Thứ Fed cần phải để mắt từ bây giờ
Tăng trưởng tiền lương
Trong khi số liệu CPI và PPI gần đây đều hạ nhiệt so với kỳ vọng của giới chuyên gia và được thị trường đón nhận một cách tích cực, báo cáo việc làm và dữ liệu tăng trưởng tiền lương mới nhất vẫn còn rất nóng. Liệu điều này sẽ tác động tới lập trường chính sách của Fed và giao dịch trên thị trường như thế nào?
Tin tốt từ báo cáo việc làm là có khả năng kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tránh được suy thoái. Song, tình huống xấu nhất là vòng xoáy giá - lương mà một số chuyên gia lo ngại kể từ khi áp lực lạm phát phình to bắt đầu trở nên ăn sâu bám rễ vào hoạt động kinh tế.
Theo CNBC, Fed đang theo dõi sát sao tốc độ tăng trưởng tiền lương. Tuy nhiên, một số quan chức hàng đầu khẳng định duy trì tăng trưởng tiền lương ở mức ổn định, giúp người dân vượt qua tác động của lạm phát, là mục tiêu của Fed. Hơn nữa, Fed vẫn chưa thấy vòng xoáy giá - lương xuất hiện.
Theo các nhà kinh tế, dữ liệu về thị trường lao động có thể là chìa khoá quan trọng cho ngân hàng trung ương Mỹ từ giờ cho đến mùa thu. Fed sẽ phải làm sao để không thắt chặt chính sách quá mạnh cũng như không trở lại ôn hoà quá sớm.
Ngay trước báo cáo việc làm tháng 7, Chỉ số Chi phí Việc làm (Employment Cost Index) mà ngân hàng trung ương Mỹ theo dõi đã cho thấy mức tăng đột biến hàng quý là 1,3%, với tiền lương tăng 1,4%.
Bà Kim Rupert, giám đốc cấp cao của Action Economics, cho biết dữ liệu tiền lương đó “khiến mọi người hoảng hồn”. Bà nhấn mạnh: “Người dân đã ý thức được vòng xoáy giá - lương và điều này thực sự tác động đến họ, khiến họ thấy bị đe doạ và bất an”.
Tăng trưởng tiền lương và lạm phát tiền thuê nhà là hai yếu tố mà bà Rupert nói là đang “thực sự khiến Fed sợ hãi ngay bây giờ”, bất chấp việc các dữ liệu lạm phát khác đang đi đúng hướng.
Đó là bởi vì tiền lương và tiền thuê nhà thường có xu hướng kéo dài hơn so với các chỉ số lạm phát khác, vốn có xu hướng biến động hơn như lương thực và năng lượng. Hợp đồng lao động hoặc thuê nhà thường được tính ít nhất trong một năm. “Đây là những rủi ro trong thời gian tới”, bà Rupert cảnh báo.
Theo một số thước đo khác, thị trường việc làm đang giảm nhiệt. Chẳng hạn, một nguyên nhân khiến tổng số việc làm mới trong tháng 7 cao như vậy là bởi doanh nghiệp đang ngày càng dễ tìm được nhân công hơn.
Ông Bledi Taska, kinh tế trưởng tại hãng nghiên cứu thị trường lao động Lightcast, đánh giá: “Một điểm nghẽn đã hình thành khi mọi người rời bỏ công việc. Tình trạng này đã đạt đến đỉnh và sẽ có xu hướng giảm dần”.
Thị trường việc làm dịu lại dù lương tăng cao
Dữ liệu việc làm mới nhất đã củng cố nhận định này, khi mà nhân viên đang chấp nhận vị trí tuyển dụng nhanh hơn.
Hơn nữa, dù không có dấu hiệu nào cho thấy Fed sẽ xem xét lại kế hoạch tăng lãi suất, biên bản cuộc họp mới nhất của Uỷ ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) cũng chỉ ra là thị trường việc làm không được phản ánh toàn diện thông qua số liệu tăng trưởng tiền lương.
Trong biên bản, Fed lưu ý rằng “tăng trưởng tiền lương danh nghĩ tiếp tục tăng mạnh trên diện rộng”. Song, biên bản cũng nhấn mạnh “tuy nhiên, nhiều thành viên uỷ ban cũng nhận thấy một số dấu hiệu tiềm tàng, chứng tỏ thị trường lao động có thể sắp dịu lại”.
Số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng, tỷ lệ nghỉ việc và số lượng chỗ trống giảm, tăng trưởng việc làm chậm hơn so với đầu năm và một số ngành nghề cắt giảm nhân sự là những yếu tố mà Fed viện dẫn.
Ngân hàng trung ương Mỹ còn bày tỏ “mặc dù tăng trưởng tiền lương danh nghĩa vẫn mạnh theo nhiều thước đo, nhưng đã có dấu hiệu chững lại hoặc giảm dần”. Một số liên hệ của Fed trên khắp cả nước cho biết sự mất cân bằng cung - cầu lao động có thể giảm bớt trong tương lai.
Theo các nhà kinh tế, trong khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn còn thấp, nhiều rủi ro ngắn hạn của thị trường đã dịu đi. Đây là một điểm khác mà Fed đã đề cập trong biên bản cuộc họp tháng 7.
Cùng lúc, lực cầu của nền kinh tế cũng đang dần mất sức. Ông Taska của Lightcast cho biết nợ thẻ tín dụng và tổng nợ hộ gia đình đều đang tăng khi các khoản tiết kiệm bằng tiền hỗ trợ COVID cạn kiệt.
Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn cho thị trường lao động là cuộc cạnh tranh tìm kiếm nhân sự giữa các doanh nghiệp. Đây là lý do tại sao ông Taska tin rằng thị trường lao động đang tiến gần hơn tới điểm cân bằng.
Tình trạng tranh giành nhân công trước khi đại dịch bùng phát chỉ mang tính địa phương, còn giờ đã trở thành một cuộc cạnh tranh trên toàn quốc. Ông Taska nói người sử dụng lao động sẽ phải mất một thời gian để nhận thấy sự cạnh tranh gay gắt đó và điều chỉnh cơ cấu tiền lương.
Dưới góc nhìn của mình, giới doanh nghiệp lại đang lo lắng về tăng trưởng tiền lương vì một lý do khác: năng suất đã giảm khi tiền lương tăng trong vài quý qua, và rõ ràng đây là thiệt hại cho người sử dụng lao động.
“Nhiều người cho rằng một vài yếu tố cơ bản nào đó của nền kinh tế đã thay đổi và năng suất lao động sẽ giảm mãi mãi”, ông Taska bình luận. Nếu nhìn nhận này là đúng, thì triển vọng lạm phát sẽ rất tồi tệ, vì nhà sản xuất sẽ tiếp tục chịu sức ép và cuối cùng mọi chi phí tăng thêm sẽ bị đẩy sang người tiêu dùng.