Trung Quốc lấy xuất khẩu làm bàn đạp phục hồi tăng trưởng, WSJ đoán thế giới sắp đón cú sốc mới
Vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000, nền kinh tế toàn cầu từng trải qua một “cú sốc Trung Quốc”.
Mỹ và nhiều nước khác ồ ạt nhập khẩu hàng hoá giá rẻ do Trung Quốc sản xuất. Nhờ đó, lạm phát tại những nền kinh tế này khá thấp, nhưng bất lợi là người lao động trong lĩnh vực sản xuất mất đi cơ hội việc làm.
Chương tiếp theo của câu chuyện có thể sắp diễn ra khi Bắc Kinh muốn dùng xuất khẩu làm bàn đạp phục hồi tăng trưởng. Các nhà máy tại đây đang sản xuất nhiều ô tô, máy móc và thiết bị điện tử hơn nhu cầu thực tế của người dân trong nước.
Trao đổi với Wall Street Journal, một số chuyên gia nhận thấy cú sốc lần này có thể sẽ đẩy lạm phát xuống thấp hơn so với lần đầu tiên.
Nền kinh tế tỷ dân đang chững lại, trong khi trước kia lại đang bùng nổ. Cho nên, nhu cầu của Trung Quốc với các nguyên liệu thô như quặng sắt,... sẽ không bù đắp được tác động thiểu phát mà hàng hoá giá rẻ do nước này sản xuất gây ra.
Bên cạnh đó, quy mô nền kinh tế Trung Quốc cũng lớn hơn so với trước đây, chiếm tỷ trọng lớn hơn trong sản lượng hàng hoá của thế giới.
Theo dữ liệu của World Bank, vào năm 2022, nước này chiếm khoảng 31% sản lượng công nghiệp toàn cầu và 14% hàng hoá xuất khẩu trên khắp thế giới. Hai thập kỷ trước, tỷ trọng tương ứng của Trung Quốc là chưa đến 10% và 5%.
- TIN LIÊN QUAN
-
Giảm phát không phải chuyện lạ ở Trung Quốc nhưng chu kỳ lần này có thể rất đáng lo 07/09/2023 - 18:14
Ai cũng đầu tư vào sản xuất
Đầu những năm 2000, tình trạng sản xuất dư thừa chủ yếu bắt nguồn từ Trung Quốc vì khi đó nhà máy ở những nơi khác đều đang đóng cửa.
Giờ đây, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, Mỹ và các quốc gia khác đang đầu tư mạnh tay vào doanh nghiệp và bảo vệ các lĩnh vực chế tạo trong nước.
Các công ty Trung Quốc bắt đầu xây dựng nhà máy ở nước ngoài để xoa dịu sự phản đối của các nước với hàng hoá từ nền kinh tế tỷ dân, dù họ vốn đã sản xuất vượt nhu cầu của thế giới ngay tại quê nhà.
Có khả năng thế giới sẽ tràn ngập hàng hoá nhưng lại thiếu vắng khách hàng. Đây là một công thức cổ điển khiến giá cả đi xuống.
Theo đánh giá của chiến lược gia Thomas Gatley đến từ hãng phân tích Gavekal Dragonomics, tác động của Trung Quốc đến giá cả toàn cầu đang nghiêng rõ về hướng thiểu phát.
Như đề cập ở trên, một số nền kinh tế đang phản ứng. Mỹ, châu Âu và Nhật Bản không muốn quay lại thời kỳ đầu những năm 2000, khi hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc khiến nhiều nhà máy của họ rơi vào cảnh phá sản.
Vì vậy, ba nền kinh tế phát triển này đã chi hàng tỷ USD để hỗ trợ các ngành được coi là chiến lược và áp đặt hoặc đe doạ áp thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Xu hướng già hoá dân số và tình trạng thiếu lao động dai dẳng ở những nước phát triển có thể bù đắp một số áp lực thiểu phát mà hàng hoá Trung Quốc gây ra.
Một cú sốc kiểu khác
Ông David Autor, giáo sư kinh tế tại Viện Công nghệ Massachusetts, nhận định: “[Cú sốc lần này] sẽ không giống cú sốc trước kia”.
Theo giáo sư Autor, Trung Quốc đang cạnh tranh với các nền kinh tế tiên tiến về ô tô, chip máy tính và máy móc hiện đại - những sản phẩm có giá trị cao, được cho là đóng vai trò trọng tâm trong cuộc đua dẫn đầu về công nghệ.
Cú sốc Trung Quốc đầu tiên diễn ra sau khi Bắc Kinh thực hiện một loạt cải cách kinh tế vào những năm 1990 và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001.
Đối với người tiêu dùng Mỹ, cú sốc đầu tiên mang lại lợi ích đáng kể. Một báo cáo năm 2019 phát hiện giá hàng hoá tiêu dùng tại Mỹ đã giảm 2% khi tỷ trọng hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đi lên 1 điểm %. Các gia đình có thu nhập thấp và trung bình hưởng lợi nhiều nhất.
Song, cú sốc đó cũng gây áp lực lên các nhà sản xuất trong nước. Năm 2016, ông Autor và các đồng nghiệp ước tính rằng Mỹ đã mất hơn 2 triệu việc làm trong giai đoạn từ năm 1999 đến 2011 do hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các nhà sản xuất đồ nội thất, đồ chơi và quần áo của Mỹ gặp khó khăn trước sự cạnh tranh ngày càng gia tăng và người lao động ở những khu vực xa xôi phải vật lộn để tìm việc làm mới.
Chương tiếp theo sắp diễn ra.
Nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng 5,2% vào năm ngoái, tốc độ thấp hơn đáng kể so với quá khứ. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ chậm lại hơn nữa khi khủng hoảng bất động sản ảnh hưởng đến đầu tư và người tiêu dùng hạn chế chi tiêu.
Công ty tư vấn Capital Economics cho rằng tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm của Trung Quốc sẽ chậm lại, còn khoảng 2% vào năm 2030.
Bắc Kinh đang tìm cách tạo ra một điểm bước ngoặt bằng cách đổ tiền vào nhà máy, đặc biệt là các cơ sở sản xuất chất bán dẫn, hàng không, xe hơi và sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo, sau đó bán phần dư thừa ra thế giới.
Tình trạng giảm phát của Trung Quốc
Trong bối cảnh nhu cầu suy yếu và công suất dư thừa, giá sản xuất tại Trung Quốc đã giảm trong 16 tháng liên tiếp. Hàng tiêu dùng, hàng hoá lâu bền, thực phẩm, kim loại và máy móc điện dẫn đầu đà giảm.
Tình trạng giảm phát của nền kinh tế tỷ dân đang tác động lên khắp thế giới. Giá hàng nhập khẩu từ Trung Quốc của Mỹ đã giảm 2,9% trong tháng 1 so với cùng kỳ năm trước, trong khi giá hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản và Mexico đều tăng.
Song, khác với đầu những năm 2000, phương Tây hiện coi Trung Quốc là đối thủ kinh tế và địa chính trị chính. EU đang điều tra xem liệu xe điện Trung Quốc có được trợ cấp không công bằng và có nên bị đánh thuế quan hay không.
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump - ứng viên tiềm năng nhất của Đảng Cộng hoà trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay - đã đề cập đến ý tưởng đánh thuế nhập khẩu đối với hàng hoá từ Trung Quốc từ 60% trở lên.
Các động thái bảo hộ thương mại của phương Tây có thể chuyển hướng tác động giảm phát sang những khu vực khác trên thế giới, bởi các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới ở các quốc gia đang phát triển.
Những nước đó có thể chứng kiến lĩnh vực công nghiệp của mình thu hẹp lại trước sự cạnh tranh của Trung Quốc, tương tự những gì Mỹ đã trải qua trong cú sốc lần đầu.
Nhật Bản và Hàn Quốc là những quốc gia đã từ bỏ sản xuất hàng hoá giá rẻ để tập trung vào các mặt hàng xuất khẩu giá trị cao hơn.
Khác với hai nước này, Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế trong các lĩnh sản xuất sản xuất chi phí thấp ngay cả khi nước này đẩy mạnh chế tạo các sản phẩm công nghệ cao vốn thường do các nền kinh tế tiên tiến thống trị.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/