|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Thế giới dõi theo ông Biden sau khi Trung Quốc gia nhập RCEP

15:47 | 16/11/2020
Chia sẻ
Công chúng đang đổ dồn sự chú ý vào chính quyền ông Biden sau khi đối thủ số một của Mỹ là Trung Quốc kí kết thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới - RCEP.

Năm ngoái, khi đề cập đến vấn đề thương mại, ông Joe Biden (bấy giờ đang là ứng viên tranh cử tổng thống Mỹ) từng cảnh báo: "Mỹ hoặc Trung Quốc, chỉ một trong hai nước có thể định hình qui tắc thương mại cho thế kỉ 21".

Sau khi Trung Quốc và 14 quốc gia châu Á - Thái Bình Dương khác kí kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), Nikkei nhận định ông Joe Biden sẽ phải nhanh chóng hành động sau khi nhậm chức.

Theo dự kiến, RCEP sẽ tạo nên một thị trường lớn với qui mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu. Tuy nhiên, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới, lại không phải là một phần của RCEP.

Trước đây, chính quyền Tổng thống Trump đã rút ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một nhóm thương mại tự do không bao gồm Trung Quốc. Ông Biden cho biết ông sẽ cố gắng đàm phán lại TPP, song không cam kết sẽ tái gia nhập hiệp định này.

Năm 2016, áp lực trong nước đã khiến ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton tránh né đề cập đến TPP. Dưới chủ trương "Nước Mỹ trên hết" của Tổng thống Trump, Washington cũng không mặn mà mấy với việc tham gia các hiệp định đa phương của châu Á.

Sau khi Mỹ rời đi, 11 thành viên còn lại của TPP đã kí kết Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào tháng 3/2018.

Trong một tuyên bố chung, 15 nước RCEP cho hay: "Chúng tôi tin tưởng RCEP, thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới, là một bước tiến quan trọng hướng đến một khuôn khổ luật lệ lí tưởng cho thương mại và đầu tư toàn cầu".

Trung Quốc đã có một số thỏa thuận thương mại tư do riêng với ASEAN và Australia nhưng cho đến nay, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới luôn tránh xa các hiệp định thương mại khu vực lớn như TPP.

Chia sẻ về buổi kí kết RCEP, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường bày tỏ: "RCEP không chỉ là thành tựu to lớn trong hợp tác khu vực Đông Nam Á mà quan trọng hơn, hiệp định này là một chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do".

Theo chuyên gia Sugawara của Viện Nghiên cứu Mizuho, tác động của RCEP nhỏ hơn so với TPP khi RCEP chỉ loại bỏ 91% thuế quan hiện có, trong khi TPP dỡ bỏ đến 99,9% thuế quan. Song, ông Sugawara nhận định, "RCEP lại không hề nhỏ khi có thể kéo Trung Quốc vào các qui tắc thương mại chung".

Đáng chú ý, cũng theo điều khoản của RCEP, các khoản thuế mà Nhật Bản áp dụng đối với giao dịch thương mại với Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ được dỡ bỏ.

Theo đó, lượng mặt hàng phi thuế quan từ Nhật Bản sang Trung Quốc sẽ tăng từ mốc 8% hiện tại lên 86% và sang Hàn Quốc tăng từ 19% lên 92%.

Đối với phụ tùng ô tô, 87% sẽ được miễn thuế. Sản phẩm thép (bị áp thuế 3 - 6%) và máy kéo nông nghiệp (hiện chịu mức thuế 6%) sẽ được miễn thuế khi RCEP có hiệu lực.

Các nhà sản xuất phụ tùng ô tô của Nhật Bản rất hoan nghênh hiệp định RCEP. Nikkei dẫn lời đại diện của Akebono Brake, công ty chuyên xuất khẩu má phanh chủ lực sang Trung Quốc, cho biết việc loại bỏ thuế quan sẽ trực tiếp hạ giá thành sản phẩm.

Ông Hiroto Suzuki, đối tác của công ty tư vấn Arthur D. Little, cho hay: "Các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản đang tăng cường chia sẻ linh kiện ô tô giữa các nhà máy trên khắp châu Á. Hiệp định RCEP sẽ giúp họ củng cố chuỗi cung ứng trong khu vực".

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc thường không muốn mở cửa thị trường nội địa. Song gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã thay đổi chiến lược thương mại. Việc thị trường tỉ dân chấp nhận mở cửa với thế giới bên ngoài xuất phát từ căng thẳng thương mại với Mỹ.

Nhận thấy mâu thuẫn khó có thể giảm bớt dưới thời chính quyền ông Biden, Bắc Kinh đã tìm cách tăng cường quan hệ với các nước láng giềng châu Á để tránh bị cô lập trên trường quốc tế.

Thế giới dõi theo kế hoạch TPP của ông Biden sau khi Trung Quốc gia nhập RCEP - Ảnh 1.

Công chúng đang đổ dồn sự chú ý vào chính quyền ông Biden sau khi đối thủ số một của Mỹ là Trung Quốc kí kết thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. (Ảnh: AP)

Ông Biden bị đặt vào thế khó

Mỹ dường như đang đứng ở ngã ba đường. Khi còn là Phó Tổng thống trong chính quyền ông Obama, ông Biden từng ủng hộ hiệp định TPP. Sự ra đời của RCEP có thể thổi bùng một cuộc tranh luận mới tại Mỹ về các hiệp định thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, trong chương trình nghị sự năm 2020, Đảng Dân chủ của ông Biden tuyên bố: "Chúng tôi sẽ không đàm phán bất kì thỏa thuận thương mại mới nào trước khi đầu tư vào năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Mỹ trên sân nhà".

Tổng thống đắc cử Joe Biden cũng nhấn mạnh lập trường "mua hàng hóa Mỹ" trong các chính sách mà ông đề cập trước đó, cho thấy chính quyền của ông Biden sẽ ủng hộ chủ nghĩa bảo hộ hơn.

Nguồn tin thân cận với Đảng Dân chủ của Nikkei cho biết các cuộc đàm phán thương mại đầy tham vọng như TPP sẽ bị gác lại ở thời điểm hiện tại.

Bà Wendy Cutler, Phó Đại diện Thương mại Mỹ dưới thời Tổng thống Obama và từng tham gia đàm phán TPP, gọi lễ kí kết RCEP là "một lời cảnh tỉnh khác cho Mỹ về vấn đề thương mại".

"Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ tuyên bố thắng lợi sau khi kết kết hiệp định RCEP", South China Morning Post dẫn lời bà Cutler nhấn mạnh.

"Ngay từ đầu, Trung Quốc là nước thúc đẩy RCEP. Sau khi Mỹ rút khỏi sân khấu khu vực châu Á và theo đuổi chính sách thương mại dựa trên chủ nghĩa đơn phương, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã sử dụng khoảng trống đó để miêu tả Bắc Kinh là đối tác đáng tin cậy, có thể giúp các nước khác phát triển kinh tế, thương mại và đầu tư", bà Cutler lí giải.

Trong đại dịch COVID-19, chính quyền ông Trump đã đưa ra ý tưởng tái cấu trúc chuỗi cung ứng toàn cầu với các nền kinh tế như Ấn Độ, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc và Việt Nam.

Tuy nhiên, Washington lại chưa thể tập hợp các đối tác trên vào một khuôn khổ thương mại chính thức có thể trở thành đối trọng hiệu quả nhằm chống lại tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của Bắc Kinh.

Ông Tu Xinquan, Giáo sư tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế (Bắc Kinh), cho biết chính sách thương mại đơn phương của Mỹ dưới thời ông Trump, kết hợp cùng ảnh hưởng của đại dịch, đã khiến các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương xích lại gần nhau hơn.

"Việc kí kết RCEP cho thấy các nền kinh tế khu vực cần đoàn kết lại sau các cuộc chiến thương mại và chính sách thương mại đơn phương của Mỹ. Việc đảm bảo tính ổn định của chuỗi cung ứng khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng trở nên quan trọng hơn nhiều khi đại dịch tàn phá chuỗi cung ứng toàn cầu", ông Tu tiếp tục.

"Tất nhiên CPTPP có các tiêu chuẩn cao hơn RCEP, nhưng không rõ các nước thành viên có thể hưởng lợi đến mức nào từ việc áp dụng các tiêu chuẩn cao của CPTPP. Hơn nữa, phải mất nhiều năm thì tác động của CPTPP mới thấy rõ. Trong khi đó, các chính sách tự do hóa thương mại trong hiệp định RCEP sẽ tạo ra tăng trưởng nhanh hơn", ông Tu kết luận.

Khả Nhân