|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Mỹ rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống ‘T+1’, liệu các thị trường khác có nối gót?

11:52 | 07/05/2024
Chia sẻ
Anh và châu Âu đang xem xét triển khai chu kỳ thanh toán lên T+1 như Mỹ, nhưng sẽ không thực hiện thay đổi cho đến ít nhất là năm 2025.

Biểu tượng của SEC tại trụ sở chính ở Washington. (Ảnh: Reuters). 

 

Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) đã quyết định rút ngắn chu kỳ thanh toán đối với các giao dịch chứng khoán từ hai ngày làm việc sau khi giao dịch xuống còn một ngày, bắt đầu từ 28/5.

Các nhà quản lý và người tham gia thị trường kỳ vọng việc chuyển sang “T+1” sẽ đem lại một số lợi ích như giảm rủi ro đối tác và tăng cường hiệu quả sử dụng vốn và ký quỹ. Hầu hết các thị trường khác trên thế giới vẫn áp dụng “T+2”.

Các nhà đầu tư Mỹ cho biết xử lý giao dịch nhanh hơn sẽ làm giảm rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản và thị trường. Chu kỳ “T+2” như hiện tại buộc các công ty chứng khoán phải thế chấp rất nhiều vốn trong thời gian hai ngày hoàn tất giao dịch, đặc biệt là trong giai đoạn biến động mạnh.

Dưới dây là một số thông tin về động thái của Mỹ và phản ứng của những thị trường khác, theo tổng hợp của Reuters:

Mỹ, Canada và Mexico

Cơn sốt cổ phiếu meme GameStop năm 2022 là nguyên nhân thúc đẩy Mỹ rút ngắn chu kỳ thanh toán chứng khoán. Trước đó vào năm 2017, Mỹ cũng đã đẩy nhanh chu kỳ thanh toán từ “T+3” xuống “T+2”.

Mỹ sẽ chính thức áp dụng “T+1” từ ngày 28/5, nhưng một số nước khác như Canada và Mexico sẽ bắt đầu hoàn tất các giao dịch trong một ngày làm việc kể từ 27/5.

Liên minh châu Âu

Liên minh châu Âu (EU) cũng muốn học theo Mỹ và chuyển sang “T+1” nhưng họ chưa công bố thời điểm thực hiện thay đổi.

Cơ quan Quản lý Chứng khoán và Thị trường châu Âu đang cân nhắc con đường tốt nhất và tham khảo ý kiến ​​của những người tham gia thị trường để hiểu rõ hơn các vấn đề, chi phí và lợi ích của việc chuyển đổi. Các nhà quản lý dự kiến sẽ công bố báo cáo cuối cùng vào cuối năm nay.

Các chuyên gia dịch vụ tài chính nhận định nỗ lực rút ngắn chu kỳ thanh toán của EU sẽ phức tạp hơn so với Mỹ do tính chất phân tán của giao dịch chứng khoán trong khu vực.

Hiệp hội Quản lý Tài sản và Quỹ châu Âu cảnh báo về nguy cơ thị trường gặp gián đoạn trong lúc điều chỉnh hoạt động để thích ứng với chu kỳ “T+1” của Mỹ. Hiệp hội chỉ ra rủi ro tỷ giá là nỗi lo ngại lớn.

Anh

Anh cũng đang xem xét đẩy nhanh chu kỳ thanh toán trong thị trường nội địa. Dự kiến thay đổi sẽ diễn ra trong năm 2025 hoặc 2026. Các nhà chức trách Anh đã thành lập tổ công tác đặc biệt vào đầu năm ngoái để xác định lợi ích và thách thức của “T+1”.

Dự kiến các nhà chức trách sẽ hoàn tất báo cáo nội bộ trong nửa đầu năm và công bố kết luận vào cuối năm.

Châu Á

Ấn Độ hiện đã áp dụng “T+1” và đang nhắm đến việc nâng cấp lên “T+0”. Thị trường chứng khoán Trung Quốc áp dụng “T+0” đối với cổ phiếu và “T+1” với tiền mặt. Điều này có nghĩa là việc chuyển đổi quyền sở hữu cổ phiếu diễn ra cùng ngày với giao dịch, nhưng phải sang ngày tiếp theo tài khoản của người mua hoặc bán mới bị trừ hoặc được cộng tiền.

Việt Nam, giống như hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á khác, áp dụng chu kỳ “T+2”. Các thị trường châu Á đang chờ đợi và xem xét diễn biến tại những thị trường sắp chuyển sang “T+1”.

 

Giang