|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường hàng hóa (15/8): Giá hạt tiêu XK lao dốc 38%, cá tra Việt bị truyền thông Rumani bôi nhọ

19:07 | 15/08/2018
Chia sẻ
Thị trường hàng hóa ngày 15/8 nổi bật với thông tin giá hạt tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm giảm tới 38,3% so với cùng kỳ năm 2017. Một số tờ báo Rumani khuyến nghị người dân không ăn các món có liên quan đến cá tra Việt Nam.

1. Trung Quốc có thể thuê đất ở vùng Viễn Đông của Nga để trồng đậu tương

Nga hiện đang có 1 triệu hectare đất nông nghiệp ở vùng Viễn Đông muốn cho các nhà đầu tư nước thuê, và đây có thể sẽ là một cơ hội cho Trung Quốc trong bối cảnh nước này thiếu nguồn cung đậu tương vì chiến tranh thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích tỏ ra nghi ngờ về chất lượng của diện tích đất mà Nga muốn cho thuê - tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) cho hay.

2. Giá hạt tiêu xuất khẩu 7 tháng đầu năm giảm mạnh 38%

Theo Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), những ngày đầu tháng 8, giá hạt tiêu trong nước tiếp tục giảm giảm. Ngày 10/8, giá hạt tiêu đen giảm từ 3,8 - 3,9% so với ngày 31/7, xuống mức thấp nhất là 49.000 đồng/kg tại tỉnh Gia Lai, Đồng Nai, cao nhất là 51.000 đồng/kg tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Lũy kế 7 tháng đầu năm, xuất khẩu hạt tiêu đạt 153.000 tấn, trị giá 518,47 triệu USD, tăng 4% về lượng, nhưng giảm 35,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá hạt tiêu xuất khẩu trong giai đoạn này cũng giảm tới 38,3% so với cùng kỳ năm 2017 xuống 3.385 USD/tấn.

3. Nghệ An: Chanh được mùa mất giá

Gần 1 tháng nay, bà con nông dân trồng chanh ở các huyện như: Hưng Nguyên, Nam Đàn, Quỳnh Lưu, Con Cuông, Tương Dương ở Nghệ An đang bước vào mùa thu hoạch chính vụ. Hiện, giá chanh ở mức giá 2.500 - 3.500 đồng/kg, thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước đây, mặc dù vậy cũng không có thương lái thu mua.

Hiện, đang là chính vụ thu hoạch chanh, nhiều hộ trồng chanh ở Nghệ An lại rơi vào cảnh lao đao do được mùa, mất giá. Thậm chí, chanh không bán đươc, nông dân phải bù lỗ.

4. Trung Quốc khiếu nại lên WTO việc Mỹ đánh thuế năng lượng mặt trời

Hôm 14/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết quyết định trợ cấp các doanh nghiệp năng lượng tái tạo và áp thuế quan đối với các sản phẩm nhập khẩu của Mỹ đã làm biến dạng thị trường toàn cầu và gây tổn hại đến lợi ích của Trung Quốc. Một diễn biến mới nhất trong cuộc tranh chấp thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Cụ thể, theo công bố đăng tải trên trang web của Bộ Thương mại Trung Quốc, quốc gia châu Á này đã đệ đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) để giúp xác định tính hợp pháp của các chính sách từ Mỹ. Trung Quốc cho rằng Mỹ không chỉ làm tổn hại đến quyền của họ mà còn làm suy yếu quyền lực của WTO.

5. Nhu cầu thực phẩm đông lạnh Mỹ có thể đạt hơn 90 tỷ USD năm 2022

Nhu cầu thực phẩm đông lạnh của Mỹ được dự báo sẽ đạt ngưỡng 90,8 tỷ USD đến năm 2022, theo báo cáo Freedonia Focus. Với việc dân số tăng nhanh kèm theo nhu cầu các loại đồ ăn tiện lợi sẽ giúp thúc đẩy nhu cầu các loại thực phẩm đông lạnh.

Nhu cầu thịt gia súc, gia cầm đông lạnh được dự báo chiếm tỷ trọng đến năm 2022 với lượng tiêu thụ tính trên đầu người tiếp tục tăng. Tuy nhiên, nhu cầu thủy sản đông lạnh được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất với động lực chủ yếu đến từ thu nhập người dân tăng và nhóm người tiêu dùng quan tâm đến sức khỏe bằng việc ăn các loại cá.

6. Thổ Nhĩ Kỳ tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Mỹ lên 60 - 140%

Phó tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, nhằm đáp trả sự tấn công của Mỹ đối với nền kinh tế quốc gia này, Thỗ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp đôi thuế áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ như ô tô chở khách, rượu và thuốc lá.

Theo đó, trong sắc lệnh đăng tải trên Công báo chính thức của Thổ Nhĩ Kỳ và có chữ ký của Tổng thống Tayyip Erdogan, quốc gia này sẽ tăng thuế gấp hai lần đối với xe ô tô chở khách lên 120%, đồ uống có cồn lên 140% và thuốc lá lên 60%.

7. 'Bỏ đường, chọn đậu', Brazil cược lớn vào nhu cầu của Trung Quốc

Sự thay đổi của dòng chảy thương mại đang định nghĩa lại cơ cấu hàng hóa của Brazil, khiến nhiều người nông dân điều chỉnh mùa vụ của mình để phù hợp với nhu cầu của Trung Quốc. Diện tích trồng đậu nành của quốc gia Nam Mỹ đã tăng 2 triệu ha trong vòng hai năm, tương đương với diện tích của New Jersey, trong khi đất được sử dụng để trồng mía giảm gần 400.000 ha, theo số liệu từ chính phủ Brazil.

Nhu cầu giá tăng của Trung Quốc đối với thịt đã khiến nhập khẩu đậu nành làm thức ăn chăn nuôi tăng mạnh. Quốc gia châu Á này đã chi 20,3 tỷ USD trong năm ngoái để mua 53,8 triệu tấn đậu nành từ Brazil, gần một nửa sản lượng của quốc gia này và tăng từ mức 22,8 triệu tấn trong năm 2012.

8. Cá tra Việt Nam bị truyền thông Rumani bôi nhọ

Thời gian gần đây, nhiều tờ báo mạng tại Rumani đã đăng tải nhiều thông tin không chính xác về sản phẩm cá tra Việt Nam gây bất lợi cho hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP), một số tờ báo còn khuyến nghị người dân không ăn các món có liên quan đến cá tra Việt Nam, thậm chí còn cáo buộc cá tra được sử dụng dưới nhiều tên gọi khác nhau để tránh người tiêu dùng Rumani phát hiện.

Đức Quỳnh