|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai lão làng Jamie Dimon và Ray Dalio dự đoán trật lất về khủng hoảng kinh tế, giờ các chuyên gia nói gì?

12:24 | 12/03/2024
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia kinh tế và nhà đầu tư nổi tiếng từng đinh ninh rằng chiến dịch tăng lãi suất của Fed sẽ hạ gục nền kinh tế Mỹ nhưng không khống chế được lạm phát. Họ thừa nhận sai lầm nhưng vẫn lưu ý nền kinh tế vẫn chưa hoàn toàn thoát khỏi hiểm nguy.

CEO Jamie Dimon của JPMorgan (trái) và tỷ phú Ray Dalio. (Ảnh: Fast Company/Getty Images). 

Quá khứ

Hồi giữa năm 2022, CEO Jamie Dimon của JPMorgan cảnh báo rằng “bão” sắp đổ bộ nền kinh tế Mỹ. Ông phát biểu tại một hội thảo kinh tế: “Không ai biết thứ sắp đến sẽ là bão nhỏ hay siêu bão Sandy. Bạn hãy chuẩn bị sẵn sàng đi”.

Tỷ phú Ray Dalio, nhà sáng lập quỹ đầu cơ hàng đầu thế giới Bridgewater Associates, dự đoán một “cơn bão hoàn hảo” và “khủng hoảng nợ” sẽ càn quét nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Các nhà đầu tư và chuyên gia kinh tế nổi tiếng như CEO Jeffrey Gundlach của DoubleLine Capital và Giám đốc David Rosenberg của Rosenberg Research cũng sợ hãi không kém.

Tháng ba năm ngoái, ông Gundlach tuyên bố suy thoái sẽ xuất hiện “trong vài tháng tới”. Cũng thời gian đó, các nhà kinh tế dự đoán khả năng nền kinh tế Mỹ suy thoái trong 12 tháng tới là khoảng 61%, tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay. 

Song, thực tế cho thấy dự báo của giới chuyên gia hoàn toàn trật lất. Họ đã đánh giá thấp tác động của các biện pháp kích thích mà chính phủ ban hành cũng như sự bền bỉ của doanh nghiệp và người tiêu dùng. Và họ cũng không tin là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể khống chế lạm phát mà không gây ra suy thoái. 

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Lạm phát đang quay trở lại mục tiêu 2% của Fed, tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở gần mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Thị trường chứng khoán liên tục lập kỷ lục.

Ông Dalio thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn: “Tôi đã bi quan về nền kinh tế. Phán đoán của tôi là sai lầm”. Trong cuộc phỏng vấn khác, ông Dimon bình luận: "Trái với suy nghĩ trước đây của tôi, các gói kích thích kinh tế thời đại dịch vẫn đang tạo ra tác động tích cực đáng kể đến nền kinh tế". 

 

Tại thời điểm đó, các dự báo bi quan thực chất rất có lý. Từ tháng 3/2022 đến mùa hè năm ngoái, Fed tăng lãi suất 11 lần, đưa lãi suất lên mức cao nhất trong 22 năm.

Trong quá khứ, suy thoái thường xuất hiện sau khi lãi suất tăng đột biến. Mỹ cũng có những dấu hiệu đáng ngại khác. Đường cong sợi suất trái phiếu bị đảo ngược. Tốc độ tăng trưởng GDP chậm lại, lạm phát nhảy vọt.

Ngay cả Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng nói việc hạ nhiệt lạm phát mà không đẩy nền kinh tế vào suy thoái là không hề dễ dàng. 

Hiện tại

Điều gì đã xảy ra? Nhiều người Mỹ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi lãi suất, ví dụ như những người chốt được hợp đồng vay thế chấp mua nhà trước khi Fed thắt chặt chính sách.

Các chính trị gia cũng hành động nhanh hơn để hỗ trợ nền kinh tế. Trong thời đại dịch, chính phủ đã mạnh tay trợ cấp cho người dân, giúp các hộ gia đình tích lũy thêm tiền tiết kiệm. Số tiền đó thúc đẩy người tiêu dùng tiếp tục mua sắm. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng lại chiếm tới 70% nền kinh tế Mỹ.  

Ông Dalio giải thích: “Tôi đoán sai vì thông thường, chiến dịch tăng lãi suất của ngân hàng trung ương sẽ hạn chế nhu cầu của khu vực tư nhân, giá tài sản và khiến tăng trưởng giảm tốc, nhưng điều đó không xảy ra. Thay vào đó là một sự chuyển giao của cải mang tính lịch sử. Bảng cân đối của khu vực tư nhân được cải thiện rất nhiều còn bảng cân đối của chính phủ xấu đi đáng kể”.

Cùng lúc đó, thị trường chứng khoán bền bỉ và lợi suất trái phiếu gia tăng đã tạo ra “hiệu ứng của cải” tích cực, khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu thay vì tiết kiệm. Và trên thực tế, lãi suất của Mỹ không quá cao, ít nhất là theo góc độ lịch sử. 

Một số chỉ báo như đường cong lợi suất đảo ngược đã dự báo chính xác những vấn đề nghiêm trọng của nền kinh tế, ví dụ như khủng hoảng ngân hàng khu vực. Nhưng Fed nhanh chóng dập được lửa và không để rắc rối lan sang những lĩnh vực khác.

Tương lai không chắc chắn 

Khả năng hạ cánh mềm của nền kinh tế có vẻ đã cải thiện, một phần nhờ Fed phát tín hiệu sẵn sàng giảm lãi suất trong năm nay. Tờ WSJ cho biết gần đây, các nhà kinh tế đã hạ xác suất Mỹ suy thoái trong một năm tới xuống còn 39%, thấp hơn tỷ lệ 61% một năm trước.

Song, một số chuyên gia từng đưa ra lời cảnh báo về nền kinh tế Mỹ khẳng định khó khăn vẫn còn. Gần đây, ông Gundlach dự báo Mỹ sẽ suy thoái trong năm nay và chỉ số S&P 500 sẽ lao dốc xuống 3.200 điểm. S&P 500 đóng cửa quanh mức 5.100 điểm vào phiên 8/3.

 

Ông Dalio nhận định hai câu hỏi quan trọng bây giờ là liệu năng suất có tiếp tục cải thiện nhờ công nghệ trí tuệ nhân tạo và núi nợ công của Mỹ có gây họa cho nền kinh tế hay không. Theo ước tính mới nhất của Văn phòng Ngân sách Quốc hội, chính phủ Mỹ dự kiến ​​sẽ phải trả thêm 1.100 tỷ USD tiền lãi trong thập kỷ tới.

Về phần mình, ông Dimon cho biết ông vẫn lo ngại về các vấn đề nghiêm trọng mà nền kinh tế phải đối mặt, bao gồm lạm phát còn cao, căng thẳng địa chính trị, nợ công phình to và chi tiêu chính phủ. Ông lo nền kinh tế sẽ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ, tức tăng trưởng kinh tế thấp đi kèm với lạm phát cao.

Ông Dimon nói: “Tôi sẽ không thở phào trước khi hiểm họa đã qua”.

Giang