|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Thị trường ngoại hối hôm nay 14/4: Một số nước rục rịch khôi phục lại hoạt động kinh tế, nhà đầu tư rời xa đồng USD

18:58 | 14/04/2020
Chia sẻ
Thay vì tiếp tục theo dõi diễn biến đại dịch COVID-19, nhà đầu tư đã chuyển trọng tâm chú ý đến việc các nước mở cửa nền kinh tế trở lại. Dưới thay đổi này, đồng USD đã có một phiên giảm điểm trong hôm nay.

Diễn biến thị trường ngoại hối hôm nay

Hôm nay (14/4), vào lúc 18h11 giờ Việt Nam có 4/10 cặp tiền tệ cơ bản giảm điểm, 5 cặp tăng điểm và cặp còn lại đứng giá.

Thị trường ngoại hối hôm nay 14/4: Một số nước rục rịch khôi phục lại hoạt động kinh tế, nhà đầu tư rời xa đồng USD - Ảnh 1.

Tỷ giá 10 cặp tiền tệ cơ bản. (Nguồn: Investing.com)

Trong đó, cặp EUR/USD tăng cao nhất với mức tăng 0,3% và cặp USD/CHF giảm mạnh nhất cũng với mức giảm 0,39%.

Thị trường ngoại hối hôm nay 14/4: Một số nước rục rịch khôi phục lại hoạt động kinh tế, nhà đầu tư rời xa đồng USD - Ảnh 2.

Mức biến động giá trong ngày của các cặp tiền tệ. (Nguồn: Investing.com)

Thị trường ngoại hối hôm nay 14/4: Một số nước rục rịch khôi phục lại hoạt động kinh tế, nhà đầu tư rời xa đồng USD - Ảnh 3.

Các nước rục rịch nới lỏng phong tỏa, khôi phục hoạt động kinh tế

Trong phiên giao dịch hôm nay, đồng USD đã giảm điểm khi mà nhà đầu tư lạc quan thận trọng về diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới và do đó, bán tháo đồng tiền trú ẩn này.

Vào lúc 14h giờ Việt Nam, chỉ số USD Index dùng để đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ tiền tệ chính giảm 0,1% xuống còn 99,265 điểm.

Cặp tỷ giá EUR/USD tăng 0,2% lên ngưỡng 1,0929 USD/EUR, trong khi cặp GBP/USD tăng 0,4% lên mức 1,2557 USD/GBP và cặp USD/JPY giảm 0,1% xuống còn 107,69 JPY/USD.

Mặc dù số ca xác nhận nhiễm COVID-19 tiếp tục tăng và đang tiến dần về ngưỡng 2 triệu trường hợp trên toàn cầu, các cuộc thảo luận trên thị trường đang xoay quanh thời điểm các nước có thể mở cửa nền kinh tế trở lại.

Tại châu Âu, hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch cho đến nay đã nới lỏng các lệnh phong tỏa. Tây Ban Nha cho phép khoảng 300.000 người lao động trong các ngành không thiết yếu quay trở lại làm việc, trong khi Italy sẽ cho phép một số doanh nghiệp trở lại hoạt động trong tuần này.

Tại Mỹ, các tiểu bang ở bờ đông và bờ tây đang phối hợp mở cửa kinh tế dần dần khi mà cuộc khủng hoảng y tế dường như đang dần lắng dịu.

Trái ngược hoàn toàn, Pháp đã gia hạn lệnh phong tỏa cho đến ngày 11/5, còn Đức dự kiến cũng sẽ đưa ra động thái tương tự trong tuần này. Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết ông dự đoán GDP của Pháp sẽ giảm khoảng 8% trong năm nay.

Theo tổng hợp của Investing.com, các nhà phân tích cho rằng việc khởi động lại hoạt động kinh tế sẽ gây ảnh hưởng xấu cho đồng USD.

Danske Bank cho biết: "Việc khôi phục hoạt động kinh doanh sẽ phần nào giúp nền kinh tế phục hồi, nhà đầu tư sẽ dần rời bỏ 'vịnh tránh bão' USD".

Ở diễn biến khác, số liệu thương mại tháng 3 của Trung Quốc (công bố đầu ngày hôm nay) cho thấy tín hiệu tích cực khi tăng trưởng kim ngạch xuất và nhập khẩu so với cùng kì năm ngoái đều giảm ít hơn dự kiến.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho biết xuất khẩu tháng 3/2020 giảm 6,6% so với cùng kì năm ngoái, trong khi nhập khẩu giảm 0,9%. Trước đó, khảo sát do Reuters thực hiện dự báo xuất khẩu của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ giảm đến 14% và nhập khẩu giảm 9,5% trong tháng 3.

Ngoài ra, thị trường ngoại hối đang để tâm đến thỏa thuận giảm sản lượng dầu thô của liên minh OPEC+.

Theo thỏa thuận mới, Mexico sẽ giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày thay vì 400.000 thùng/ngày như ban đầu được yêu cầu, theo CNBC.

Quá trình giảm sản lượng 9,7 triệu thùng/ngày sẽ bắt đầu từ ngày 1/5 và sẽ kéo dài đến cuối tháng 6. Sau đó, OPEC+ sẽ tiếp tục giảm thêm 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 đến hết năm 2020 và giảm thêm 6 triệu thùng/ngày trong giai đoạn 1/2021 - 4/2022.

Giá dầu thô đã trở thành một nhân tố đáng chú ý trên thị trường, vì giá dầu càng giảm, đồng USD càng được xem như đồng tiền trú ẩn an toàn. Do đó, giá dầu thô sẽ tiếp tục là một chỉ báo mà nhà đầu tư ngoại hối quan tâm trong thời gian tới.

Khả Nhân