|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thị trường chứng khoán Mỹ sẽ thay đổi ra sao khi chuyển sang giao dịch 'T+1'?

20:26 | 05/05/2024
Chia sẻ
Giao dịch "T+1" sẽ giúp giảm thiểu rủi ro vỡ nợ, giảm chi phí ký quỹ nhưng đồng thời có thể làm đảo lộn cách thức giao dịch thông thường và làm nảy sinh một số rủi ro.

Kể từ ngày 28/5, chứng khoán Mỹ sẽ chuyển sang giao dịch T+1. (Ảnh: d3sign/Moment RF/Getty Images).

Theo Bloomberg, kể từ ngày 28/5, các giao dịch chứng khoán tại Mỹ sẽ được “thực hiện” (hoàn tất việc thanh toán hoặc chuyển tiền và chuyển quyền sở hữu cổ phiếu) trong một ngày, thay vì hai ngày như trước đây.

Vì sao phải chuyển đổi lên 'T+1'?

Trước thời đại máy tính, giao dịch chứng khoán thường mất khoảng 5 ngày hoặc hơn do cổ phiếu phải được trao đổi trực tiếp. Khi ngày càng có nhiều nhà đầu tư tham gia thị trường chứng khoán, khối lượng giao dịch đã tăng từ 3 triệu cổ phiếu/ngày vào năm 1960 lên 12 triệu cổ phiếu/ngày vào năm 1970. 

Do đó, Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) phải thành lập một trung tâm thanh toán bù trừ, tiền đề cho việc tự động hóa giao dịch chứng khoán trên máy tính. Nhờ trung tâm thanh bù trừ, cổ phiếu đã không còn cần phải chuyển nhượng trực tiếp. 

Kể từ năm 1990 đến nay, NYSE đã rút ngắn thời gian thực hiện giao dịch từ 5 ngày xuống “T+2”. T là viết tắt của ngày “giao dịch”. Việc chuyển sang "T+1" có nghĩa là các nhà đầu tư có thể nhận tiền hoặc chứng khoán từ giao dịch chỉ sau vài giờ. 

Bloomberg cho biết nguyên nhân khiến NYSE phải nâng cấp lên “T+1” là do cơ sốt “cổ phiếu meme” như GameStop hay Bed Bath & Beyond. Sự tham gia ngày càng đông đảo của nhà đầu tư nghiệp dư và biến động giá lớn đã buộc các nền tảng giao dịch bán lẻ như Robinhood phải thế chấp ngày càng nhiều trong thời gian hai ngày hoàn tất giao dịch.

Khi giá cổ phiếu tăng, Robinhood đã buộc phải hạn chế mua những cổ phiếu trên để đảm bảo có đủ vốn thế chấp. Kết quả là nền tảng này đã chịu sự chỉ trích lớn từ nhà đầu tư bán lẻ và chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. 

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) cho biết chuyển sang “T+1” sẽ giúp người mua hoặc người bán khó vỡ nợ hơn trước khi giao dịch hoàn tất, đồng nghĩa yêu cầu ký quỹ và rủi ro sẽ thấp hơn. Hiện nay, trái phiếu chính phủ Mỹ và các quỹ tương hỗ đã được chuyển sang “T+1”.

Thách thức là gì?

SEC cho biết triển khai “T+1” có thể làm tăng một số rủi ro hoạt động. Ủy viên SEC Mark Uyeda nói việc đẩy nhanh quá trình hoàn tất giao dịch đồng nghĩa người tham gia thị trường sẽ có ít thời gian để giải quyết các vấn đề trong giao dịch. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng có ít thời gian để giải quyết, ngăn chặn các hành vi gian lận chứng khoán. 

Tuy nhiên, việc rút ngắn thời gian giao dịch cũng có thể khiến thị trường chứng khoán Mỹ lạc nhịp với phần còn lại của thế giới vẫn đang ở “T+2”. Nhiều tổ chức nước ngoài muốn mua cổ phiếu của Mỹ sẽ cần chuẩn bị USD sớm hơn để hoàn tất giao dịch. 

Hiệp hội Quản lý Tài sản và Quỹ châu Âu cảnh báo rằng có tới 70 tỷ USD giao dịch tiền tệ hàng ngày có thể gặp rủi ro do chu kỳ thanh toán nhanh hơn của Mỹ.

Trong khi đó, các nhà môi giới và nhà đầu tư ở châu Á sẽ phải đối mặt với khó khăn khi thanh khoản của thị trường ngoại hối thường giảm sâu vào phiên chiều theo giờ Mỹ.

Một số quỹ, chẳng hạn như Baillie Gifford, đã chọn chuyển các nhà giao dịch sang Mỹ. Những công ty khác như Jupiter Asset Management đang mua sẵn USD, trong khi nhiều người khác sẽ tìm cách thuê ngoài giao dịch ngoại hối của họ. 

Tuy nhiên, tất cả các giải pháp đều đi kèm với chi phí. Một cuộc khảo sát do DTCC tài trợ năm ngoái cho thấy hơn một nửa số công ty tài chính châu Âu có ít hơn 10.000 nhân viên đang có kế hoạch chuyển người đến Bắc Mỹ hoặc thuê nhân viên qua đêm.

Vì sao không lên luôn “T+0”?

Chủ tịch SEC Gary Gensler đã nói rằng công nghệ hiện đại có thể rút ngắn quá trình giao dịch “đến mức thanh toán trong cùng ngày (T+0 hoặc T+buổi tối)”. Sự thay đổi này có thể tránh tình trạng một trong hai bên vỡ nợ trước khi giao dịch được thực hiện. 

Tuy nhiên, Hiệp hội Thị trường Tài chính và Công nghiệp Chứng khoán (Sifma), nói rằng sự thay đổi này sẽ đòi hỏi những chỉnh sửa đổi tốn kém đối với hoạt động thị trường. 

Cơ quan này cho biết T+0 có thể dẫn đến nhiều “giao dịch thất bại” và gian lận hơn vì sẽ có ít thời gian hơn sửa chữa sai sót hoặc phát hiện các vấn đề tuân thủ.

Các quốc gia khác đang giao dịch như thế nào?

Ấn Độ hiện đã ở “T+1” và các cơ quan quản lý đã chấp thuận triển khai phương thức thanh toán trong cùng ngày (“T+0”) đối với 25 cổ phiếu, nhằm thu hút các nhà đầu tư bán lẻ.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc vừa triển khai “T+0” và “T+2”. Canada và Mexico sẵn sàng chuyển sang T+1 vào tháng 5. Anh có kế hoạch chuyển sang T+1 chậm nhất vào cuối năm 2027. 

Mỹ cũng đang hối thúc Liên minh châu Âu chuyển sang tiêu chuẩn với T+1. Người đứng đầu cơ quan quản lý tài chính của khối, bà Mairead McGuinness, nói rằng khẳng định EU sẽ chuyển đổi, “câu hỏi chỉ là cách thức và thời gian”. Australia cũng đang cân nhắc việc chuyển sang T+1.

Minh Quang