Tại sao Warren Buffett và Charlie Munger nói công nghệ AI bị 'thổi phồng' và không thể thay thế con người?
Trong đại hội đồng cổ đông của Berkshire Hathaway ngày 6/5 vừa qua, hai nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett và Charlie Munger đã chia sẻ những quan điểm của mình về AI (trí thông minh nhân tạo).
AI trở thành cụm từ được nhắc đến nhiều trong các báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2023 và là động lực cho đợt tăng giá cổ phiếu công nghệ vào năm 2023. Tuy nhiên, ông Buffett và người cộng sự Munger đều lập luận rằng có thể AI không mang tính bứt phá như nhiều người đã nghĩ.
Trong ĐHĐCĐ của Berkshire Hathaway, một khán giả đã đặt câu hỏi cho Phó Chủ tịch Munger rằng liệu công nghệ AI có mang lại tác động tích cực đến chứng khoán, thị trường và xã hội hay không.
Phó Chủ tịch Munger nói: “Cá nhân tôi hoài nghi về sự cường điệu dành cho trí thông minh nhân tạo. Tôi nghĩ rằng trí thông minh kiểu cũ vẫn tốt”.
Ông Buffett ấn tượng với khả năng của AI, nhưng cho rằng sức mạnh của công nghệ này là đáng ngại. “Nhà tiên tri xứ Omaha” đã so sánh AI với bom hạt nhân. Tuy nhiên, ông Buffett cũng khẳng định rằng AI không thể thay đổi hành vi con người: “Einstein đã nói rằng bom nguyên tử đã thay đổi mọi thứ trên thế giới, ngoại trừ cách con người suy nghĩ”.
Ông cho công nghệ AI cũng "có thể thay đổi mọi thứ trên thế giới, ngoại trừ cách con người suy nghĩ và hành xử”. Vậy tại sao hai lão tướng hàng đầu trong làng đầu tư lại hoài nghi về triển vọng của AI?
Không như tưởng tượng
Theo Economist, một nghiên cứu của Goldman Sachs cho biết “việc áp dụng rộng rãi AI sẽ thúc đẩy mức tăng trưởng 7%, hoặc 7.000 tỷ USD trong GDP toàn cầu trong khoảng thời gian 10 năm”.
Tuy nhiên, thị trường tài chính lại kỳ vọng vào mức tăng trưởng khiêm tốn hơn. Trong năm qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực AI đã có kết quả kém hơn so với mức trung bình toàn cầu.
Nhìn lại lịch sử, ta có thể nhận ra rằng một công nghệ mới sẽ không thể mang lại thay đổi đáng kể trong nền kinh tế. Nhiều người cho rằng cuộc cách mạng công nghệ lần thứ nhất diễn ra do phát minh máy kéo sợi Jenny.
Trên thực tế, một loạt yếu tố như: sử dụng than tăng lên, quyền sở hữu tài sản được quy định rõ ràng hơn, sự xuất hiện của tinh thần khoa học … mới khiến cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra tại Anh và lan sang châu Âu.
Vào năm 1960, ông Robert Fogel đã công bố nghiên cứu đạt giải Nobel Kinh tế về đường sắt tại Mỹ. Nhiều người cho rằng đường sắt đã thay đổi bộ mặt của Mỹ, biến nước này từ một xã hội nông nghiệp trở thành một gã khổng lồ công nghiệp.
Nhưng trên thực tế, đường sắt không có nhiều tác động tới nền kinh tế, bởi công nghệ này thế chỗ đường thủy - có hiệu quả tương tự trong hoạt động vận tải. Theo tính toán của ông Fogel, thu nhập bình quân đầu người của Mỹ vào năm 1890 không bị ảnh hưởng nhiều nếu đường sắt chưa từng được phát minh.
Khó có một doanh nghiệp độc quyền
- TIN LIÊN QUAN
-
Khối tài sản gần 500 tỷ USD của ông vua dầu mỏ Rockefeller đã biến đi đâu? 22/01/2023 - 15:13
Công nghệ mới đôi khi tạo ra một nhóm nhỏ những người có sức mạnh kinh tế to lớn. John D. Rockefeller đã thành công nhờ ngành lọc dầu, Henry Ford với ngành ô tô. Ngày nay, Jeff Bezos hay Mark Zuckerberg đang kiếm bội tiền từ lĩnh vực công nghệ.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng chẳng bao lâu nữa, AI sẽ mang lợi nhuận khổng lồ. Các nhà phân tích từ Goldman Sachs ước tính trong trường hợp tốt nhất, AI có thể đem lại thêm 430 tỷ USD doanh thu phần mềm doanh nghiệp mỗi năm. Ngân hàng này ước tính 1,1 tỷ nhân viên văn phòng trên toàn cầu sẽ chi khoảng hơn 400 USD/người để sử dụng một số ứng dụng AI.
Tuy nhiên, 430 tỷ USD chỉ là một con số nhỏ về mặt vĩ mô. Hãy giả định rằng doanh thu hơn 400 tỷ USD trên được chuyển hoàn toàn thành lợi nhuận, và toàn bộ lợi nhuận nằm tại Mỹ.
Ngay cả trong những điều kiện trên, tỷ lệ lợi nhuận doanh nghiệp trước thuế của Mỹ chia cho GDP sẽ chỉ tăng từ 12% lên 14%. Con số này cao hơn nhiều so với trung bình dài hạn, nhưng vẫn thấp hơn quý II/2021, khi AI chưa trở thành cơn sốt như hiện nay.
Những khoản lợi nhuận này có thể rơi vào tay một tổ chức, chẳng hạn như OpenAI. Độc quyền thường xảy ra ở những ngành có chi phí cố định cao, hoặc khách hàng không có lựa chọn khác.
GPT-4 của OpenAI được cho là đã tiêu tốn khoảng 100 triệu USD để đào tạo. Ngoài ra, những đặc điểm độc quyền của OpenAI là những bí quyết và nguồn dữ liệu, cũng như lượng người dùng khổng lồ. Tuy nhiên, đặc điểm ngành AI khiến khó có doanh nghiệp nào có thể hoàn toàn thống trị.
Những sản phẩm AI hiện nay đều đang sử dụng một mô hình tương tự nhau, và khách hàng dễ dàng chuyển đổi. Nếu không muốn sử dụng chatbot của OpenAI, bạn có thể chuyển sang Bard của Google. Nếu không muốn dùng Dall-E, bạn có thể sử dụng AI của Bing, MidJourney, hoặc hàng chục, hàng trăm công cụ khác để tạo ra các bức tranh.
Phần lớn các đoạn mã của AI, cũng như mẹo và thủ thuật đang được cung cấp miễn phí trên mạng. Kết quả là những người nghiệp dư cũng có thể tạo ra mô hình AI cho riêng mình. Nhóm nghiên cứu của công ty đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz lập luận: “Ngày nay, dường như không có bất kỳ rào cản nào trong phát triển AI tạo sinh (generative AI)”.
Thông tin bị rò rỉ gần đây, được cho là từ Google, cũng cho kết luận tương tự: “Rào cản gia nhập để đào tạo và thử nghiệm [AI] đã giảm từ một tổ chức nghiên cứu lớn xuống chỉ còn một người, một buổi tối và một chiếc máy tính xách tay có cấu hình mạnh mẽ”.
Hiện đã có một vài công ty phát triển AI đạt trị giá hơn 1 tỷ USD. Tuy vậy, kẻ thắng đậm nhất trong thời đại AI lại là một doanh nghiệp phần cứng. Nvidia, gã khổng lồ sản xuất các bộ xử lý đồ họa (GPU) được sử dụng để đào tạo các mô hình AI, đang chứng khiến doanh thu từ mảng trung tâm dữ liệu tăng vọt.
AI khó thế chỗ con người
OpenAI đã ước tính rằng "khoảng 80% việc làm tại Mỹ sẽ có ít nhất 10% công việc bị ảnh hưởng bởi sự ra đời của LLM (mô hình ngôn ngữ lớn)". Đại học Princeton cũng tiến hành một nghiên cứu tương tự và cho thấy dịch vụ pháp lý, kế toán và du lịch dễ bị tác động nhất bởi AI.
Những dự báo ảm đạm này không hề mới mẻ. Vào những năm 2000, nhiều nhà kinh tế lo ngại ảnh hưởng từ hoạt động thuê ngoài đến người lao động tại những quốc gia giàu có. Vào năm 2013, hai nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford công bố rằng tự động hóa sẽ xóa sổ 47% việc làm tại Mỹ trong thập kỷ tiếp theo.
Tuy vậy, trái ngược với các dự báo trên, tỷ lệ thất nghiệp tại các quốc gia giàu có đã giảm còn một nửa trong thập kỷ qua. Những quốc gia có mức độ tự động hóa cao, như Nhật Bản, Singapore hay Hàn Quốc, cũng là những nước có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất.
AI vẫn sẽ thay thế con người trong một số công việc. Gần đây, IBM tuyên bố sẽ ngừng tuyển dụng, và thay thế gần 8.000 việc làm bằng AI. Tuy nhiên, lịch sử đã chỉ ra rằng, sự dịch chuyển việc làm diễn ra rất chậm chạp.
Hệ thống chuyển mạch điện thoại tự động— công nghệ thay thế cho nhân viên trực điện thoại—được phát minh vào năm 1892. Mãi đến năm 1921, Bell System mới xây dựng văn phòng hoàn toàn tự động đầu tiên.
Ngay cả sau cột mốc này, số lượng nhân viên trực điện thoại thủ công tại Mỹ vẫn tiếp tục tăng, đạt đỉnh vào giữa thế kỷ 20, với khoảng 350.000 người. Mãi tới những năm 1980, tức khoảng 90 năm sau khi công nghệ tự động hóa được phát minh, ngành nghề này mới gần như hoàn toàn bị xóa sổ.