Chuỗi cung ứng toàn cầu chuẩn bị cho những thay đổi lớn nếu ông Trump thắng cử
Dự định của ông Trump
Hồi tháng 2, cựu Tổng thống Donald Trump tiết lộ ông đang cân nhắc áp thuế quan từ 60% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc và 10% lên toàn bộ sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ nếu giành được nhiệm kỳ thứ hai.
Chia sẻ với CNBC vào đầu tuần này, ông Trump tuyên bố: “Tôi đặc biệt tin tưởng vào thuế quan”. Hàng hoá nhập khẩu vào nền kinh tế số một thế giới hiện bị áp thuế quan trong khoảng 10 - 25%.
Trong cuộc phỏng vấn tại hội thảo TPM tuần trước, ông Niki Frank, CEO DHL khu vực châu Á, dự đoán hoạt động đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc sẽ được đẩy mạnh nếu thuế quan tăng lên. Ông bình luận: “Mức thuế 60% sẽ khuyến khích doanh nghiệp chuyển dây chuyền sang các nước khác".
Vị CEO dự kiến nếu thuế quan tăng lên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump, điều này sẽ giúp đẩy nhanh xu hướng chuyển dịch thương mại từ Trung Quốc sang Mexico.
- TIN LIÊN QUAN
-
Nền kinh toàn cầu thay đổi chóng mặt: Mexico vượt Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ 13/07/2023 - 14:11
Trên thực tế, xu hướng đó đã bắt đầu. Khoảng 15% hàng hoá của Trung Quốc đến Mỹ qua biên giới Mexico, vì nhiều công ty Trung Quốc đã thiết lập cơ sở ở Mexico hoặc sử dụng cảng của Mexico.
Xu hướng trên còn giúp ích cho lợi nhuận của các hãng xe tải và đường sắt. Trong đó, Union Pacific là một trong những công ty được hưởng lợi hàng đầu do có nhiều hoạt động ở Mexico.
Bà Beth Whited, Giám đốc Union Pacific, nói với CNBC: “Tiềm năng dành cho công ty chúng tôi là rất lớn. Các doanh nghiệp đang suy nghĩ nghiêm túc về chuỗi cung ứng và quyết định chuyển bớt hoạt động về gần quê nhà hơn và đầu tư vào Mexico”.
Trong khi đó, ông Paul Brashier, Phó Giám đốc mảng vận tải tại ITS Logistics, cho biết doanh nghiệp Mỹ coi các cảng Mexico là cửa ngõ của tương lai.
Ông tiết lộ: “Chúng tôi đang tích cực thảo luận với một số khách hàng sử dụng đường biển để tránh thuế quan của ông Trump. Do đó, tôi nghĩ tương lai sẽ là xuất khẩu từ phương Đông và phương Tây vào Mexico”.
Ô tô Trung Quốc, thương mại của Việt Nam và các nước ASEAN
Các nhà phân tích nhận thấy ngành ô tô đang tăng cường xuất khẩu qua Mexico. Ông Chris Rogers, trưởng bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P Global, cho biết một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc đang cân nhắc mở cơ sở ở Mexico.
Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Trump nói mình sẽ nhắm đến ngành ô tô của Trung Quốc. Vị cựu tổng thống cho hay: “Nếu chúng ta áp thuế quan với Trung Quốc, họ sẽ xây dựng nhà máy ô tô ở Mỹ và tuyển dụng lao động Mỹ. Chúng ta không muốn mua ô tô từ Trung Quốc. Chúng ta muốn mua ô tô sản xuất bởi Trung Quốc tại Mỹ và sử dụng nhân công Mỹ”.
Các quan chức chính quyền đương kim Tổng thống Joe Biden cũng đã cảnh báo về nguy cơ ô tô Trung Quốc tràn ngập thị trường Mỹ.
Ông nói thêm: “Đề xuất áp thuế quan 10% lên mọi hàng hóa của ông Trump có thể dẫn đến việc các nước cố gắng đàm phán để đạt một số thỏa thuận thương mại với Mỹ. Điều này rõ ràng sẽ giúp ích cho những đối tác có hiệp định thương mại tự do với Mỹ như Hàn Quốc và Mexico”.
Ông Jon Gold, Phó Chủ tịch của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia Mỹ, lưu ý: “Đối với một số nhóm hàng cụ thể, không quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc, cả về công suất lẫn năng lực sản xuất. Đó là điều chúng tôi liên tục nhấn mạnh với các nhà quản lý và nhà lập pháp. Các doanh nghiệp đang thực sự cố gắng hết sức để chuyển bớt hoạt động khỏi Trung Quốc”.
Phe chỉ trích đã lên tiếng cảnh báo về tác động kinh tế mà kế hoạch thuế quan của ông Trump có thể gây ra.
Giám đốc đầu của Bleakley Financial Group là ông Peter Boockvar bày tỏ ý kiến: “Tôi nghĩ việc Mỹ áp thuế quan 60% lên bất kỳ nước nào cũng sẽ là thảm họa kinh tế, Trung Quốc lại còn là đối tác thương mại lớn của chúng ta. Điều đáng tiếc là tổng thống có quyền áp đặt những thuế quan này mà không thông qua Quốc hội”.
Phe chỉ trích cũng lưu ý đến gánh nặng giá cả mà người tiêu dùng sẽ phải chịu. Tuy nhiên, trong giai đoạn ông Trump nắm quyền và thuế quan được áp dụng, lạm phát của Mỹ không cao hơn mức trung bình trong lịch sử.
Đến nay, những quốc gia hoặc khu vực được hưởng lợi nhiều nhất từ xu hướng chuyển dịch khỏi Trung Quốc bao gồm Mexico, ASEAN - chủ yếu là Việt Nam, Malaysia, Indonesia - và một số nước khác.