Thị trường dầu mỏ toàn cầu lo ngại dư cung
Theo Bloomberg, Marathon Petroleum Corp. — chủ sở hữu nhà máy lọc dầu lớn nhất Mỹ — có kế hoạch vận hành 13 nhà máy của mình ở mức công suất trung bình 90% trong quý này, mức thấp nhất trong cùng kỳ kể từ năm 2020.
Tương tự, PBF Energy Inc. thông báo rằng họ đang chuẩn bị giảm công suất xử lý dầu thô xuống mức ít nhất trong ba năm.
Phillips 66 sẽ vận hành các nhà máy lọc dầu của mình với công suất gần mức thấp nhất trong hai năm và Valero Energy Corp. dự kiến sẽ cắt giảm hoạt động xử lý dầu.
Cả 4 nhà máy lọc dầu này chiếm khoảng 40% công suất sản xuất xăng và dầu diesel của Mỹ.
Tổ hợp sản xuất nhiên liệu của Mỹ — một yếu tố chính trong cân bằng cung-cầu toàn cầu — đang suy yếu khi mức tiêu thụ đình trệ và biên lợi nhuận thu hẹp.
Sự chậm lại này củng cố khả năng dư cung dầu thô đang lờ mờ hiện ra, một mối đe dọa đã hạn chế giá dầu ở mức tăng khoảng 7% trong năm nay bất chấp việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ và căng thẳng địa chính trị gia tăng. Xu hướng này cũng trái ngược với ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế rằng các nhà sản xuất nhiên liệu toàn cầu sẽ xử lý thêm gần 900.000 thùng mỗi ngày trong năm nay.
Trả lời phỏng vấn tại Houston, ông Vikas Dwivedi, chiến lược gia dầu khí toàn cầu của Macquarie cho biết biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu giảm sút khiến nhiều nhà máy kéo dài thời gian bảo dưỡng trong mùa thu. Điều này gây áp lực lên cán cân cung-cầu và có thể làm tăng lượng dầu thô dự trữ tại Mỹ trong những tháng còn lại của năm nay.
Lợi nhuận từ việc lọc dầu đang giảm do thời điểm đóng cửa nhà máy không phù hợp cùng với xu hướng sử dụng xe điện, xe chạy bằng khí LNG đang ngày càng tăng lên tại Trung Quốc- thị trường nhập khẩu dầu hàng đầu thế giới.
Đồng thời, nguồn cung dầu thô toàn cầu dự kiến sẽ tăng vào cuối năm, ngay cả khi các nhà máy lọc dầu mới tăng tốc. Mỹ đã có thể vận chuyển một số lượng dầu dư thừa của mình đến nhà máy lọc dầu lớn Dangote của Nigeria và nhà máy lọc dầu Dos Bocas của Mexico dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong năm nay.
Theo Bloomberg NEF, tổng cộng, từ năm 2023 đến năm 2030, thế giới dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 4,9 triệu thùng mỗi ngày công suất ròng, tương đương với công suất mà Ấn Độ đang xử lý hiện nay.
Guyana đang tăng cường sản xuất trong khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có kế hoạch đưa sản lượng trở lại khoảng 540.000 thùng mỗi ngày trong quý IV.
Mặc dù kế hoạch có thể thay đổi, nhưng những thùng dầu này đã được lên kế hoạch tung ra thị trường khi các nhà sản xuất đá phiến khai thác sản lượng từ các giếng đã được khoan vào đầu năm.
Ông Dwivedi cho biết Mỹ dự kiến sẽ kết thúc năm với mức sản lượng kỷ lục 13,8 triệu thùng/ngày, cao hơn khoảng 600.000 thùng so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông nói: "Thị trường không còn muốn trả mức phí bảo hiểm lớn nữa vì căng thẳng cho đến nay vẫn chưa dẫn đến mất mát về dầu".
Phillips 66, nhà sản xuất nhiên liệu lớn nhất Mỹ theo giá trị thị trường, cho biết biên lợi nhuận thấp hơn là lý do khiến công ty giảm dự báo sản lượng.
Giám đốc thương mại Marathon, ông Rick Hessling cho biết công ty "sẽ hoạt động ở mức 90%" công suất trong quý này, đây là mức thấp nhất trong nhiều năm qua trong cùng giai đoạn. Công ty cũng cho biết nền kinh tế Trung Quốc vẫn là mối lo ngại và sự trở lại của các thùng dầu OPEC có thể gây ra một số biến động trong ngắn hạn.