chi để đầu tư phát triển
Các bộ ngành, địa phương phải nâng kỷ cương ngân sách, triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để dành nguồn cho đầu tư phát triển, an sinh, theo Thủ tướng.