Thị trường hàng hóa (16/7): Việt Nam nhập khẩu 4 tỷ USD vải của Trung Quốc, xuất khẩu tôm sang Mỹ giảm
1. Trăm bề khó của ngành chè
Hơn một tháng nay bán chè rất khó do đồng USD quá cao, đè nặng lên doanh nghiệp trong nước. Bán chè chậm nhưng doanh nghiệp vẫn phải sản xuất, mua chè cho nông dân.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 7 đạt 11.670 tấn, trị giá 20,03 triệu USD, giảm 0,1% về lượng và 1,9% về trị giá so với tháng 6. So với cùng kỳ năm 2017, xuất khẩu chè giảm 13,2% về lượng và giảm 11,9% về trị giá.
2. Người Thái săn lùng nhãn tím độc đáo, Thủ tướng giao bộ xử lý
Thời gian gần đây, chuyện một nhóm người Thái Lan về miền Tây mà cụ thể là tỉnh Sóc Trăng tìm mua giống nhãn tím độc đáo, lạ mắt và ngon.
Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 7659/VPCP-NN gửi Bộ NN&PTNT truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về thông tin báo chí phản ánh gần đây một nhóm người Thái Lan về miền Tây tìm mua giống nhãn tím, gây ra lo ngại Thái Lan mua giống rồi phát triển thành sản phẩm nông nghiệp đại trà. Thực tế này đặt ra câu hỏi về việc đăng ký bảo hộ, phát triển và bảo vệ các giống đặc sản.
3. Ngành da Mỹ lo ngại về thuế quan
Các nhà chế biến da Mỹ lo ngại tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm tổn hại đến khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu, do ngành công nghiệp phần lớn phụ thuộc vào thị trường nước ngoài.
Điều này phụ thuộc vào việc liệu Mỹ có áp đặt thuế quan đối với nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc có trị giá 200 tỉ USD hay không.
Bên cạnh đó, còn có thể dẫn đến việc Trung Quốc trả đũa với mức thuế quan từ 5% đến 25% đối với da sống da muối và da xanh ướt nhập khẩu từ nước này.
4. Nhập khẩu tôm vào Mỹ giảm do chương trình giám sát thủy sản
Sau khi tăng liên tục trong 14 tháng, nhập khẩu tôm của Mỹ đã giảm trong tháng 5 và 6 năm nay. Tồn kho cao và xuất khẩu từ các nguồn cung chính đều gặp khó đã làm giảm nguồn cung tôm vào thị trường Mỹ.
Theo báo cáo từ Sở Nông nghiệp Nước ngoài (FAS) thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), 6 tháng đầu năm nay, Mỹ nhập khẩu 303.637 tấn tôm, trị giá 2,8 tỷ USD, tăng 6% về khối lượng và 3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017.
Top 6 nguồn cung tôm của Mỹ gồm Ấn Độ chiếm thị phần 33,4%; Indonesia 21,7%; Ecuador 12,2%; Thái Lan 7,2%; Việt Nam 7,1% và Trung Quốc 6,5%.
5. Xuất khẩu giày dép Việt Nam mang về hơn 1,4 tỷ USD trong 7 tháng
Tổng cục Hải quan cho hay, trong tháng 7, xuất khẩu giầy dép các loại của Việt Nam đạt 1,44 tỷ USD, giảm 1,4% so với tháng trước; đưa trị giá xuất khẩu giày dép của cả nước trong 7 tháng đầu năm đạt 9,13 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu nhóm hàng này sang các thị trường Hoa Kỳ đạt trị giá 3,28 tỷ USD, tăng 13,5%; sang EU (28 nước) đạt trị giá 2,69 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2%; sang thị trường Trung Quốc đạt trị giá 812 triệu USD, tăng 30,7% so với cùng thời gian năm 2017.
6. Dệt may Việt Nam nhập hơn 4 tỷ USD vải từ Trung Quốc
Vải nhập khẩu của Việt Nam trong 7 tháng 2018 chủ yếu từ thị trường Trung Quốc với 4,05 tỷ USD, tăng 18,2% so với cùng thời gian năm trước; Hàn Quốc với 1,3 tỷ USD, tăng 9%; từ Đài Loan với 932 triệu USD, tăng 3%; Nhật Bản với 433 triệu USD tăng 16,1%
7. Mexico áp hạn ngạch xuất khẩu đường sang Mỹ trong năm 2018 - 2019
Hôm 15/8, chính quyền Mexico cho biết sẽ áp hạn ngạch xuất khẩu đường sang Mỹ là 750.876,9 tấn cho chu kỳ bắt đầu từ 1/10/2018 đến 30/9/2019.
Mexico là nhà cung cấp đường hàng đầu của Mỹ. Chính phủ Mỹ cung cấp hạn ngạch cho khoảng 40 quốc gia sản xuất đường mỗi năm.
8. Tỷ lệ xóa bỏ thuế quan trong Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN đối với Việt Nam đạt 98%
Trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các ngành dệt may, da giày, cơ khí, nông sản chế biến vận dụng ưu đãi tương đối tốt để xuất khẩu.
Theo Bộ Công Thương, tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ ATIGA là 98%.
Như vậy, trong số 10 FTA mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN (AFTA) có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan cao nhất với lộ trình thực hiện là 19 năm, cá biệt, một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm.