Thừa Thiên Huế: Phấn đấu sớm đạt mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
Nhân dịp đầu năm mới 2022, Báo điện tử Chính phủ đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Phương về những cơ chế, chính sách đặc thù đối với Thừa Thiên Huế và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong của tỉnh trong năm 2022 để vừa vượt quá cơn bão COVID-19, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội.
Thưa ông, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 38/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông đánh giá như thế nào về nhóm cơ chế, chính sách của Nghị quyết này đối với sự phát triển của tỉnh trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Phương: Các cơ chế, chính sách được Quốc hội thông qua có vai trò và ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là công cụ hỗ trợ, khuyến khích, động viên, thúc đẩy tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy nội lực, huy động được tối đa các nguồn lực cho đầu tư phát triển, đầu tư hạ tầng KT-XH, đảm bảo cân đối hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá; đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy và khai thác hết các tiềm năng thế mạnh của tỉnh, sớm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, cơ chế chính sách thực sự phát huy hiệu quả khi có được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ chính quyền đến người dân và doanh nghiệp với những nỗ lực mạnh mẽ trong tăng cường các hoạt động xuất nhập khẩu, xây dựng và đẩy mạnh các gói kích cầu du lịch, tận dụng tối đa nguồn lực để đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng quan trọng, bảo tồn và giữ gìn di sản, thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Vì vậy, tỉnh sẽ triển khai xây dựng các chương trình hành động thực hiện Nghị quyết cùng kế hoạch triển khai chi tiết, với sự tham gia của các cấp, các ngành và vận động sự chung sức, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết.
Để phát triển Thừa Thiên Huế lên tầm cao mới, tỉnh sẽ tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. Trong đó, du lịch là mũi nhọn; dịch vụ y tế chuyên sâu, giáo dục chất lượng cao, tài chính, ngân hàng, cảng biển, logistics, đào tạo nguồn nhân lực là nòng cốt; công nghiệp công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao là bứt phá; kinh tế biển là thiết yếu.
Đẩy mạnh công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch đô thị theo hướng xây dựng Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tản bảo tồn và phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế.
Phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông, hạ tầng CNTT và đô thị đồng bộ, hiện đại và thông minh, bảo đảm sự hài hoà giữa kiến trúc với tự nhiên và đặc thù của Huế. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư các dự án trọng điểm về phát triển đô thị như: Tuyến đường bộ ven biển và cầu qua cửa Thuận An, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt sông Hương, đường vành đai 3, đường Mỹ An-Thuận An, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, mở rộng Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài…
Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển KT-XH, nhất là phát triển kết cấu hạ tầng và các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế. Tập trung xây dựng các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới, khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, có giá trị gia tăng cao, tăng cường hoạt động xuất nhập khẩu…
Nâng cao hiệu quả kiên kết vùng, mở rộng hợp tác và quan hệ đối ngoại phục vụ phát triển KT-XH. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá và thực hiện đồng bộ, công bằng xã hội, củng cố vị thể là trung tâm văn hoá lớn và đặc sắc của cả nước. Bảo tồn di sản vật thể, phi vật thể và phát huy giá trị di sản, văn hóa Huế; giải quyết vấn đề di, giãn dân trong Kinh thành Huế, phát triển Trung tâm Giáo dục đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, Trung tâm y tế, Trung tâm KHCN của cả nước,....
Tại buổi làm việc trực tuyến với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế vào ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã gợi ý một số mô hình thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng. Vậy địa phương sẽ thực hiện chủ trương này như thế nào để thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH, hạ tầng phát triển đô thị Huế, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Phương: Tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra giải pháp tăng cường đầu tư phát triển theo hình thức hợp tác công-tư bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; nghiên cứu áp dụng các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”, “đầu tư công, quản lý tư”.
Hiện nay, tỉnh Thừa Thiên Huế đang nghiên cứu các mô hình hợp tác công- tư nêu trên để áp dụng vào các ngành, lĩnh vực. Cụ thể đối với lĩnh vực bảo tồn di sản, tỉnh đang nghiên cứu mô hình Nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý di sản và giao tư nhân đầu tư khai thác các dịch vụ và quản trị hệ thống, điều này sẽ góp phần tăng tính hiệu quả trong công tác bảo tồn và phát huy di sản, kích thích phát triển kinh tế địa phương.
Đồng thời, tỉnh đang nghiên cứu lựa chọn mô hình hợp tác công-tư phù hợp trong đầu tư xây dựng hạ tầng KT-XH, đặc biệt là hạ tầng đô thị Huế và các đô thị khác hướng đến xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước còn nhiều hạn chế như hiện nay.
Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng huy động nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn từ ngân sách Trung ương, địa phương và đầu tư từ các bộ, ngành. Riêng năm 2022, huy động khoảng 6.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư công Chính phủ giao địa phương 4.266 tỷ đồng. Đồng thời, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo phải giải ngân hết 100% kế hoạch vốn.
Tỉnh xác định năm 2022 là năm hành động để nắm bắt cơ hội, thích ứng phát triển trong tình hình mới. Xin ông cho biết về những phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm trong của tỉnh trong năm 2022 để vừa vượt quá cơn bão COVID-19, vừa phục hồi phát triển KT-XH?
Ông Nguyễn Văn Phương: Để phục hồi kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19, nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế. Tranh thủ nguồn vốn Bộ Y tế để đầu tư trang thiết bị và cơ sở vật chất phát triển hệ thống y tế dự phòng, y tế tuyến huyện, trạm y tế đảm bảo công tác phòng và chữa bệnh cho người dân.
Sẵn sàng xây dựng các bệnh viện dã chiến, tổ chức phân tầng điều trị trong trường hợp tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp... với phương châm bảo toàn tính mạng người dân là trên hết. Đẩy nhanh tiến độ bao phủ tiêm vaccine cho toàn dân, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, phấn đấu kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để tập trung khôi phục và phát triển KT-XH.
Tập trung các giải pháp hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là đối với người lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế. Hỗ trợ cho cho vay để giải quyết việc làm (dự kiến 20 triệu đồng/việc làm). Đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy dệt may trên địa bàn tạo năng lục mới giải quyết việc làm cho khoảng 7.000 - 8.000 lao động.
Về kinh tế, tỉnh tiếp tục triển khai các gói kích cầu du lịch, có cơ chế chính sách cho các đơn vị lữ hành đưa khách đến tham quan tại tỉnh. Hỗ trợ kích cầu loại hình du lịch MICE, Teambuilding và các đoàn Charter. Giảm phí tham quan di tích lịch sử, thu hút khách nội địa, quốc tế có chiếu vaccine nhằm tăng nguồn thu phí tham quan di tích để lại 100% cho đầu tư trùng tu, bảo tồn di tích.
Ưu tiên huy động các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu kinh tế, KCN, hệ thống xử lý nước thải, đầu tư thêm các cụm công nghiệp, mở rộng KCN trên địa bàn. Hình thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh và từng bước hình thành khu công nghệ cao quốc gia tại Thừa Thiên- Huế…
Hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, quy mô lớn như: Laguna Lăng Cô giai đoạn 2, khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế Minh Viễn Lăng Cô, các dự án bến số 2, số 3, số 4, số 5 và số 6 cảng Chân Mây, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng kỹ thuật KCN Gilimex, dự án hạ tầng KCN - Khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây, khu phức hợp du lịch dịch vụ Đăng Kim Long…
Đôn đốc, hỗ trợ các dự án đầu tư trọng điểm ngoài ngân sách trên địa bàn với tổng vốn đầu tư dự kiến thực hiện trong năm 2022 khoảng 14.000 tỷ đồng, như: Sân golf quốc tế, khu dịch vụ phụ trợ, khu biệt thự nghỉ dưỡng (BRG), Trung tâm Thương mại-Dịch vụ giải trí và văn phòng Nguyễn Kim; Tổ hợp Khu dịch vụ thương mại và du lịch Phạm Văn Đồng; nhà máy xử lý rác thải SH Phú Sơn; hệ thống phát điện tận dụng nhiệt khí thải công suất 8 MW - Nhà máy xi măng Đồng Lâm…
Phát triển chuỗi dịch vụ logistics gắn với các ngành sản xuất, hoạt động xuất nhập khẩu, lưu thông, phân phối hàng hoá và các ngành dịch vụ khác. Có chính sách thu hút, hỗ trợ xuất khẩu qua cảng biển Chân Mây-Lăng Cô. Hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng xuất khẩu; xuất nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh. Tập trung thực hiện hiệu quả các chính sách xúc tiến thương mại, duy trì và mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là đối với mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh.
Phát triển nhiều loại sản phẩm OCOP; phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh với các hình thức trang trại, gia trại. Hình thành các khu nuôi trồng thủy sản tập trung, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu…
Đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh để các doanh nghiệp có thêm nguồn lực cho phục hồi và phát triển. Tăng cường đổi mới công tác xúc tiến đầu tư, rà soát và lập các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng. Xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư, chuẩn bị tốt công tác tổ chức đền bù giải phóng mặt bằng, cải cách các thủ tục trong đầu tư, xây dựng, đất đai.
Tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Đổi mới phương thức điều hành xã hội, thực thi công vụ dựa trên nền tảng số, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, tiến tới chính quyền số là yếu tố trọng tâm, xây dựng chính quyền điện tử.
Trân trọng cảm ơn ông!