|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản, tiếp thêm sức cho thị trường bất động sản

11:17 | 20/02/2024
Chia sẻ
Ngân hàng trung ương Trung Quốc vừa bất ngờ hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm. Động thái này có thể hỗ trợ phần nào cho thị trường bất động sản đang trên đà suy yếu của Trung quốc.

Trung Quốc hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm, bơm thêm hỗ trợ cho thị trường bất động sản. (Ảnh minh hoạ: AFP).

Theo tuyên bố hôm 20/2, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã giữ nguyên lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn một năm ở mức 3,45%. Đây là lãi suất tham chiếu cho hầu hết các khoản cho vay hộ gia đình và doanh nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong khi đó, PBoC quyết định hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm xuống còn 3,95%, giảm 25 điểm cơ bản. Đây là lãi suất tham chiếu cho các khoản vay thế chấp mua nhà ở tại nước này.

Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự kiến ngân hàng trung ương Trung Quốc sẽ chỉ giảm lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm từ 5 đến 15 điểm cơ bản.

Đây cũng lần đầu tiên PBoC có động thái như vậy kể từ lần giảm 10 điểm cơ bản vào tháng 6 năm ngoái.

Trao đổi với CNBC, ông William Ma - Giám đốc đầu tư tại hãng đầu tư GROW Investment Group - đánh giá: “[Nhờ quyết định chính sách mới của PBoC], chi phí vay vốn để mua nhà của những người mua nhà tiềm năng đã xuống thấp hơn đáng kể”.

“Tôi nghĩ thị trường bất động sản cần thêm một thời gian để phản ứng với thông tin này”, vị giám đốc nhận định.

Ông Ma cho biết thêm rằng đây là một dấu hiệu tốt chứng tỏ “chính phủ và các cơ quan quản lý Trung Quốc đang cho những người tham gia thị trường thấy rằng hệ thống ngân hàng vẫn khoẻ mạnh”. 

“Vì vậy, tôi nghĩ đợt cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản này là một tín hiệu rất tích cực”, ông Ma bày tỏ.

Theo CNBC, PBoC thường tính toán lãi suất cho vay cơ bản mỗi tháng sau khi 20 ngân hàng thương mại được chỉ định nộp đề xuất lãi suất của họ. Các lãi suất cho vay cơ bản này thường tăng giảm cùng chiều với lãi suất chính sách trung hạn.

Trước đó, kể từ ngày 5/2, PBoC đã giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng khoảng 50 điểm cơ bản, qua đó bơm 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 139,8 tỷ USD) vốn dài hạn vào hệ thống.

Đồng thời, PBoC còn kêu gọi các ngân hàng thương mại hỗ trợ khoản vay cho các nhà phát triển bất động sản vẫn hoạt động ổn định nhằm giúp họ hoàn thành những dự án đang dở dở, sớm ngày bàn giao cho khách hàng.

Thị trường bất động sản Trung Quốc phải chịu cú sốc nặng nề sau khi Bắc Kinh bắt đầu kiểm soát thói quen vay nợ để tăng trưởng của doanh nghiệp vào năm 2020.

Một số nhà phát triển lớn nhất nước này như Evergrande và Country Garden đã vỡ nợ trái phiếu quốc tế, buộc phải tái cấu trúc. Một số khác tuyên bố phá sản.

Cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản đã đè nặng lên tăng trưởng tiêu dùng cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung của Trung Quốc.

Dữ liệu được công bố vào giữa tháng 1 cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tăng trưởng 5,2% trong năm 2023, cao hơn một chút so với mục tiêu chính thức là “khoảng 5%”. Tốc độ tăng trưởng GDP quý IV cũng là 5,2%, nhưng thấp hơn so với ước tính trung vị của các nhà kinh tế.

Yên Khê