|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

TPHCM dự kiến thu hơn 1.500 tỷ đồng mỗi năm từ phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố

20:59 | 08/08/2023
Chia sẻ
Sở Giao thông Vận tải TPHCM trình UBND thành phố đề nghị xây dựng Nghị quyết ban hành mức thu phí tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn.

Theo đó, nguồn thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố nộp toàn bộ vào ngân sách thành phố nhằm mục đích duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố; do đó sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách thành phố. Dự kiến số phí thu được là 1.552 tỷ đồng/năm.

Mức thu được Tp. Hồ Chí Minh xây dựng trên cơ sở mức thu của Hà Nội và Đà Nẵng kết hợp phương pháp xây dựng mức thu theo giá đất hàng năm do UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành và tỷ lệ phần trăm tính tiền thuê đất theo khu vực. Trong đó, Thành phố sẽ có 5 khu vực theo quy định của UBND Tp. Hồ Chí Minh về đơn giá thuê đất, thuê mặt nước trên địa bàn. Mỗi khu vực trong 5 khu vực trên tiếp tục được chia thành 2 khu vực là các tuyến đường trung tâm và các tuyến đường còn lại.

Theo Sở Giao thông Vận tải Thành phố, việc xây dựng chính sách nhằm nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân khi sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố; đồng thời người dân phải có nghĩa vụ đóng góp một phần chi phí cho ngân sách nhà nước để hỗ trợ phần nào công việc duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố…

Đối tượng nộp phí, theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh là các tổ chức, cá nhân được phép sử dụng tạm thời lòng đường để tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; bố trí điểm, giữ xe máy, xe mô tô, xe đạp có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.

Các tổ chức, cá nhân được sử dụng tạm thời để tổ chức các hoạt động văn hóa và điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa; làm điểm tổ chức kinh doanh dịch vụ, mua bán hàng hóa (thuộc danh mục do UBND cấp huyện ban hành); điểm bố trí các công trình, tiện ích phục vụ giao thông công cộng, lắp đặt các công trình tạm trên hè phố, dải phân cách, đảo giao thông; làm điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình; bố trí điểm trông, giữ xe có thu tiền dịch vụ trông giữ xe.

Trước đây, UBND Thành phố ban hành quyết định năm 1991 về việc điều chỉnh giá biểu thu lệ phí khai thác đất công, chợ, đường phố, bến bãi, cảng. Mức thu này quá thấp (12.000 đồng/m2/tháng) đối với ngành hàng dịch vụ bày bán trên đường) và tên gọi không còn phù hợp, nên năm 2017 thành phố đã bãi bỏ quyết định này.

Theo Sở Giao thông Vận tải Tp. Hồ Chí Minh, hiện nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố của các tổ chức, người dân rất lớn nhưng hệ thống hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng một phần do nguồn kinh phí bố trí cho đầu tư xây dựng, duy tu, bảo trì hàng năm còn hạn chế. Do đó, thành phố cần tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhằm duy tu, bảo trì lòng đường, hè phố.

Vừa qua, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã có quyết định ban hành quy định về quản lý và sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố trên địa bàn, có hiệu lực từ ngày 1/9/2023. Theo quyết định mới ban hành, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố phải đảm bảo không gây mất trật tự, an toàn giao thông; không chắn ngang nơi đường giao nhau, trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức. Chiều rộng hè phố dành cho người đi bộ tối thiểu từ 1,5m.

Tiến Lực

Vàng, đô và lãi suất: Ý nghĩa như thế nào với kinh tế Việt Nam?
Tỷ giá USD/VND đã tăng 4,5% so với đầu năm, cao hơn 1% so với mức mất giá bình quân dưới 3,5% trong gần 1 thập kỷ. Điều này đã gây sức ép lớp lên các nhà điều hành phải đưa ra một loạt các chính sách kết hợp nhằm ngăn chặn sự giảm giá của đồng VND, tạo ra những tác động nhất định lên thị trường tài chính.