Các doanh nghiệp thực sự sử dụng AI vào việc gì?
Đã gần một năm kể từ khi OpenAI ra mắt GPT-4, mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) phức tạp nhất của họ và là bộ não đằng sau ChatGPT.
Trong cùng khoảng thời gian đó, vốn hóa các công ty công nghệ Mỹ đã tăng hơn 50%. Đơn cử, vốn hoá của Nvidia, công ty sản xuất chip AI hàng đầu thế giới, đã cán mốc 2.000 tỷ USD.
Cơn sốt AI cũng kéo giá cổ phiếu những gã khổng lồ công nghệ khác lên cao, bao gồm Alphabet, Amazon và Microsoft. Cả ba đều chi đậm để phát triển AI.
Song, doanh thu bán phần mềm AI của các ông lớn nói trên vẫn tương đối nhỏ. Trong năm qua, AI chỉ chiếm khoảng 1/5 mức tăng trưởng doanh thu của Azure - bộ phận điện toán đám mây của Microsoft - và các dịch vụ liên quan. Alphabet và Amazon không tiết lộ doanh số liên quan đến AI, nhưng các nhà phân tích cho rằng chúng thấp hơn Microsoft.
Để cơn sốt AI trên thị trường chứng khoán không nguội lạnh, đến một lúc nào đó những công ty trên sẽ cần phải tạo ra doanh thu đáng kể từ việc bán dịch vụ cho khách hàng.
Doanh nghiệp trên khắp thế giới, từ ngân hàng cho đến các công ty cố vấn đầu tư, cần phải sử dụng những công cụ như ChatGPT trên quy mô lớn. Nhưng hiện tại, họ chỉ đang áp dụng công nghệ AI tạo sinh một cách thận trọng.
Ứng dụng thực tiễn
Cục Điều tra Dân số Mỹ đã khảo sát hàng chục nghìn doanh nghiệp xem họ có sử dụng AI hay không. Hồi tháng 2, chỉ 5% doanh nghiệp thuộc mọi quy mô cho biết họ đã dùng AI trong hai tuần trước. Khoảng 7% dự định ứng dụng AI trong vòng 6 tháng.
Giữa các ngành cũng có sự chênh lệch lớn. Khoảng 17% doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin, bao gồm công nghệ và truyền thông, cho biết họ sử dụng công nghệ này để tạo ra sản phẩm. Tỷ lệ tương ứng của các doanh nghiệp chế tạo và y tế lần lượt là 3% và 5%.
Hiện nay, AI được sử dụng phổ biến nhất trong các công ty lớn có trên 250 nhân viên, bởi họ có đủ tiền để thuê đội ngũ AI riêng và trả các chi phí đầu tư cần thiết.
Năm ngoái, CEO Jamie Dimon của JPMorgan Chase cho biết ngân hàng lớn nhất nước Mỹ đã ghi nhận "hơn 300 trường hợp sử dụng AI trong quá trình làm việc”. Công ty hóa chất lớn của Đức là Bayer tuyên bố có hơn 700 trường hợp sử dụng AI tạo sinh.
Theo tờ Economist, các “trường hợp sử dụng” AI của doanh nghiệp có thể được chia thành ba loại, bao gồm “đánh bóng” số liệu, hỗ trợ nhân viên có kỹ năng từ thấp đến tầm trung và giúp đỡ các nhân viên giỏi nhất công ty. Trong số đó, “đánh bóng” số liệu là trường hợp phổ biến nhất.
Giáo sư Kristina McElheran thuộc Đại học Toronto cho biết nhiều doanh nghiệp đang đổi tên các nỗ lực số hóa thông thường thành “chương trình AI tạo sinh” để nghe có vẻ ấn tượng hơn.
Ví dụ, Presto - công ty chuyên cung cấp các công nghệ quản lý nhà hàng - đã giới thiệu một trợ lý AI tạo sinh để nhận đơn đặt hàng theo kiểu khách tạt xe qua (drive-through). Song, có đến 70% các đơn đặt hàng như vậy cần đến sự trợ giúp của con người.
Các doanh nghiệp lớn cũng tích hợp AI vào việc giao tiếp với người tiêu dùng. Amazon đã khởi động Rufus, một trợ lý mua sắm mà thực chất không khách hàng nào cần đến. Google thêm AI vào Maps để tạo ra trải nghiệm "mê đắm" hơn, dù có lẽ ít ai hiểu điều đó nghĩa là gì.
“Các ví dụ hàng đầu” trong 700 trường hợp ứng dụng AI của Bayer bao gồm những công việc nhàm chán như “dễ dàng lấy dữ liệu từ tệp Excel” và “tạo bản nháp đầu tiên trong Word”.
Ngược lại, AI có thể phát huy tác dụng khi trợ giúp những người lao động kỹ năng thấp. Amdocs đã sản xuất phần phềm để giúp các công ty viễn thông quản lý dịch vụ thanh toán và khách hàng. Công ty này cho biết việc sử dụng AI tạo sinh đã giảm gần 50% thời gian xử lý cuộc gọi của khách hàng.
Một số công ty dùng công nghệ AI để xây dựng phần mềm. GitHub CoPilot của Microsoft, công cụ viết code AI, có 1,3 triệu người đăng ký.Với sự trợ giúp của AI, startup Ấn Độ Konnectify cho ra mắt được 7 ứng dụng mỗi tháng thay vì 4.
CEO Chirantan Desai của ServiceNow - một công ty phần mềm kinh doanh - cho biết GitHub Copilot đã giúp năng suất của các nhà phát triển trong công ty ông tăng “gần 10%”.
Ảnh hưởng đến việc làm
Pinterest cho biết mức độ liên quan của các kết quả tìm kiếm trên mạng xã hội này đã cải thiện thêm 10 điểm % nhờ AI tạo sinh.
L’Oréal, một trong những hãng mỹ phẩm lớn nhất thế giới, thu hút sự chú ý của giới đầu tư khi dùng AI để cải tiến công cụ nội bộ dùng để đo lường và cải thiện hoạt động quảng cáo và khuyến mãi. L'Oréal tuyên bố AI tạo sinh giúp năng suất một số thương hiệu của họ tăng 10 - 15%.
Điều này không có nghĩa là các thương hiệu nói trên nên giảm 10 - 15% nhân sự. Cho tới nay, số việc làm do AI tạo ra có vẻ nhiều hơn số bị loại bỏ. Khảo sát tháng 11/2023 của ngân hàng Evercore ISI phát hiện rằng chỉ 12% doanh nghiệp tin là AI tạo sinh đã hoặc sẽ thay thế lao động con người trong vòng 12 tháng.
Một số công ty công nghệ đang ngừng tuyển dụng hoặc cắt giảm nhân sự vì AI, nhưng có rất ít bằng chứng cho thấy số vụ sa thải đang gia tăng ở các nước giàu.
AI tạo sinh cũng đang tạo ra những vị trí mới. Nestlé và KPMG đang tuyển dụng các “kỹ sư prompt” để khơi gợi phản hồi hữu ích từ chatbot AI. Một công ty bảo hiểm tuyển dụng “kỹ sư giải thích” để có thể hiểu kết quả đầu ra của hệ thống AI.
Khảo sát của IBM cho thấy nhiều công ty thận trọng trong việc áp dụng AI vì họ thiếu chuyên môn nội bộ về chủ đề này. Những người khác lo lắng rằng dữ liệu của họ quá rải rác và khó có thể tập hợp lại được.
Khoảng 25% chủ doanh nghiệp Mỹ cấm hoàn toàn việc sử dụng AI tại nơi làm việc, có thể là do lo ngại về tính an toàn của dữ liệu, chẳng hạn như nguy cơ rò rỉ tài sản trí tuệ cho các nhà sản xuất mô hình AI.