|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

CPI của Trung Quốc giảm mạnh nhất kể từ năm 2009

11:11 | 08/02/2024
Chia sẻ
Báo cáo chính thức cho thấy tình trạng giảm phát tại Trung Quốc vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt. Chỉ số PPI tháng 1/2024 tiếp đà giảm trong 15 tháng trước, trong khi CPI tụt mạnh nhất kể từ năm 2009.

 

Người dân mua sắm tại một khu chợ ngoài trời ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters).

 

Báo cáo mới nhất từ Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho thấy giá sản xuất tại nền kinh tế tỷ dân đã giảm tháng thứ 16 liên tiếp vào tháng 1/2024, trong khi giá tiêu dùng chứng kiến mức giảm sâu nhất kể từ năm 2009.

Bản báo cáo cho thấy mức độ thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt nhằm kéo giá cả trong nền kinh tế đi lên, CNBC nhận định.

Cụ thể, chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 1/2024 giảm 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tốt hơn một chút so với dự báo sụt 2,6% của các nhà kinh tế. PPI tháng 12/2023 giảm 2,7% so với cùng kỳ.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sụt 0,8% so với cùng kỳ, tệ hơn ước tính trung vị của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters là giảm 0,5%. Đây là lần thứ 4 liên tiếp CPI giảm so với một năm trước.

Tuy nhiên, nếu so với tháng trước, CPI tháng 1/2024 đi lên 0,3%, báo cáo của Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc chỉ ra.

Chia sẻ với CNBC, ông Hao Hong, nhà kinh tế trưởng tại GROW Investment Group, đánh giá: “Thị trường không hoàn toàn ngạc nhiên về số liệu giảm phát của Trung Quốc, bởi tình trạng này đã kéo dài hơn một năm nay...”

Ông Hao đề cập đến việc giá thịt heo giảm 17,3% so với cùng kỳ vào tháng 1/2024. Nguồn cung của loại protein thiết yếu này đang dư ra đáng kể sau khi Bắc Kinh tích cực xây dựng lại đàn heo sau hai năm chống chọi với dịch tả heo châu Phi.

Tính chung, giá thực phẩm tại Trung Quốc tụt 5,9% so với một năm trước vào tháng đầu năm 2024.

CPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) tăng 0,4% so với cùng kỳ và 0,3% so với tháng 12/2023.

 

Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết dữ liệu lạm phát tháng 1 bị ảnh hưởng bởi số liệu nền khá cao vào năm ngoái. Tháng 1/2023 đang là thời điểm người dân Trung Quốc đang đón Tết Nguyên đán. Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2.

Báo cáo lạm phát mới nhất càng khiến giới chuyên gia lo sợ rằng Trung Quốc đang đứng trước bờ vực giảm phát.

Giá cả ảm đạm là minh chứng cho thấy chặng đường phục hồi kinh tế “quanh co” mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc từng nhắc đến sau khi nước này loại bỏ các hạn chế COVID vào cuối năm 2022.

Trung Quốc hiện đang là ngoại lệ trong số các nền kinh tế lớn trên thế giới, bởi hầu hết các nước khác đều đang phải chống chọi với tình trạng lạm phát tăng cao.

Các cuộc khảo sát gần đây về hoạt động sản xuất cho thấy khi cạnh tranh trên thị trường gia tăng, khả năng thương lượng của doanh nghiệp Trung Quốc trở nên hạn chế hơn, khiến giá sản phẩm đầu ra giảm.

Niềm tin của người tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế nói chung của Trung Quốc cũng bị ảnh hưởng đáng kể bởi cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản.

 

Khả Nhân