|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

2024 là năm cắt giảm lãi suất toàn cầu: Các NHTW nào tham gia, dự kiến khi nào bắt đầu?

21:46 | 13/03/2024
Chia sẻ
Trong bối cảnh lạm phát tại nhiều nền kinh tế đã hạ nhiệt, các nhà đầu tư đang đặc biệt quan tâm đến vấn đề lãi suất. Thị trường kỳ vọng một loạt ngân hàng trung ương sẽ hạ chi phí đi vay trong năm nay.

 

Đồng tiền của các nền kinh tế lớn. (Ảnh: Getty Images).

Trong một báo cáo gần đây, Economist Intelligence Unit (EIU) cho biết lãi suất ở hầu hết các nền kinh tế sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm nay. Tuy nhiên, hãng phân tích này vẫn nhận định lãi suất sẽ giảm nhẹ vào khoảng cuối năm.

Bên dưới là các ngân hàng trung ương lớn được kỳ vọng sẽ cắt giảm chi phí đi vay trong năm nay, theo tổng hợp của CNBC:

Mỹ

Tuần trước, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell một lần nữa nhấn mạnh rằng lãi suất sẽ bắt đầu đi xuống trong năm nay nếu áp lực lạm phát tiếp tục suy yếu. Song, ông không đưa ra mốc thời gian cụ thể.

Lạm phát tính theo thước đo ưa thích của Fed hiện là 2,4%, cao hơn mục tiêu 2% của các quan chức ngân hàng trung ương.

Kết thúc cuộc họp tháng 1, Fed đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%. Hiện tại, các nhà đầu tư kỳ vọng ngân hàng trung ương Mỹ sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6, giảm 25 điểm cơ bản (bps).

Eurozone

Tuần trước, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng quyết định giữ lãi suất chính sách ở mức cao kỷ lục 4%. Các quan chức báo hiệu rằng họ sẽ không cắt giảm lãi suất trước tháng 6.

ECB thừa nhận lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến, tuy vẫn cao hơn mức mục tiêu 2%. Do diễn biến đáng khích lệ của áp lực giá, ECB đã hạ dự báo lạm phát năm nay từ mức trung bình 2,7% xuống 2,3%.

Thụy Sỹ

Số liệu tháng 2 cho thấy lạm phát tại Thụy Sỹ đã chững về mức 1,2% - thấp nhất trong gần hai năm rưỡi. Điều này làm dấy lên hy vọng rằng Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB) có thể cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày 21/3 tới.

Hiện tại, SNB đang giữ lãi suất ở mức 1,75% và ngân hàng trung ương này đặt mục tiêu lạm phát trong khoảng 0 - 2%.

Theo LSEG, xác suất SNB giảm lãi suất 25 bps tại cuộc họp tháng 3 là hơn 40%. Trong khi đó, UBS dự đoán SNB sẽ đợi đến quý II mới bắt đầu đợt giảm đầu tiên. Tuy nhiên, UBS không loại trừ khả năng SNB sẽ hành động ngay tháng này.

Canada

Tại cuộc họp tháng 3, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) đã giữ nguyên lãi suất lần thứ 5 liên tiếp. Thống đốc BoC cho biết còn quá sớm để cân nhắc việc cắt giảm chi phí đi vay.

Lạm phát tại Canada đã hạ nhiệt đáng kể xuống còn 2,9% vào tháng 1. BoC đặt mục tiêu lạm phát trong khoảng 1 - 3%. Phần đông các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters tuần trước dự đoán BoC có thể giảm lãi suất vào tháng 6.

Thổ Nhĩ Kỳ

Hồi tháng 2, ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ đã quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 45%, chấm dứt chu kỳ thắt chặt 8 lần liên tiếp.

Theo CNBC, nhiều chuyên gia kỳ vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ giữ nguyên lãi suất trong phần lớn năm 2024. Lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ hiện ở mức 65%.

Trong một báo cáo mới đây, JPMorgan cho rằng ngân hàng trung ương Thổ Nhĩ Kỳ có thể giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 11 và 12.

 

Australia

Ở cuộc họp tháng 2, Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã nhất trí giữ lãi suất ở mức cao nhất trong 12 năm là 4,35%.

Nomura dự đoán RBA sẽ bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 8 khi lạm phát thoái lui và tỷ lệ thất nghiệp tăng lên. Tập đoàn tài chính này kỳ vọng Australia “sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong gang tấc”.

Trong một lưu ý khác, ANZ cho biết nền kinh tế Australia “đã tiếp tục chững lại” trong nửa cuối năm 2023 khi GDP quý IV chỉ tăng 0,2% so với quý trước.  

New Zealand

Ngân hàng Dự trữ New Zealand (RBNZ) cũng giữ lãi suất ổn định ở mức 5,5% vào cuộc họp tháng 2. Các quan chức dự báo lạm phát sẽ quay trở lại phạm vi mục tiêu 1 - 3% vào tháng 9.

Auckland Savings Bank dự đoán RBNZ sẽ bắt đầu cắt giảm chi phí đi vay vào tháng 11.

Indonesia

Ngân hàng trung ương Indonesia giữ nguyên lãi suất chính sách ở mức 6% trong cuộc họp gần đây.

Lạm phát giá tiêu dùng của quốc gia Đông Nam Á đã quay về phạm vi mục tiêu của ngân hàng trung ương là 1,5 - 3,5%. Song, thống đốc ngân hàng trung ương Indonesia chỉ cân nhắc giảm lãi suất 75 bps vào nửa cuối năm nay.

Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, Thống đốc Perry Warjiyo lưu ý: “Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát tình hình toàn cầu, đặc biệt là tác động từ định hướng chính sách của Fed”.

BMI, công ty con của Fitch Solutions, dự kiến ngân hàng trung ương Indonesia sẽ hạ lãi suất chuẩn xuống 5% vào cuối năm 2024, bắt đầu từ nửa cuối năm cùng với Mỹ và các nền kinh tế phát triển khác để không gây áp lực lên đồng rupiah.

Nhật Bản

Không giống với các ngân hàng trung ương khác, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) được kỳ vọng sẽ tăng lãi suất trong năm nay thay vì cắt giảm.

Các nhà kinh tế tại Oxford Economics và Macquarie cho biết BoJ có thể sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tháng 4, tuỳ thuộc vào kết quả các cuộc đàm phán lương mùa xuân.

Các cuộc đàm phán lương nói trên là yếu tố quan trọng quyết định liệu lạm phát có thoả mãn mục tiêu 2% của BoJ hay không, vì đây là điều kiện tiên quyết để các nhà hoạch định chính sách từ bỏ lãi suất âm.

Hàn Quốc

Hồi cuối tháng 2, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BoK) đã giữ nguyên lãi suất ở mức 3,5%. Theo Thống đốc BoK, hầu hết nhà hoạch định chính sách đều cho rằng “còn quá sớm” để thảo luận việc hạ lãi suất khi lạm phát vẫn trên mức mục tiêu.

Ông Goohoon Kwon, nhà kinh tế cấp cao của Goldman Sachs, cho biết BoK vẫn có thể là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên ở châu Á cắt giảm lãi suất. Theo ông Kwon, xu hướng thiểu phát vẫn tiếp tục và tiêu dùng tư nhân ở Hàn Quốc đang giảm sút.

Vậy ai là người đầu tiên?

Đề cập đến số liệu lạm phát của Canada, nhà kinh tế trưởng Carl Weinberg của High Frequency Economics nhận định: “Theo tôi, BoC sẽ là ứng viên đầu tiên hạ lãi suất”.

Ông Weinberg nói thêm: “2024 sẽ là năm các ngân hàng trung ương đảo chiều và cắt giảm lãi suất”.

Tuy nhiên, các ngân hàng trung ương châu Á khó có thể vượt lên trước Fed vì đồng USD quá mạnh khiến đồng tiền của các quốc gia trong khu vực yếu đi, Morgan Stanley lưu ý. Khả năng đồng tiền tiếp tục mất giá có thể kích thích lạm phát tại các nước châu Á đi lên.

Yên Khê

Margin tiếp tục lập đỉnh mới, thêm hai CTCK có dư nợ vượt 20.000 tỷ đồng
Dư nợ magin ngành chứng khoán lập đỉnh mới trong 2024. Riêng Top 10 công ty chứng khoán lớn nhất ghi nhận đến 9 đơn vị vượt đỉnh cho vay trong quý cuối năm. TCBS, SSI và HSC đang là ba đơn vị đang dẫn đầu về cho vay margin.