|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 26/3: Đề nghị phát hành 'trái phiếu corona' bế tắc, đồng EUR hưởng lợi

20:28 | 26/03/2020
Chia sẻ
Đồng EUR đã tăng điểm so với đồng bạc xanh trong bối cảnh cuộc đàm phán về việc phát hành "trái phiếu corona" của các nền kinh tế châu Âu gặp bế tắc.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (26/3), vào lúc 19h10 giờ Việt Nam có 5/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 5 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 26/3: Đề nghị phát hành 'trái phiếu corona' bế tắc, đồng EUR hưởng lợi  - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản vào lúc 19h10 giờ Việt Nam. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp EUR/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,65% và cặp USD/JPY giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 1,22%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 26/3: Đề nghị phát hành 'trái phiếu corona' bế tắc, đồng EUR hưởng lợi  - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 26/3: Đề nghị phát hành 'trái phiếu corona' bế tắc, đồng EUR hưởng lợi  - Ảnh 3.

Trái phiếu corona

Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng EUR đã tăng điểm so với đồng bạc xanh trong bối cảnh các nước châu Âu thảo luận về một công cụ chia sẻ nợ công để chống lại sự bùng phát của đại dịch COVID-19, khi mà số ca tử vong và thiệt hại kinh tế đều trở nên nghiêm trọng hơn.

Vào lúc 15h10 giờ Việt Nam, cặp tỷ giá EUR/USD tăng 0,5% lên ngưỡng 10938 USD đổi một EUR.

Theo tổng hợp của Investing.com, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính giảm 0,4% xuống còn 100,58 điểm. Cặp tiền USD/JPY giảm 0,7% xuống còn 110,44 JPY đổi một USD, trong khi cặp GBP/USD tăng 0,5% lên ngưỡng 1,195 USD đổi một GBP.

Đến lúc 19h10 giờ Việt Nam, cặp EUR/USD tăng 0,65%, trong khi cặp USD/JPY giảm mạnh 1,22%.

Châu Âu đã trở thành chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch COVID-19, với hơn 180.000 ca dương tính. Số ca tử vong trên khắp châu lục già tăng vọt, trong đó số của Italy và Tây Ban Nha đều vượt qua Trung Quốc đại lục.

Tuy nhiên, tốc độ lây nhiễm bệnh dường như đang chững lại tại hầu hết quốc gia châu Âu, ngoài trừ Anh, nhóm chuyên gia tại Pantheon Macroeconomics cho hay.

Các biện pháp kiểm soát dịch đã khiến các nền kinh tế chủ chốt của Liên minh châu Âu (EU) rơi vào bế tắc. Các dữ liệu mới nhất cho thấy mức độ thiệt hại của đại dịch COVID-19 với các nền kinh tế EU.

Cụ thể, chỉ số niềm tin người tiêu dùng của Đức đã chạm mức đáy kể từ năm 2009, trong khi chỉ số niềm tin doanh nghiệp của Pháp sụt giảm với tốc độ kỉ lục trong tháng 3 xuống mức thấp nhất kể từ năm 2014.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tung ra một gói nới lỏng định lượng "siêu to khổng lồ", rõ ràng là mức độ thiệt hại mà dịch COVID-19 gây ra cho các nền kinh tế EU còn phụ thuộc vào sức mạnh bảng cân đối kế toán của từng nước.

Lo ngại tác động sâu sắc của đại dịch, cuối ngày 25/3, 9 quốc gia châu Âu đã kêu gọi các nền kinh tế EU phát hành "trái phiếu corona" - một công cụ chia sẻ nợ công mới.

"Chúng ta cần phải nhận ra mức độ nghiêm trọng của tình huống và tính cấp thiết của việc phải tiếp tục hành động để củng cố nền kinh tế hôm nay", các nhà lãnh đạo Italy, Pháp, Bỉ, Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ireland, Slovenia và Luxembourg đồng tuyên bố hôm 25/3.

"Chúng ta đang cùng đối mặt với một cú sốc từ bên ngoài, mà không có nước nào đáng phải gánh vác trách nhiệm, tuy nhiên hậu quả tiêu cực của nó thì ai cũng phải chịu", 9 nhà lãnh đạo nhấn mạnh về sự cần thiết có một công cụ chia sẻ nợ công chung.

Trái phiếu corona sẽ gây tranh cãi, các nhà hoạch định chính sách ở Đức, Hà Lan và Áo rất cảnh giác với ý tưởng phát hành nợ chung với các quốc gia có mức nợ công cao như Italy, Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Động thái này được đưa ra một ngày sau khi Đức, Áo và Hà Lan ngừng cuộc thảo luận về một bước như vậy tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính khu vực Eurozone - Eurogroup.

Tâm điểm chú ý lúc này sẽ chuyển sang cuộc hội nghị trực tuyến quan trọng giữa 27 nhà lãnh đạo EU vào hôm nay (theo giờ địa phương).

Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng sẽ tổ chức cuộc họp thường kì của Ủy ban Chính sách Tiền tệ, tuy nhiên các chuyên gia dự đoán BoE sẽ tạm ngưng hỏa lực để đánh giá thành công của các biện pháp kích thích thực hiện trước đó.

Khả Nhân

Đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt cho xe ô tô hybrid, không áp thuế với điều hoà
Đại biểu Nguyễn Văn Mạnh đề xuất, bổ sung quy định dòng xe điện hybid không có sạc ngoài được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TTĐB với mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất của dòng xe xăng dầu.