|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Những lĩnh vực nào không nằm trong đề xuất giảm 2% VAT của Bộ Tài chính?

15:04 | 19/11/2024
Chia sẻ
Bộ Tài chính vừa đề xuất tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT), áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), thời gian áp dụng trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, một số nhóm hàng hoá, dịch vụ sẽ không được áp dụng chính sách này.

Đánh giá chính sách giảm 2% thuế VAT cùng với việc hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Vì vậy, mới đây Bộ Tài chính tiếp tục đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 30/6/2025.

Như vậy, nhóm ngành viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản,... tiếp tục không được áp dụng giảm thuế VAT 2%. Trên thực tế, chính sách này được áp dụng nhất quán từ năm 2022 - 2024.

Chính sách này xuất phát từ việc thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, ban hành trong bối cảnh dịch COVID-19. Do đó, một số mặt hàng không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh như: Tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, viễn thông,... không được áp dụng mức giảm này.

Liên quan đến các nhóm ngành bị "loại trừ" khi giảm 2% thuế VAT, khi cho ý kiến về Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Dương Khắc Mai, đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông từng phân tích, dự thảo Nghị quyết quy định phạm vi áp dụng tương tự như Nghị quyết số 43/2022/QH15.

Tuy nhiên, bối cảnh ban hành Nghị quyết 43 là thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội, nhiều ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng với mức độ khác nhau.

Vì vậy, Nghị quyết 43 chỉ giảm thuế VAT cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang chịu thuế VAT 10%. Hiện nay, tình hình kinh tế - xã hội đã thay đổi, nhiều ngành, lĩnh vực không được giảm thuế theo Nghị quyết 43 cũng đang rất khó khăn như kinh doanh bất động sản, ngân hàng, chứng khoán...

Do đó, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị, đánh giá kỹ lưỡng theo tình hình thực tế hiện nay để quy định về phạm vi áp dụng của dự thảo Nghị quyết cho phù hợp. Mặc dù vậy, đề xuất này đã không được thông qua và tiếp tục áp dụng việc loại trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ khi giảm 2% VAT.

Theo Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của Chính phủ, tính chung 10 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.246,2 nghìn tỷ đồng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 3,78% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,69%.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 647,87 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,9%; nhập khẩu tăng 16,8%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 23,31 tỷ USD. Tổng thu Ngân sách Nhà nước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Từ kết quả đạt được, có thể thấy chính sách giảm 2% VAT đã góp phần giúp giảm giá thành thông qua doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT dẫn đến giảm giá bán của hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng. Từ đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tiêu dùng của người dân, góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Hạ An