Đề xuất áp dụng cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ thay vì chỉ TP HCM
Theo báo cáo của nhóm chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), vùng Đông Nam Bộ là động lực tăng trưởng của cả nước, nhưng vai trò này đang dần suy giảm; là đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế nhưng động cơ không còn phù hợp và đang yếu dần,…
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng vùng còn yếu, thiếu tính kết nối và đồng bộ. Một số công trình trọng điểm chậm tiến độ so với mục tiêu đề ra. Phát triển công nghiệp trong vùng còn thiếu tính bền vững…
Để giúp vùng Đông Nam Bộ lấy lại được vai trò đầu tàu, nhóm chuyên gia đề xuất thiết lập cơ chế phối hợp tập trung vốn giữa Trung ương với địa phương và giữa các địa phương. Cùng với đó là tăng cường cơ chế huy động vốn tư nhân và xây dựng mô hình hoạt động cho Quỹ phát triển hạ tầng vùng.
Bàn về các giải pháp phát triển cho vùng tại Hội thảo khoa học "Cơ chế đặc thù phát triển vùng Đông Nam Bộ: Đề xuất cơ chế tài chính và đầu tư phát triển vùng" sáng 6/10, nhiều chuyên gia cho rằng cần mở rộng phạm vi của Nghị quyết 98 sang cả vùng Đông Nam Bộ thay vì chỉ TP HCM.
TS. Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM lý giải, Nghị quyết 98 của Quốc hội cho phép TP HCM thí điểm mô hình TOD (phát triển đô thị dọc theo các tuyến giao thông lớn).
Tuy nhiên, nếu tuyến Metro số 1 tiếp tục được kéo dài đến Bình Dương thì Bình Dương cũng phải có cơ chế đặc thù riêng, bởi TOD chỉ thực hiện được ở TP HCM. Tương tự như vậy, Nghị quyết 98 cho phép thí điểm TOD để phát triển đô thị dọc theo tuyến Vành đai 3 nhưng tuyến đường này cũng liên quan đến các tỉnh lân cận, TS Vũ đặt vấn đề.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch cũng cho rằng để phát triển vùng, không cần nghiên cứu gì thêm mà áp dụng luôn một số điểm trong Nghị quyết 98 cho cả vùng. Ngân sách của địa phương này có thể đầu tư qua địa phương khác đối với những công trình hạ tầng đi qua các địa phương đó.
"Các mô hình TOD, BOT cho các đường hiện hữu, hợp tác công tư PPP về văn hóa - thể thao… có trong cơ chế đặc thù để phát triển TP HCM thì cũng nên áp dụng cho cả Bình Dương, Đồng Nai", ông nói.
Đối với Quỹ đầu tư hạ tầng vùng, vị chuyên gia này cho rằng phải xác định được đối tượng đầu tư. Đó là các tuyến đường cao tốc vùng; tuyến đường sắt nối toàn bộ vùng; các hạ tầng liên quan đến cảng, đặc biệt là hạ tầng viễn thông, xây dựng các trung tâm dữ liệu lớn của vùng, xây dựng hạ tầng để chuyển đổi số. Ngoài ra, cần phát triển các trung tâm xử lý chất thải điện, năng lượng sạch ở vùng.
Chuyên gia đề xuất có thể huy động vốn từ các quỹ đầu tư địa phương, từ ngân hàng phát triển, tư nhân, điều hành dựa trên hiệu quả đầu tư, không có bao cấp, không xin cho.
Về vấn đề vốn cho các dự án hạ tầng, ông Nguyễn Quang Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư tài chính TPHCM (HFIC) cho rằng cơ chế sử dụng vốn phải hiệu quả, phải có nguồn thu để trả nợ.
"Một tuyến đường muốn thu hồi vốn mất trên 20 năm, còn ngân hàng chỉ cho vay 5 - 10 năm là tối đa. Vậy nên muốn phát triển quỹ thì phải xây dựng cơ chế tài chính, có thể dùng cơ chế ngân sách Nhà nước. Theo đó, ngân sách nhà nước sẽ bố trí hằng năm một khoản để trả nợ cho ngân hàng. Nhà nước bố trí vốn ngân sách ngay từ đầu, hoặc phải bố trí vốn để tham gia cùng trả nợ với chủ đầu tư", ông Thanh nói.