|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mexico vượt Trung Quốc, lần nữa thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ sau hai thập kỷ

07:42 | 09/02/2024
Chia sẻ
Hoạt động thương mại toàn cầu vừa ghi nhận một thay đổi lớn, khi Trung Quốc tụt mất danh hiệu thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ vào tay Mexico.

 

Nữ công nhân làm việc trong một xưởng sản xuất giày ở Leon, Mexico. (Ảnh: AP).

Vào năm ngoái, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của Mỹ. Sự thay đổi này phản ánh căng thẳng ngày càng lớn giữa Washington và Bắc Kinh, đồng thời cho thấy nỗ lực của Mỹ trong việc nhập khẩu hàng hoá từ các nền kinh tế thân thiện và gần thị trường tiêu thụ hơn.

Cụ thể, theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 7/2, tổng kim ngạch hàng hoá mà nền kinh tế số một thế giới nhập khẩu từ Mexico đã tăng gần 5% trong năm 2023, lên hơn 475 tỷ USD.

Trong khi đó, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Trung Quốc giảm khoảng 20% xuống còn 427 tỷ USD. Thep hãng tin AP, lần gần nhất kim ngạch nhập khẩu hàng hoá từ Mexico vượt giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc là vào năm 2002.

Tính chung cả xuất khẩu, thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với Mexico đã tăng 17% lên 152,4 tỷ USD. Trong khi đó, thâm hụt của Mỹ với Trung Quốc giảm 27% xuống còn 279,4 tỷ USD - mức thấp nhất kể từ năm 2010.

 

Quan hệ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đã xấu đi đáng kể trong những năm gần đây, bắt đầu từ thời cựu Tổng thống Donald Trump.

Chính quyền ông Trump bắt đầu áp thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc vào năm 2018, cáo buộc hoạt động thương mại của Bắc Kinh vi phạm các quy tắc thương mại toàn cầu. 

Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên các mức thuế quan của người tiền nhiệm sau khi ông nhậm chức vào năm 2021.

Hiện tại, khoảng 66,4% hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đang phải chịu thuế quan. Mức thuế trung bình mà Washington áp lên hàng hoá Trung Quốc là 19,3%. Con số này cao hơn 6 lần so với trước khi ông Trump bắt đầu cuộc chiến thương mại với nền kinh tế số hai thế giới.

Để thay thế cho nguồn hàng hoá từ thị trường tỷ dân, chính quyền ông Biden đã kêu gọi doanh nghiệp tìm kiếm nhà cung ứng ở các nền kinh tế thân thiện (xu hướng friend-shoring) hay đưa dây chuyền trở về nước Mỹ (reshoring).

Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng bắt nguồn từ đại dịch COVID-19 cũng khiến các công ty Mỹ phải nỗ lực tìm nhà cung ứng gần quê nhà hơn (near-shoring).

Mexico là một trong những quốc gia hưởng lợi khi Mỹ muốn giảm bớt sự phụ thuộc vào các nhà máy Trung Quốc.

Tuy vậy, bức tranh thực tế có phần phức tạp hơn. Theo AP, một số nhà sản xuất Trung Quốc đã xây dựng nhà máy ở Mexico để khai thác lợi thế từ Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico - Canada.

Ngoài Mexico, người tiêu dùng và doanh nghiệp Mỹ còn tìm đến châu Âu, Hàn Quốc, Ấn Độ, Canada và Việt Nam để mua phụ tùng ô tô, giày dép, đồ chơi và nguyên liệu thô.

Trong một bài đăng trên nền tảng X (trước đây là Twitter), ông Brad Setser, nhà kinh tế kiêm thành viên cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho rằng chính sách thuế của cựu Tổng thống Trump đã tác động tiêu cực đến lượng hàng hoá mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đồng thời, người Mỹ đã giảm mua các hàng hoá như đồ điện tử như từng thấy trong giai đoạn đại dịch hoành hành. Thay vào đó, họ chi tiêu nhiều hơn cho các loại hình dịch vụ như du lịch và giải trí.

Cũng theo bản báo cáo, thâm hụt thương mại hàng hoá của Mỹ với phần còn lại của thế giới - hay mức chênh lệch giữa những gì Mỹ bán đi và những gì nước này mua vào - đã thu hẹp 10% xuống còn 1.060 tỷ USD vào năm ngoái.

 

Yên Khê

Yagi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua, Hà Nội gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết Hải Phòng – Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19h ngày 7/9, sau giảm nhanh; Thái Bình – Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16-22h; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19h ngày 7/9 đến 1h ngày 8/9.