|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế khó của Trung Quốc: Kích thích kinh tế thế nào khi tăng trưởng xuống thấp kỉ lục?

17:03 | 16/07/2019
Chia sẻ
Chiến lược kích thích kinh tế thông qua cắt giảm thuế và phí của các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã không thể ngăn tăng trưởng chững lại. Điều này đã làm dấy lên kì vọng rằng Bắc Kinh sẽ đưa ra nhiều ưu đãi tài chính hơn, chẳng hạn như nới lỏng điều kiện tín dụng để kích thích doanh nghiệp và người tiêu dùng chi tiêu.
1

Ảnh: AP

Sau khi duy trì ổn định ở mức 6,4% trong hai quí trước, tăng trưởng GDP của Trung Quốc đã giảm xuống 6,2% trong quí II/2019, theo số liệu thống kê chính thức được công bố hôm 15/7.

Nền kinh tế Trung Quốc chỉ phục hồi khiêm tốn vào tháng 6. Trong khi đó, nhiều dấu hiệu cho thấy hoạt động kinh doanh vẫn chật vật trong quí II.

1

Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Theo Wall Street Journal, chi tiêu tiêu dùng, điều mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc hi vọng sẽ hỗ trợ tăng trưởng, đang thêm "khoảng xám" vào bức tranh nhu cầu nguội lạnh ở đất nước tỉ dân.

Dữ liệu tăng trưởng quí II cũng cho thấy khoản kích thích kinh tế gần 2.000 tỉ nhân dân tệ (291 triệu USD) mà Thủ tướng Lý Khắc Cường giới thiệu vào tháng 3 đã không khiến cho các chủ doanh nghiệp giảm bớt lo ngại rủi ro.

"Tôi không nói kích thích kinh tế không phát huy tác dụng, tuy nhiên nó không mang lại ảnh hưởng lớn như mọi người mong đợi", nhà kinh tế học Bo Zhuang tại công ty nghiên cứu TS Lombard nhận định.

Tranh chấp thương mại với Mỹ đang kéo nền kinh tế Trung Quốc đi xuống và tạo ra một môi trường kinh doanh bất ổn.

Để tránh vòng thuế quan mới nhất của Tổng thống Donald Trump, một số nhà sản xuất đã chuyển hoạt động sang nước khác, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ thất nghiệp gia tăng và nhu cầu tiêu dùng suy giảm.

Foshan Gaoming Xingnuo Machine Equipment, công ty chuyên sản xuất thiết bị dùng trong ngành dược phẩm, hóa chất và cao su, được kì vọng sẽ hưởng lợi từ đợt cắt giảm thuế giá trị gia tăng hồi tháng 4.

Thuế suất của công ty này đã giảm từ 16% xuống 13%, tuy nhiên khách hàng cũng đòi hạ giá sản phẩm. Ngoài ra, Foshan vẫn phải cắt giảm đầu tư trong năm nay vì doanh thu và lợi nhuận giảm, theo quản lí Liang Yongwen của công ty.

Rất nhiều khách hàng cũ đã cắt giảm hoặc hủy đơn hàng trong năm nay bởi doanh nghiệp của họ phải thu hẹp hoạt động mua sắm thiết bị hoặc ngừng mở rộng dây chuyền sản xuất, ông Liang nói thêm tại một cuộc triển lãm thương mại gần đây ở Bắc Kinh.

Mặc dù Bắc Kinh đã nhiều lần tuyên bố họ sẽ không làm bơm tín dụng ồ ạt, một số nhà kinh tế cho hay ngày càng có nhiều khả năng nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc sẽ sử dụng các biện pháp trên diện rộng để đảm bảo cho nền kinh tế ổn định.

Những biện pháp này gồm kích thích tài khóa và tiền tệ, vốn có nguy cơ làm tăng mức nợ.

Các nhà hoạch định chính sách có thể hạ lãi suất, nới lỏng hạn chế cho vay đối với chính quyền địa phương và giảm bớt hạn chế đối với việc mua nhà ở thành phố lớn.

Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc có thể kích thích tiêu dùng thông qua trợ cấp để tăng cường mua ô tô, đồ gia dụng và các mặt hàng có giá trị lớn khác.

Tuy nhiên, có một số vấn đề khiến nỗ lực kích thích kinh tế trở nên phức tạp. Tổng nợ đã tăng lên mức hơn 40.000 tỉ USD trong quí I/2019 (tương đương 304% GDP Trung Quốc, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế).

Trong cùng quí này, Trung Quốc là một trong những quốc gia có tỉ lệ nợ tăng cao nhất trong số các thị trường mới nổi. Vào năm 2018, tỉ lệ nợ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã chạm mốc 298%.

Các nhà phân tích nhận định, Bắc Kinh muốn các ngân hàng hạ thấp lãi suất cho vay nhưng chính phủ nhiều khả năng sẽ không cắt giảm lãi suất chuẩn.

Thay vào đó, họ có thể cắt giảm lãi suất cho các ngân hàng vay vốn từ ngân hàng trung ương cũng như lượng dự trữ mà những ngân hàng này đang nắm giữ.

Mặc dù các nhà hoạch định chính sách đã nới lỏng biện pháp kiểm soát tín dụng, nhà kinh tế Larry Hu tại Macquarie Group cho biết Bắc Kinh phải nỗ lực nhiều hơn nữa để tăng trưởng tín dụng bền vững.

Ông Hu cho hay, các nhà hoạch định chính sách phải tạo ra nhu cầu tín dụng giả bằng cách nới lỏng lĩnh vực bất động sản.

Nhiều công ty hợp tác với Mỹ hiện đang dễ bị tổn thương trước diễn biến của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vì tâm lí kinh doanh của họ bị đè nặng.  

Theo nhân viên bán hàng Sun Xiaodong, nhà sản xuất pin Zhongyin Battery ở Ninh Ba từng vui mừng về số lượng đơn hàng tăng sau khi Mỹ công bố mức thuế quan cao hơn đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc, bao gồm cả sản phẩm của công ty.

Tuy nhiên, niềm vui đã tắt khi mức thuế quan 25% bắt đầu. "Khách hàng không muốn trả giá cao", ông Sun nói.

Tiêu dùng đóng góp 60% vào tăng trưởng kinh tế trong nửa đầu năm, giảm từ mức 76% trong cả năm 2018.

Nền kinh tế Trung Quốc đã được thúc đẩy nhờ thặng dư thương mại tăng. Đây là một xu hướng mà các nhà phân tích không hi vọng sẽ tiếp tục, vì xuất khẩu sẽ chững lại so với nhập khẩu.

Nếu Bắc Kinh không tìm được công cụ chính sách phù hợp, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng sẽ dần giảm xuống mức thấp hơn trong phạm vi mục tiêu 6 - 6,5% của năm 2019.

"Nhu cầu nội địa ở Trung Quốc đang đi xuống", ông Zhuang cho hay và dự đoán tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong nửa cuối năm là 6,1%.

Tăng trưởng trong hoạt động đầu tư tài sản cố định đã giảm từ mức 6,3% (quí I/2019) xuống 5,8% trong nửa đầu năm, suy yếu trên mọi lĩnh vực, bao gồm cả bất động sản và cơ sở hạ tầng.

Tăng trưởng trong đầu tư sản xuất cũng giảm từ 4,6% (quí I) xuống 3% trong nửa đầu năm 2019.

Khủng hoảng niềm tin kinh doanh là nguyên nhân khiến nhu cầu đi xuống. Một cuộc khảo sát do công ty nghiên cứu tư nhân IHS Markit cho thấy niềm tin kinh doanh và kì vọng tuyển dụng trong tháng 6 đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2009.

Chưa đến một phần mười trong khoảng 7.000 người tham gia dự đoán hoạt động kinh doanh sẽ khởi sắc trong 12 tháng tới, vì họ nhận thấy lợi nhuận sẽ đi ngang.

Yên Khê