|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Báo cáo việc làm tháng 4 nhen nhóm hy vọng Fed hạ lãi suất vào cuối mùa hè

07:59 | 06/05/2024
Chia sẻ
Báo cáo tháng 4 của Bộ Lao động Mỹ cho thấy nền kinh tế lớn nhất thế giới vừa có thêm 175.000 việc làm, trong khi tỷ lệ thất nghiệp nhích nhẹ lên 3,9%.

Báo cáo việc làm tháng 4 làm nhen nhóm hy vọng Chủ tịch Fed Jerome Powell và các đồng nghiệp sẽ sớm giảm lãi suất. (Ảnh minh hoạ: MarketWatch/Getty Images, iStock).

Tăng trưởng việc làm đã chững lại và tỷ lệ thất nghiệp đã tăng cao hơn trong tháng 4, qua đó phá vỡ chuỗi dữ liệu cho thấy sức mạnh đáng kinh ngạc của thị trường lao động Mỹ.

Theo báo cáo mới của Bộ Lao động, các doanh nghiệp đã tạo thêm 175.000 việc làm trong tháng 4. Con số này thấp hơn kết quả 315.000 của tháng 3 và cũng thấp hơn ước tính 240.000 của các nhà kinh tế.

Bản báo cáo khiến nhà đầu tư nuôi hy vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối mùa hè năm nay vì lo ngại về một nền kinh tế quá nóng đã dịu bớt.

Tuy vậy, triển vọng chính sách trong ngắn hạn của Fed sẽ không thay đổi đáng kể, vì Bộ Lao động sẽ công bố thêm một báo cáo việc làm khác trước thềm cuộc họp ngày 11 - 12/6.

Các nhà giao dịch cho biết xác suất Fed hạ lãi suất vào tháng 7 đã tăng cao hơn một chút sau báo cáo việc làm tháng 4, dù vẫn dưới mốc 50%. Theo CME Group, khả năng Fed hạ lãi suất vào tháng 9 đã tăng lên 70%.

Theo nhận định của các nhà phân tích, báo cáo việc làm tháng 4 cho thấy thị trường lao động đang hạ nhiệt nhưng không báo hiệu sự suy yếu nghiêm trọng về tình hình tuyển dụng.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ mức 3,8% của tháng 3 lên 3,9%. Tiền lương cũng tăng ít hơn dự đoán, đi lên 3,9% so với cùng kỳ năm trước. Hồi tháng 3, tiền lương của người lao động đi lên 4,1% so với cùng kỳ.

Tăng trưởng việc làm trên diện rộng đã chững lại. Các lĩnh vực từng tạo ra nhiều việc làm mới như chính phủ, giải trí và khách sạn và xây dựng đều ghi nhận sự hạ nhiệt.

 

“Một tốc độ bền vững hơn nhiều”

Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhiều lần cho biết ông rất vui khi thị trường lao động vẫn ở trạng thái tốt và lạm phát có thể quay trở lại mức mục tiêu 2% mà không khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng mạnh.

Mặc dù vậy, số liệu lạm phát nóng hơn dự kiến trong ba tháng đầu năm đã làm giảm sự lạc quan trước đó rằng nền kinh tế Mỹ đang trên đà hạ cánh mềm, hay nói cách khác là lạm phát quay về mức 2% mà không xảy ra suy thoái.

Một số nhà kinh tế lo lắng rằng sức mạnh của thị trường lao động có thể giữ lạm phát ở mức cao khi ngăn tăng trưởng tiền lương giảm tốc.

Nhà kinh tế Thomas Simons của ngân hàng Jefferies cho biết mức tăng việc làm trong tháng 4 có thể được coi là đáng thất vọng khi so với số liệu những tháng trước, nhưng “đây là một tốc độ bền vững hơn nhiều”.

“Tôi nghĩ đây có lẽ là điều mà Fed muốn thấy”, ông Simons nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Wall Street Journal.

Trước báo cáo việc làm mới, dữ liệu các tháng qua cho thấy một thị trường lao động ổn định hơn. Bất chấp việc Fed tăng mạnh lãi suất để chống lạm phát, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng với tốc độ cao, tỷ lệ thất nghiệp chỉ tăng ở mức khiêm tốn.

Các nhà kinh tế từng lưu ý rằng các điều kiện trên thị trường lao động có thể sẽ thay đổi nhanh chóng. Trong quá khứ, tình trạng thất nghiệp từng gia tăng mà không có nhiều dấu hiệu cảnh báo.

Nhu cầu lao động đã dịu bớt, thể hiện bằng mức giảm của số cơ hội việc làm và tỷ lệ người lao động tự nguyện rời bỏ công việc của mình.

Thị trường việc làm lành mạnh giúp công việc của Fed trở nên dễ dàng hơn, cho phép các quan chức tập trung vào lạm phát. Ở cuộc họp tuần trước, ngân hàng trung ương Mỹ đã giữ nguyên lãi suất trong phạm vi 5,25 - 5,5%, cao nhất trong hơn hai thập kỷ.

Ở cuộc họp báo sau đó, ông Powell lần nữa cho biết do các dữ liệu lạm phát gần đây, Fed nhiều khả năng sẽ mất nhiều thời gian hơn trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Song, ông cũng phát tín hiệu rằng Fed khó có thể tăng lãi suất trở lại. Chủ tịch Fed còn đề cập đến việc các quan chức sẵn sàng hạ lãi suất để đối phó với “sự suy yếu bất ngờ của thị trường lao động”, nhưng tỷ lệ thất nghiệp có thể phải tăng mạnh.

“Tỷ lệ thất nghiệp tăng vài chục điểm cơ bản có lẽ không thể buộc Fed phải hành động”, ông Powell nói.

 

Cẩn trọng với mối đe doạ

Nhiều nhà phân tích cho biết mức tăng việc làm thời gian qua vượt quá mong đợi một phần là do dân nhập cư gia tăng. Một số việc làm mới có thể là kết quả khi dân số đông hơn, chứ không phải doanh nghiệp rất cần nhân công.

Kết quả là, một số người đã chú ý hơn vào tỷ lệ thất nghiệp, thước đo có tính đến quy mô lực lượng lao động.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp cũng có những hạn chế vì chỉ số này dựa vào các cuộc khảo sát nhỏ hơn và có xu hướng biến động từ tháng này qua tháng khác hơn so với số liệu việc làm.

Song, nhiều chỉ số khác đều cho thấy bây giờ là thời điểm tốt để giữ công việc hiện tại hoặc tìm kiếm công việc mới. Đây là một bất ngờ lớn trong bối cảnh Fed đã tăng mạnh lãi suất kể từ đầu năm 2022.

Để lý giải hiện tượng trên, một số nhà phân tích cho rằng doanh nghiệp đang ngại sa thải nhân viên hơn sau khi gặp khó khăn về tuyển dụng trong giai đoạn nền kinh tế phục hồi hậu COVID.

Thay vì sa thải nhiên viên, doanh nghiệp đã bảo toàn biên lợi nhuận bằng cách tăng năng suất, rút ngắn thời gian làm việc hoặc tìm kiếm nhân viên thời vụ. Chi tiêu của chính phủ cho các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng xanh cũng giúp bơm tiền vào nền kinh tế.

Trong khi các nhà đầu tư ăn mừng về báo cáo việc làm tháng 4, các nhà phân tích cảnh báo rằng rủi ro vẫn tồn tại. Thị trường lao động có thể hạ nhiệt quá mức.

Báo cáo mới chỉ ra, số giờ làm việc trung bình hàng tuần của người lao động trong khu vực tư nhân đã giảm nhẹ, bên cạnh việc tăng trưởng tiền lương giảm tốc.

Ông Brian Rose, nhà kinh tế cấp cao của UBS Global Wealth Management, cho biết tổ hợp đó có thể ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng - động lực thúc đẩy nền kinh tế Mỹ.

“Các hộ gia đình không thể nào chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được hoặc chi tiêu tăng nhanh hơn thu nhập. Báo cáo tháng 4 cho thấy sự suy yếu của thu nhập”, ông lưu ý.

 

Khả Nhân