|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 25/3: Nhà trắng và Thượng viện Mỹ đồng thuận về gói cứu trợ 2.000 tỉ USD, đồng USD tiếp tục giảm

18:31 | 25/03/2020
Chia sẻ
Đồng USD đã giảm điểm trong phiên giao dịch hôm nay khi nhà đầu tư ngoại hối thả lỏng tâm lí và tìm đến các đồng tiền rủi ro hơn sau khi hai đảng tại Thượng viện Mỹ nhất trí về gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 2.000 tỉ USD.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (25/3), vào lúc 17h05 giờ Việt Nam có 3/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm và 7 cặp còn lại tăng điểm.

Thị trường ngoại hối hôm nay 25/3: Gói cứu trợ 2.000 tỉ USD 'phá xích' tại Thượng viện Mỹ, đồng USD mất giá - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản vào lúc 10h05 GMT, tức 17h05 giờ Việt Nam. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp GBP/JPY tăng cao nhất với mức tăng 2,04% và cặp EUR/GBP giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 1,26%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 25/3: Gói cứu trợ 2.000 tỉ USD 'phá xích' tại Thượng viện Mỹ, đồng USD mất giá - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 25/3: Gói cứu trợ 2.000 tỉ USD 'phá xích' tại Thượng viện Mỹ, đồng USD mất giá - Ảnh 3.

Nhà đầu tư có lí do để thả lỏng tâm lí và tìm đến các đồng tiền rủi ro hơn

Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng USD đã giảm điểm khi nhà đầu tư ngoại hối thả lỏng tâm lí và tìm đến các đồng tiền rủi ro hơn sau khi Nhà Trắng và Thượng viện Mỹ nhất trí về gói kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 2.000 tỉ USD.

Đêm 24/3, rạng sáng ngày 25/3, ông Mitch McConnell - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, cho biết Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã gật đầu thông qua gói cứu trợ kinh tế trị giá 2.000 tỉ USD nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế của đại dịch COVID-19 sau một thời gian bất đồng quan điểm.

Ông McConnell nói: "Cuối cùng chúng tôi cũng đạt được thỏa thuận. Sau nhiều ngày thảo luận căng thẳng, cả hai đảng ở Thượng viện đã thống nhất về gói giải cứu kinh tế lịch sử trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lây lan trên khắp nước Mỹ".

Theo tổng hợp từ Investing.com, một cuộc bỏ phiếu về dự luật có liên quan sẽ được thực hiện vào cuối ngày 25/3 (theo giờ Mỹ).

Vào lúc 15h50 giờ Việt Nam, chỉ số USD Index, dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính, đã giảm 0,6% xuống còn 101,6 điểm so với đầu phiên và giảm hơn 2% so với mức cao hôm 23/3. Tuy nhiên, chỉ số USD Index vẫn tăng hơn 2,5% trong tháng này.

Cặp tỷ giá USD/JPY lúc đó tăng 0,3% lên ngưỡng 111,52 JPY đổi một USD, trong khi cặp GBP/USD tăng mạnh 1,2% lên mức 1,1893 USD đổi một GBP.

Đáng chú ý, cặp AUD/USD tăng 1,7% lên ngưỡng 0,6067 USD đổi một AUD, thuộc nhóm tăng mạnh nhất trong ngày giữa lúc có nhiều dấu hiệu ngành công nghiệp Trung Quốc đang dần phục hồi và nhu cầu với nguyên liệu thô của Australia tăng.

Đồng USD cũng giảm điểm so với các đồng tiền thị trường mới nổi như đồng ZAR và RUB, trong khi các đồng tiền đến từ Trung Âu cũng thu hồi phần nào khoản lỗ gần đây so với đồng EUR.

Đồng EUR có tăng nhẹ 0,4% so với đồng USD để giao dịch quanh ngưỡng 1,0831 USD đổi một EUR.

Tuy nhiên, mức tăng này đã giảm đi rõ rệt sau khi Eurogroup (nhóm các bộ trường tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu) chỉ đạt được tiến triển khiêm tốn trong việc tung ra gói kích thích tài khóa của khu vực trong phiên họp hôm 24/3 (theo giờ địa phương).

Nhóm Eurogroup đã bác bỏ ý tưởng về một công cụ kiểm soát nợ chung tại cuộc họp. Công cụ này sẽ cung cấp các biện pháp cần thiết để kiềm chế tác động kinh tế của đại dịch COVID-19, tuy nhiên các nước giàu có hơn phải hỗ trợ tài chính cho những nước "ngập trong nợ nần" như Italy và Tây Ban Nha.

Mặc dù Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tung ra gói nới lỏng định lượng khổng lồ để hỗ trợ nền kinh tế đồng tiền chung, các quốc gia riêng lẻ vẫn phải chống lại đại dịch tùy thuộc vào sức mạnh từ bảng cân đối kế toán của riêng họ.

Đức đã đề xuất gói cứu trợ hơn 1.000 tỉ euro để hỗ trợ nền kinh tế nước này vào đầu tuần, tuy nhiên Italy "túng thiếu" lại chỉ có thể đưa ra gói giải cứu trị giá 25 tỉ euro.

Sau Trung Quốc, châu Âu đã trở thành chiến trường khốc liệt nhất trong cuộc chiến chống lại sự lây lan của đại dịch COVID-19, với các điểm nóng như Italy, Anh, Đức, Pháp, Thụy Sĩ đều nằm trong top 10 ổ dịch lớn nhất thế giới.

Yên Khê