Thế giới phải đối phó với Trung Quốc theo cách mới
Giới lãnh đạo dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình tin Trung Quốc hiện tại mạnh đến mức nước này có thể áp dụng chương trình nghị sự riêng ở cả trong và ngoài nước vì quyền lực của Bắc Kinh đã chạm đến ngưỡng có thể chịu được bất kì hình phạt nào.
Trung Quốc đã áp đặt luật an ninh quốc gia mới với Hong Kong bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế, đụng độ quân sự chết người ở biên giới với Ấn Độ và áp dụng chính sách ngoại giao hung hăng trong đại dịch COVID-19.
Đây chỉ là một số ví dụ mới nhất cho thấy chính sách của phương Tây đã gần như thất bại trong việc định hình, làm chậm hoặc ngăn chặn Bắc Kinh, Bloomberg nhận định.
Khi Mỹ ưu tiên "nước Mỹ trên hết" và các kiến trúc đa phương dựa trên giá trị bị suy yếu, các nước lại ngày càng nhận ra họ cần tư duy lại.
Cho đến nay, chiến lược của cộng đồng quốc tế chủ yếu ngả theo hai hướng: Hi vọng Trung Quốc trở thành một nhân tố tốt đẹp hơn bằng cách kéo nước này vào các hệ thống qui tắc và tổ chức toàn cầu, hoặc cố gắng ngăn chặn Trung Quốc bằng áp lực kinh tế và quân sự.
Ông Fernando Cheung - một nhà lập pháp dân chủ tại Hong Hong, cho hay: "Chính sách mở của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc có chủ đích và theo hướng đôi bên cùng có lợi. Mỹ và EU hi vọng Trung Quốc sẽ tham gia hoặc ít nhất là học cách tuân thủ trật tự của thế giới tự do".
"Tuy nhiên, với tiềm lực kinh tế và quân sự ngày càng vững mạnh, rõ ràng ông Tập Cận Bình nghĩ rằng trật tự dưới quyền kiểm soát của Bắc Kinh mới là phương án vượt trội", ông Cheung nói tiếp.
Khi đại dịch COVID-19 buộc các nước thảo luận nhiều về Trung Quốc, "vấn đề ở đây là họ thiếu đoàn kết và hợp tác, các chính phủ có cùng chí hướng chưa chắc đã có cùng quan điểm khi giải quyết thách thức Trung Quốc đặt ra", ông Bates Gill - giáo sư chuyên ngành an ninh châu Á - Thái Bình Dương tại Đại học Macquarie (Sydney), nhận định.
Ngoài ra, rạn nứt mà ông Trump mở ra với các nước đồng minh lâu đời của Mỹ cũng cản trở sự hình thành một liên minh thống nhất để đối phó với Trung Quốc.
Giáo sư Gill nói: "Các khối cơ bản của một chiến lược kiềm chế Trung Quốc như hoạt động đa phương, tôn trọng đồng minh và cam kết thực hiện một bộ chính sách đáng tin cậy, có thể dự đoán và đã qua cân nhắc cẩn thận giúp điều chỉnh đường lối, công cụ và giới hạn lại không nằm trong đường lối chiến lược của chính quyền ông Trump".
Trong phần lớn nhiệm kì hiện tại, ông Trump đã cố gắng tránh chỉ trích Trung Quốc vì vi phạm nhân quyền, xoay qua đổi lại giữa một cuộc chiến thương mại và công khai ca ngợi ông Tập.
Giờ đây, Mỹ lại đẩy mạnh các biện pháp trừng phạt đối với Huawei Technologies và các quan chức hàng đầu Trung Quốc cũng như yêu cầu truyền thông nhà nước Trung Quốc đăng kí với chính phủ Mỹ.
Ông Thời Ân Hoằng - cố vấn của Bắc Kinh kiêm giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nói: "Đối với Bắc Kinh, tuân thủ các ưu tiên trong nước như kiên quyết áp dụng luật an ninh quốc gia Hong Kong, tự lực về công nghệ cao và giữ vững hệ thống chính trị mặc sự tấn công từ Washington chính là biện pháp trả đũa chính quyền ông Trump hay nhất".
Các quan chức từ nhiều nước cho biết giải pháp duy nhất để đối phó với Trung Quốc là liên kết với nhau, dù Mỹ có tham gia hay không.
Theo Bloomberg, các nước đang bắt đầu hành động như vậy theo hướng mới mẻ và thú vị, đặc biệt là các cường quốc bậc trung như Australia, Canada, Ấn Độ và Anh. Các nước này vốn từ lâu đã phải chật vật cân bằng sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc với mối lo ngại chiến lược về hành động của Bắc Kinh.
Theo một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ và hai nhà ngoại giao phương Tây ở Trung Quốc, Washington đang cố gắng sửa chữa một số mối quan hệ: Giới ngoại giao Mỹ đang tìm cách tập hợp đồng minh ở châu Á và các nơi khác.
Mỹ kêu gọi các nước này giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc bằng cách dịch chuyển chuỗi cung ứng, đồng thời hạn chế dòng vốn đầu tư của Mỹ vào các ngành công nghệ và sản xuất hiện đại tại đất nước tỉ dân.
Gần đây, Australia, Canada và Anh đã đưa ra tuyên bố chung bên cạnh Mỹ nhằm lên án hành vi siết chặt quyền kiểm soát của Trung Quốc với Hong Kong. Một nhà ngoại giao phương Tây mô tả hướng tiếp cận đoàn kết chống lại Bắc Kinh là "thực tế bình thường mới".
Sau cuộc đụng độ ở biên giới hồi tháng 6, các quan chức Ấn Độ cho biết họ dự định mời Australia, Nhật Bản và Mỹ tham gia tập trận hải quân hàng năm, cho thấy tiến triển mới về quan hệ của các nước trong Bộ tứ kim cương.
Tuy nhiên, chiến lược này không dễ hái quả ngọt. Một số diều hâu trong chính quyền ông Trump vẫn muốn khiến Bắc Kinh suy yếu như Liên Xô trong quá khứ nhưng các nước khác khó lòng ủng hộ.
Trong một cuộc gặp gần đây với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông Josep Borrell - Cao ủy EU về chính sách đối ngoại và an ninh cho hay hai bên đã trao đổi sâu và tập trung vào vấn đề Trung Quốc.
Tuy nhiên, một quan chức thân cận với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cảnh báo EU không nên trở thành trung gian giữa Washington và Bắc Kinh, một phần vì châu Âu có chương trình nghị sự và đề xuất riêng.
Ngoài ra, từ châu Phi đến Đông Nam Á - những khu vực chính quyền ông Trump và nhà đầu tư Mỹ thường phớt lờ, chính sách ngoại giao kinh tế của Trung Quốc, đơn cử như Sáng kiến Vành đai và Con đường, khiến các nước ở đây khó lòng từ bỏ mối quan hệ giá trị với Bắc Kinh.
Chẳng hạn, Trung Quốc đang là đối tác thương mại lớn nhất của châu Phi, thương mại song phương năm 2019 đạt hơn 208 tỉ USD - gấp hơn 3 lần của châu Phi với Mỹ. Đầu tư của Trung Quốc vào lục địa đen cũng thường không đi kèm điều kiện như các nhà tài trợ phương Tây.
Ở khía cạnh nào đó, cách tiếp cận của ông Trump với Trung Quốc đã tạo ra một vòng luẩn quẩn. Bloomberg dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết một số người lo ngại rằng hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bị kẹt trong một vòng lặp "ăn miếng trả miếng" khiến hai bên đều thiệt hại.
Một số đồng minh cũng mệt mỏi khi bị các quan chức Mỹ dạy phải làm gì với Huawei và cảm thấy các diễn đàn đa phương giờ đây chủ yếu nhắc đến quan hệ đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc.
Mặc dù những nỗ lực tăng cường hợp tác, lập liên minh ở Quốc hội Mỹ và nhóm G7 của ông Trump đóng vai trò rất quan trọng, ông lại không thể "giành được trái tim châu Âu như với liên minh tình báo Five Eyes (Ngũ Nhãn)", bà Alicia Garcia Herrero - nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại ngân hàng Pháp Natixis cho hay.
Bà Herrero nói chiến lược trên nhiều khả năng sẽ thành công dưới thời ông Joe Biden - đối thủ hàng đầu của ông Trump trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Ông Charles Liu - cựu nhà ngoài giao kiêm nhà sáng lập Hao Capital cho hay vai trò của Trung Quốc trong sản xuất toàn cầu và lợi ích của các đồng minh phương Tây cũng khiến ông Trump khó có thể thuyết phục các nước hoàn toàn tách rời khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/