Đề xuất thêm cơ chế đặc thù đẩy nhanh thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia
Tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại cả Trung ương và các cấp tại địa phương (gồm: xây dựng nông thôn mới; giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) giai đoạn 2021 - 2023 còn nhiều khó khăn, vướng mắc.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Chính phủ đề xuất trình Quốc hội cho phép thực hiện thêm những cơ chế đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trong thời gian tới.
Cùng với đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề xuất các cơ quan Trung ương và địa phương cần phát huy cao nhất vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc và tuyên truyền đẩy nhanh tiến độ thực hiện; tăng cường phối hợp, kiểm tra, chỉ đạo, giám sát giữa các cơ quan Trung ương và địa phương...
Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp truyền thông, thông tin về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về quản lý, triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hoàn thiện hệ thống dữ liệu quốc gia về giám sát, đánh giá thực hiện các chương trình tại các cấp...
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia luôn là nhiệm vụ trọng tâm, thường kỳ của Chính phủ và được Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt.
Tại các Nghị quyết của Chính phủ, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ luôn đặt ra yêu cầu cao nhất, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cho các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn của 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Các địa phương đã chủ động ban hành các nghị quyết, kế hoạch chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện các chương trình với quyết tâm chính trị cao nhất phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ; đồng thời, đã hoàn thành việc kiện toàn, thành lập 1 Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia cấp tỉnh, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp huyện, Ban Quản lý cấp xã, Ban giám sát đầu tư cộng đồng, Ban phát triển thôn để phân công, phân cấp, thống nhất công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong triển khai thực hiện các chương trình tại các cấp…
Về những khó khăn trong quá trình thực hiện, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc hoàn thiện thể chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia từ Trung ương đến địa phương còn chậm, chưa kịp thời, đồng bộ, ảnh hưởng lớn đến việc triển khai các khâu từ phân bổ, giao kế hoạch thực hiện, tổ chức thực hiện và giải ngân vốn chương trình tại các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương.
Không những thế, việc nghiên cứu, khảo sát, đánh giá đặc điểm tự nhiên, xã hội, văn hóa, rà soát mặt bằng pháp lý trong xây dựng các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, chưa được tiến hành đồng bộ, kỹ lưỡng ngay từ trước khi ban hành chính sách, quy định, dẫn đến tình trạng còn có một số chính sách của chương trình mục tiêu quốc gia không phù hợp với thực tiễn hoặc thiếu cơ sở pháp lý để triển khai thực hiện, phải sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh.
Mặt khác, tiến độ phân bổ, sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2022 tại cả Trung ương và các cấp tại địa phương còn chậm; nhiều địa phương chưa chủ động chuẩn bị tốt việc xác định nhu cầu danh mục, nguồn lực đầu tư dự án các cấp ngay từ đầu giai đoạn, đầu năm kế hoạch, có tâm lý đợi có vốn mới triển khai thực hiện...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, đến tháng 6 năm 2023, kết quả giải ngân 3 chương trình mục tiêu quốc gia đạt khoảng 1.131,044 tỷ đồng, đạt 5,33% kế hoạch.