|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Giảm VAT 2% lần thứ 5: Nên giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ để mang lại hiệu quả cao nhất

14:07 | 26/11/2024
Chia sẻ
Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ được thực hiện trong thời gian qua mang lại nhiều tác động tích cực cho nền kinh tế Việt Nam. Tuy vậy, để đạt hiểu quả cao nhất, các chuyên gia đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc phương án giảm cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ.

Mới đây, Bộ Tài chính đã có dự thảo đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) với đề xuất giảm 2% thuế VAT từ 10% xuống 8% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ từ ngày 1/1/2025 – 30/6/2025.

Việc giảm thuế không áp dụng với nhóm hàng hóa như viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất và các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Theo tính toán, số giảm thu ngân sách Nhà nước tương đương khoảng 25.000 tỷ đồng. Nếu đề xuất được thông qua thì đây là lần thứ 5 Việt Nam thực hiện giảm thuế VAT để thúc đẩy tiêu dùng, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Người dân và doanh nghiệp ủng hộ

Với mức lương 18 triệu đồng/tháng, trước đây, chị Nguyệt sống tại Hà Nội có thể thoải mái chi tiêu. Tuy vậy, từ cuối năm ngoái, khi tiền thuê nhà, tiền điện tăng và nhiều mặt hàng khác tăng, chị đã phải cân đối lại kế hoạch chi tiêu bằng cách chỉ mua những mặt hàng thiết yếu và có khuyến mãi để tiết kiệm.

Theo chị, dù không nhiều, song việc giảm thuế VAT 2% cũng giúp chị có thêm một phần tiền để mua hàng hóa phục vụ sinh hoạt hàng ngày. “Tôi rất vui và ủng hộ việc kéo dài chính sách này trong năm 2025”, chị Nguyệt chia sẻ.

Trong lĩnh vực sản xuất, ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 đánh giá, nhờ giảm thuế VAT 2%, doanh nghiệp đã có điều kiện cơ cấu lại tổ chức sản xuất, giảm chi phí nguyên vật liệu, tăng năng suất lao động, góp phần phục hồi kinh tế, cũng như ổn định sản xuất kinh doanh.

“Hết tháng 9, doanh thu của chúng tôi đã tăng trên 8% so với cùng kỳ năm trước và các khoản đóng góp về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế đất …cho nhà nước lên tới 44 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái”, ông Việt thông tin.

Tuy vậy, ông Việt cho rằng, các đơn hàng mới chỉ hồi phục về lượng, chưa có hồi phục về giá do lạm phát trên thế giới dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao. Vì vậy, việc đề xuất kéo dài chính sách này đến giữa năm 2025, sẽ giúp giảm chi phí đầu giúp giảm giá thành, đồng thời thuế suất thấp hơn giúp sức tiêu thụ mạnh hơn.

“Thế giới vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn, để bù đắp chúng tôi cũng đang đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm trong nước. Nếu chúng ta kéo dài chính sách này thì sẽ tăng tiêu dùng trong nước, giảm chi phí cho doanh nghiệp, từ đó giúp hỗ trợ phần nào tăng trưởng”, ông Việt tin tưởng.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10. (Ảnh: Nguyễn Ngọc)

Ngược lại, chưa từng nằm trong nhóm được giảm VAT 2%, ông Lại Hoàng Dương, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông và Máy tính Thánh Gióng kiến nghị, trong kỳ xem xét lần này, Chính phủ và Quốc hội có thể cân nhắc mở rộng đối tượng được áp dụng, trong đó có công nghệ thông tin là ngành có nhiều đóng góp trong chuỗi sản xuất của nhiều lĩnh vực khác, từ đó sẽ tác động lan tỏa đến kinh tế. 

“Nếu chúng tôi có cơ hội được giảm 2% VAT, ngoài giá thành hạ, kích cầu tiêu dùng thì cũng sẽ là nguồn vốn quan trọng giúp tiết kiệm chi phí vốn hay chi phí lãi vay, từ đó tạo ra bức tranh khởi sắc và đà tiến cho doanh nghiệp trong năm 2025”, ông Dương kỳ vọng.

Chính sách phát huy hiệu quả cao nhất 

Nhìn nhận về chính sách này, TS Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh CIEM cho rằng, kể từ sau COVID-19, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân với tổng số tiền trên 200.000 tỷ đồng mỗi năm.

Đáng chú ý, trong các giải pháp miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất thì chính sách giảm VAT 2% là chính sách phát huy hiệu quả cao nhất, đi vào thực tế nhanh nhất. Bởi, doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp mà không cần quy trình, thủ tục phức tạp hoặc đợi phê duyệt hồ sơ.

Vì vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn bất ổn khó dự đoán, trong nước sức mua dù phục hồi nhưng vẫn chưa như kỳ vọng, bà Thảo mong muốn, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ thảo luận sâu sắc hơn để lựa chọn và bổ sung thêm nhiều nhóm hàng vào danh mục ưu đãi thuế 2% VAT để không những kích cầu được tiêu dùng trong nước mà còn tạo ra nguồn thu tốt hơn. 

Dẫn chứng số liệu của Bộ Tài chính, bà Thảo cho biết năm 2022, việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 51.400 tỷ đồng, góp phần kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021.

Năm 2023, việc giảm 2% thuế VAT theo Nghị quyết số 101/2023 của Quốc hội trong 6 tháng cuối năm đã hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân tổng cộng khoảng 23.400 tỷ đồng. Tính chung năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so với năm 2022.

Năm 2024, số thuế VAT được giảm theo Nghị quyết số 110/2023 và Nghị quyết số 142/2024 của Quốc hội ước tính khoảng 49.000 tỷ đồng. Song, 10 tháng đầu năm, tổng thu ngân sách đã đạt 1,654 triệu tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước. 

"Vì vậy, dù có thể trực tiếp làm giảm nguồn thu của ngân sách nhà nước nhưng về mặt bền vững nó sẽ giúp cho tăng trưởng của các ngành nghề đó thì gián tiếp khiến cho nguồn thu đấy có thể được duy trì, thậm chí còn cao hơn", bà Thảo nhìn nhận.   

Còn theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), khi so sánh giai đoạn trước và sau dịch COVID-19, đặc biệt là từ 2022 đến nay, nguồn thu ngân sách không những không giảm mà xét về giá trị tuyệt đối là tăng lên là do việc giảm thuế VAT cũng củng cố lòng tin của người dân, doanh nghiệp từ đó thúc đẩy tiêu dùng trong nước.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách. (Ảnh: Nguyễn Ngọc) 

Chính vì vậy, tới đây, ban soạn thảo cần tính toán đưa thêm nhiều ngành nghề này vào danh mục được giảm thuế nhằm đảm bảo tính lan tỏa và tương hỗ với 22 ngành nghề cơ bản trong nền kinh tế như công nghệ thông tin là lĩnh vực đặt nền tảng đóng góp cho những mô hình hình tăng trưởng mới như kinh tế số hay dịch vụ tài chính ngân hàng là lĩnh vực then chốt cho nhiều ngành nghề khác phát triển.

Ngoài ra, theo ông Việt, việc thi hành các mức thuế khác nhau có thể làm tăng các loại chi phí cho doanh nghiệp. Vì vậy, ban soạn thảo có thể cân nhắc phương án giảm thuế VAT cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ sẽ giúp doanh nghiệp thuận lợi trong thu tục hành chính, đặc biệt là chi phí tuân thủ pháp luật, từ đó tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, hạ giá thành sản phẩm, từ đó kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phát triển kinh tế.  

“Điều quan trọng giảm VAT nhưng không giảm nguồn thu ngân sách là cơ sở để chúng ta mạnh dạn đưa tất cả các ngành hàng vào chính sách miễn giảm thuế 2% nhằm phát huy hiệu quả cao nhất”, ông Việt nhấn mạnh.

Ngọc Bảo