Thị trường hàng hóa (20/8): Kim ngạch xuất khẩu gạo sang Algeria giảm 50%, Ấn Độ áp thuế CBPG sợi Việt Nam
1. Giá bạch kim chạm đáy 10 năm vì sự sụp đổ của đồng lira
Giá bạch kim xuống thấp nhất trong 10 năm vì sự sụp đổ của đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ, khuấy đảo các thị trường và làm suy yếu đồng tiền của nhà sản xuất hàng đầu châu Phi, nhấn mạnh tình trạng nguồn cung dư thừa dai dẳng của kim loại quý này.
Bạch kim đã rơi vào vòng xoáy bán tháo lớn khi giới đầu tư nhanh chóng tìm đến đồng USD an toàn, kéo USD tăng cao và khiến những kim loại được giao dịch bừng đồng bạc xanh trở nên đắt hơn đối với người mua sử dụng đồng tiền khác.
2. Ấn Độ áp thuế chống bán phá giá sợi Nylon Filament của Việt Nam trong 5 năm
Ấn Độ xác định biên độ phá giá dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu sợi Nylon Filament của Việt Nam là 0 - 55%. Biện pháp chống bán phá giá dưới dạng thuế nhập khẩu bổ sung trong thời hạn 5 năm.
Theo Cục phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương), ngày 6/8, Tổng vụ Phòng vệ thương mại (DGTR) – thuộc Bộ Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ đã công bố kết luận cuối cùng của cuộc điều tra chống bán phá giá với sợi Nylon Filament nhập khẩu từ Liên minh Châu Âu và Việt Nam.
3. Sản lượng chè đen toàn cầu tăng lên
Sản lượng chè đen toàn cầu tiếp tục xu hướng tăng mặc dù có sự suy giảm ở Ấn Độ. Tuy nhiên, mức tăng này không đáng kể so với sự sụt giảm mạnh sản lượng của Ấn Độ.
“Việc tổng hợp dữ liệu của chúng tôi từ các quốc gia sản xuất khác nhau cho thấy sản lượng chè đen toàn cầu trong năm nay đã tăng lên hơn 879,2 triệu kg từ 873,9 triệu kg trong cùng tháng 8/2017. Mức tăng 5,4 triệu kg này tương đương tăng trưởng 0,62%”, Rajesh Gupta, trình biên dịch của 'Global Tea Digest' hàng năm, nói với BusinessLine.
4. Xuất khẩu gạo sang Algeria gặp khó, kim ngạch giảm hơn 50%
7 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Algeria đạt 4,72 triệu USD, giảm 55% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân của giảm là do các nước xuất khẩu gạo như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Tadjikistan, đẩy mạnh xuất khẩu gạo giá rẻ sang thị trường này.
Theo Bộ Công Thương, trước đây gạo là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam tại Algeria, thường chiếm trên 50% lượng gạo nhập khẩu của nước này. Tuy nhiên từ năm 2014, xuất khẩu gạo sang Algeria đã giảm sút.
5. Campuchia hỗ trợ tư vấn nông dân trồng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc
Nông dân trồng chuối và các nhà xuất khẩu chuối Campuchia có thể đăng ký với Chính phủ cung cấp tư vấn chuyên gia.
Sau khi ký kết một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Trung Quốc hồi đầu tháng 8, Bộ Nông nghiệp Campuchia kêu gọi nông dân, các công ty sản xuất và xuất khẩu chuối đăng ký với chính phủ để có được sự tư vấn của chuyên gia.
Tuần trước, Campuchia và Trung Quốc đã ký một thỏa thuận cho phép xuất khẩu chuối Campuchia sang thị trường lớn nhất thế giới.
6. Reuters: Không thành viên OPEC nào có thể đoạt thị phần xuất khẩu dầu của Iran
Hôm 19/8, Iran nói với OPEC rằng không nên cho phép bất kỳ quốc gia thành viên nào đoạt thị phần xuất khẩu của thành viên khác, bày tỏ lo ngại của Tehran về việc Arab Saudi đề nghị bơm thêm dầu trước tình hình lệnh cấm vận của Mỹ đối với hoạt động bán dầu của Iran.
Trong buổi gặp với Tổng thư ký OPEC Mohammad Barkindo, một quan chức ngoại giao cấp cao Iran đã thúc giục ông giữ tổ chức không bị ảnh hưởng tởi các yếu tố chính trị.
7. Huyện Chi Lăng và Hữu Lũng thu về gần 1.000 tỷ đồng mỗi năm từ na
Vùng trồng na của hai huyện có tổng diện tích trên 3.000 ha, sản lượng đạt khoảng 30.000 tấn, giá trị đem lại gần 1.000 tỷ đồng/năm Chi Lăng và Hữu Lũng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dện tích na đạt tiêu chuẩn VietGAP của huyện Chi Lăng và Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn trong năm 2018 tăng lên đáng kể. Cụ thể, năm 2018, diện tích na VietGAP đã tăng 75 ha, nâng tổng diện tích na VietGAP toàn tỉnh lên 195 ha.