|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Chứng khoán Mỹ đang thờ ơ với cuộc bầu cử tổng thống nhưng có thể sẽ sớm phải đối thái độ

17:24 | 16/03/2024
Chia sẻ
Phố Wall cho rằng tổng thống tiếp theo của nước Mỹ sẽ không gây ra nhiều ảnh hưởng đến nền kinh tế bằng Fed.

Đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump, hai ứng viên chủ chốt của cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay. (Ảnh: CNBC). 

Tổng thống Joe Biden và người tiền nhiệm Donald Trump đều đã trở thành ứng viên đề cử của đảng mình. Cuộc so găng giữa cả hai dự kiến sẽ diễn ra rất khốc liệt và người chiến thắng sẽ chịu trách nhiệm chèo lái nền kinh tế số một thế giới trong 4 năm tới. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là Phố Wall có vẻ không quan tâm tới chuyện này, hoặc ít nhất là chưa.

Thay vì chú ý đến ai sẽ trở thành chủ nhân Nhà Trắng năm 2025, cộng đồng đầu tư đang quan tâm nhiều hơn đến các động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Sự thờ ơ của Phố Wall có thể bắt nguồn từ một trong các lý do sau: nền kinh tế Mỹ có vẻ đang ổn định, nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ tiếp tục thực hiện các động thái thân thiện với thị trường bất kể ai thắng cử. Và quan trọng nhất là tình trạng chia rẽ chính trị ở Mỹ sẽ khiến tổng thống tiếp theo khó có thể ban hành các chương trình nghị sự tạo ra sự thay đổi lớn.

Ông Doug Roberts, Giám đốc đầu tư của Channel Capital Research, bình luận: “Thế bế tắc ở Washington là điều có lợi cho chứng khoán. Dù Đảng Dân chủ hay Cộng hòa chiếm đa số ghế ở Quốc hội, cách biệt chiến thắng cũng sẽ nhỏ đến mức tổng thống tiếp theo không thể làm được nhiều việc, bất kể người đó hứa hẹn gì”.

Giữ nguyên hiện trạng

Tình trạng chia rẽ ở Washington khiến Phố Wall hy vọng rằng bức tranh hiện tại - gồm tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, thị trường lao động vững mạnh và lạm phát trên đà giảm - sẽ được giữ nguyên.

Ông Roberts nói tiếp: “Nền kinh tế Mỹ có vẻ khá mạnh mẽ. Cuộc bầu cử tổng thống sẽ không thay đổi điều đó, dù ông Biden hay Trump giành chiến thắng.

Kết quả bầu cử có thể ảnh hưởng đến từng lĩnh vực riêng lẻ dựa trên dự luật mà các ứng viên đang đề xuất. Nhưng trên thực tế, không nhiều đề xuất sẽ được thông qua. Thị trường thích tình trạng bế tắc trong Quốc hội vì khi đó các tài sản ở Mỹ sẽ không trải qua sự xáo trộn đáng kể nào...”

 

Nhìn từ góc độ chính sách, ông Biden và người tiền nhiệm Trump có một số khác biệt lớn. Ông Biden thúc đẩy năng lượng xanh và xe điện, còn ông Trump ủng hộ ngành dầu mỏ truyền thống. Ông Biden muốn đánh thuế người giàu, ông Trump đã giảm thuế cho doanh nghiệp khi tại nhiệm. Về kinh doanh, ông Trump muốn giảm bớt các quy định còn ông Biden thì cố gắng thắt chặt kiểm soát.

Bất chấp các điểm khác biệt trên, nền kinh tế Mỹ đã không thay đổi quá nhiều như thị trường tưởng tượng khi ông Biden kế nhiệm ông Trump. Ví dụ, ông Biden giữ lại nhiều khoản thuế quan được đặt ra trong nhiệm kỳ của ông Trump. Cả hai người đều chấp nhận để ngân sách tiếp tục thâm hụt nhằm tài trợ cho các chương trình nghị sự của mình.

Ảnh hưởng của cuộc bầu cử

Ngày nay, Fed có vẻ là tổ chức ảnh hưởng nhất đến chứng khoán Mỹ, hơn bất kỳ chính trị gia nào ở Washington. Thị trường không có phản ứng gì đến màn tái đấu giữa ông Biden và Trump nhưng lại có thể rung lắc dữ dội từ một tuyên bố của Fed.  

Tuy nhiên, ông Joe Salmond, nhà quản lý danh mục tại Thornburg Investment Management, dự đoán: “Khi dư luận nói nhiều hơn về cuộc bầu cử, chúng ta sẽ thấy nhà đầu tư chuyển sự chú ý từ Fed sang cuộc đua vào Nhà Trắng”.

Những yếu tố có thể làm tăng ảnh hưởng của cuộc bầu cử đến thị trường bao gồm khả năng căng thẳng ở Nga và Trung Đông leo thang, gây ra sự gián đoạn trên thị trường dầu mỏ và kéo giá năng lượng đi lên.

Ngoài ra còn có khả năng lạm phát cao dai dẳng hơn dự kiến khiến Fed trì hoãn việc giảm lãi suất và viễn cảnh chính phủ Mỹ đóng cửa - điều này sẽ khiến vấn đề đảng phái trở nên quan trọng. Tổng thống tiếp theo cũng có quyền lựa chọn chủ tịch tiếp theo của Fed sau khi nhiệm kỳ của ông Jerome Powell kết thúc vào đầu năm 2026.

Ông Salmond nói thêm rằng các nhà đầu tư nên suy nghĩ về các kịch bản khác nhau và tác động của chúng đến thị trường. Cổ phiếu công nghệ và công nghiệp có thể sẽ biến động dựa trên các quyết định của tổng thống mới.

Ông nói rõ hơn: “Các nhà đầu tư toàn cầu sẽ đánh giá mối quan hệ của Mỹ với phần còn lại của thế giới, cũng như ảnh hưởng của nó đến tình hình trong nước Mỹ và quốc tế.

Rất nhiều nhà quan sát đang bàn luận về sự hỗ trợ mà Mỹ sẽ dành cho các nước khác và lợi ích chúng đem lại cho nền kinh tế nội địa, hoặc liệu Mỹ có duy trì các mối quan hệ như cũ hay không”.

Có thể nói thị trường chứng khoán cũng có lá phiếu của riêng mình trong cuộc bầu cử năm nay. Theo LPL Financial, trong 20/24 cuộc bầu cử trước đây, nếu giá cổ phiếu tăng ba tháng trước ngày bầu cử thì tổng thống đương nhiệm sẽ giành chiến thắng. Ngược lại, nếu thị trường đi xuống thì đó thường là dấu hiệu cho thấy tổng thống đương nhiệm sẽ thất bại.

Giang

Nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược
Thủ tướng Phạm Minh Chính và Tổng thống Brazil Lula da Silva đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam - Brazil lên Đối tác chiến lược và ra Tuyên bố chung Việt Nam – Brazil về việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.