|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc thấp nhất 27 năm

08:47 | 15/07/2019
Chia sẻ
Đúng như dự báo của các chuyên gia, tăng trưởng GDP quí II của Trung Quốc chạm mức thấp nhất trong 27 năm qua, cho thấy đất nước tỉ dân có thể cần tăng cường kích thích kinh tế để hạn chế tác động của cuộc chiến thương mại với Mỹ.

Cục thống kê Trung Quốc vừa cho biết tăng trưởng GDP quí II/2019 so với cùng kì năm ngoái chỉ đạt 6,2%, mức thấp nhất trong 27 năm qua. 

Diễn biến này đánh dấu bước giảm tốc tiếp theo của nền kinh tế Trung Quốc sau khi tăng trưởng quí I chỉ đạt 6,4%. Tăng trưởng của cả năm 2019 được dự báo sẽ chỉ còn 6,2% - mức thấp nhất trong gần ba thập kỉ qua.

Những người làm chính sách Trung Quốc có thể sẽ đưa ra các biện pháp hỗ trợ nhằm ngăn chặn tình trạng thất nghiệp hàng loạt và kéo theo sự bất ổn trong xã hội. 

Tuy nhiên các nhà phân tích cho rằng những biện pháp hỗ trợ mạnh tay sẽ vướng phải nhiều hạn chế bởi lo ngại khối nợ vốn đã lớn sẽ tiếp tục phình to và các rủi ro liên quan tới cấu trúc toàn nền kinh tế.

"Bóng đen bao phủ nền kinh tế Trung Quốc sẽ chưa thể bay đi trong một sớm một chiều do những thách thức từ cả trong nước lẫn quốc tế", các nhà phân tích của ngân hàng ANZ nhận định.

Theo khảo sát của Reuters trước đó, các chuyên gia dự đoán GDP quí II của Trung Quốc nhiều khả năng chỉ tăng trưởng 6,2% so với cùng kì năm ngoái – mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu có thống kê số liệu vào quí I/1992.

Chính phủ Trung Quốc gần đây dựa ngày càng nhiều vào các gói kích thích tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng. 

Cụ thể, Trung Quốc lên kế hoạch cắt giảm thuế trị giá gần 2.000 tỉ nhân dân tệ (291 tỉ USD) và ra hạn mức (quota) phát hành trái phiếu đặc biệt tổng trị giá 2.150 tỉ nhân dân tệ cho các chính quyền địa phương để đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng.

china

Công nhân xây dựng Trung Quốc. Ảnh minh họa: Reuters.

Tuy nhiên nền kinh tế phản ứng khá chậm chạp, và lòng tin của doanh nghiệp đang lung lay gây ảnh hưởng tới đầu tư. Các nhà đầu tư lo ngại một cuộc chiến thương mại kéo dài với Mỹ có thể kéo nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Thứ Sáu vừa qua, Trung Quốc công bố kim ngạch xuất khẩu tháng 6 cho thấy sự sụt giảm mạnh sau khi Mỹ nâng thuế đối với hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ. Kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc cũng giảm mạnh hơn dự kiến, thể hiện sức cầu nội địa suy yếu.

Tuy vậy, số liệu cho vay ngân hàng và dư nợ tín dụng vẫn khá vững chắc.

Một thống kê chính thức về hoạt động của các nhà máy Trung Quốc vào tháng 6 cho thấy các nhà sản xuất nước này đang cắt giảm việc làm với tốc độ nhanh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 trở lại đây.

Các nhà đầu tư đang kì vọng ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) có thể sẽ nới lỏng tiền tệ trong tương lai gần.

Thủ tướng Trung Quốc Lí Khắc Cường từng tuyên bố trong tháng 7 này rằng Trung Quốc sẽ giảm tỉ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) và các công cụ tài chính khác để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ đồng thời tái khẳng định sẽ không sử dụng biện pháp kích thích tài khóa quá đà.

Y Vân