|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Không thể đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục bình ổn giá

20:38 | 06/07/2021
Chia sẻ
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định không thể đưa thức ăn chăn nuôi nào vào danh mục được bình ổn bởi chưa có quy định vấn đề này, cần tuân theo quy luật thị trường.

Trước tình hình giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã từ đầu đến nay, một số ý kiến cho rằng cần đưa mặt hàng này vào diện được bình ổn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, cho biết: "Thực chất Cục Chăn nuôi và Bộ NN&PTNT đã có đề xuất đưa thức ăn chăn nuôi vào danh sách mặt hàng được bình ổn từ năm 2018.

Đối với chăn nuôi, ngành hàng chịu nhiều khó khăn do giá thức ăn trôi nổi, khó kiểm soát cho nên nếu đưa thức ăn chăn nuôi vào mặt hàng bình ổn giá thì có thể giúp ổn định sản xuất cho người dân, giảm thiểu rủi ro. Do đó, đề xuất này rất cần thiết".

Tuy nhiên, trao đổi với người viết, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến khẳng định không thể đưa thức ăn chăn nuôi nào vào danh mục được bình ổn bởi chưa có quy định vấn đề này, cần tuân theo quy luật thị trường.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT: Không thể đưa thức ăn chăn nuôi vào danh mục bình ổn giá - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến. Ảnh: H.Mĩ

Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cho biết thêm giá nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi đang có xu hướng giảm. Trong khi đó, giá gia cầm đang có xu hướng phục hồi và giá heo hơi vẫn ở mức có lãi.

Trong tháng 6, giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã có xu hướng giảm so với tháng 5, cụ thể: ngô giảm 5,2%, khô dầu đậu tương giảm 2,5%, cám mì giảm 2,6%, bã ngô giảm 1%. Giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm tăng khoảng 2% so với tháng 5. 

Những ngày đầu tháng 7, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính tiếp tục giữ xu hướng giảm, cụ thể ngô giảm 2%, khô dầu đậu tương giảm 1,7%, cám mì giảm 0,6%, bã ngô giảm 2%. 

Tuy nhiên, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm vẫn tăng so với tháng 6 (mức tăng từ 1,7 đến 2%) do hiện tại các doanh nghiệp lấy lý do sản xuất thức ăn chăn nuôi vẫn đang phải sử dụng nguyên liệu được mua với giá cao từ các tháng trước.

Mặc dù vậy, tính bình quân 6 tháng đầu năm 2021, giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đều tăng so với cùng kỳ 2020, trong đó tăng mạnh nhất là các nguyên liệu thuộc nhóm ngũ cốc. 

Mặt hàngGiá (đồng/kg)Mức tăng so với 6 tháng đầu năm 2020

Ngô hạt

7.617

35%

khô dầu đậu tương

13.091

35,5%

bã ngô

8.847

46%

cám mì

6.717

33%

sắn lát

5.994

19%

cám gạo chiết ly

4.936

16%

Methionine

64.951

19%

Lysine

35.053

16%

Giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi trung bình trong 6 tháng đầu năm 2021. Số liệu: Cục Chăn nuôi

Cục Chăn nuôi dự báo giá các nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chính có thể tăng trong thời gian tới do các thông tin về tồn kho vụ cũ và diện tích trồng ngô, đậu tương vụ mới của Mỹ đều thấp hơn dự kiến.

Đồng thời do nhu cầu ngô sản xuất ethanol của Mỹ tăng cao dẫn tới hạn chế nguồn cung ngô dùng cho chăn nuôi. 

Do đó, giá thức ăn chăn nuôi thành phẩm trong nước có thể còn tiếp tục tăng trong thời gian tới, dự kiến có 2 lần tăng với tổng mức tăng khoảng 5%.

Trong 6 tháng đầu năm, ước tính tổng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu là 11 triệu tấn, tương ứng với 3,84 tỷ USD, tăng 33% về số lượng và 50% về giá trị so với cùng kỳ 2020.

H.Mĩ