|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Mối thâm giao Joe Biden - Tập Cận Bình trong tương lai quan hệ Mỹ - Trung

14:09 | 14/11/2020
Chia sẻ
Cách đây 9 năm, quan hệ Joe Biden - Tập Cận Bình từng rất nồng ấm. Thời điểm hiện tại, quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên phức tạp hơn rất nhiều và ông Biden có thể sẽ thấy xa lạ với người bạn cũ Tập Cận Bình của ngày hôm nay.

Những cuộc gặp gỡ thân tình trong quá khứ

Sau cuộc bầu cử tổng thống gần hai tuần trước, nhà hàng Yaoji Chaogan ở Bắc Kinh lại xuất hiện trên bản tin. Yaoji Chaogan là một quán ăn lâu đời trong khu phố cổ kính ở thủ đô Trung Quốc, chuyên phục vụ món chaogan dân dã làm từ gan và ruột heo.

Cách đây 9 năm, ông Joe Biden khi đó là "phó tướng" của Tổng thống Barack Obama, đã cùng ăn trưa với cháu gái Naomi tại chính nhà hàng trên.

Thời điểm đó, Phó Tổng thống Mỹ vừa có cuộc gặp mặt cùng ông Tập Cận Bình, lúc bấy giờ đang là Phó Chủ tịch Trung Quốc. Hình ảnh một Joe Biden tươi cười xuất hiện trên báo chí Trung Quốc ngày hôm sau, cho thấy chuyến công du 6 ngày của ông vào mùa hè năm 2011 ấm áp và thân thiện đến nhường nào.

Nikkei: Chủ tịch Tập hôm nay không phải người bạn Tập Cận Bình khi xưa của ông Biden - Ảnh 1.

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden mỉm cười khi đến thăm nhà hàng trứ danh Yaoji Chaogan, song ông không thử món chaogan nổi tiếng của nhà hàng. (Ảnh: Nikkei/Reuters)

Chính quyền ông Obama đã sắp xếp một chuyến công du dài ngày bất thường tới Trung Quốc để Phó Tổng thống Biden có thể tạo lập mối quan hệ cá nhân sâu sắc với ông Tập. Dù chắc chắn sẽ trở thành người kế nhiệm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, song ông Tập Cận Bình lại có rất ít tương tác trực tiếp với các nhà lãnh đạo nước ngoài.

Hai "phó tướng" đã dành nhiều thời gian bên nhau trong chuyến công du năm 2011 cũng như trong các chuyến thăm song phương về sau. Tuy nhiên, tương tác của hai nhà lãnh đạo trong quá khứ không đảm bảo quan hệ Mỹ - Trung trong tương lai sẽ được cải thiện.

Trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, nhiều nhà phân tích Trung Quốc dự đoán rằng bất luận ai giành chiến thắng, quan hệ căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh sẽ không chấm dứt. Câu hỏi quan trọng đặt ra là, Chủ tịch Tập Cận Bình cảm thấy thế nào về việc này?

"Chủ tịch Tập hẳn phải nhẹ nhõm đôi chút vì ông biết rõ cựu Phó Tổng thống Biden", Nikkei dẫn lời một nguồn tin thân cận cho hay. "Họ tiếp xúc cùng nhau cách đây 9 năm nên Chủ tịch Tập có lẽ có cảm nhận riêng về con người ông Biden. Ít nhất là ông Biden không khó đoán như Tổng thống Trump".

Chuyến công du 6 ngày đến Trung Quốc của ông Biden vào tháng 8/2011 không đặt nặng vấn đề chính trị. Ông Biden lưu lại Bắc Kinh trong ba ngày và có thảo luận cùng ông Tập. Sau đó, cựu Phó Tổng thống Mỹ đến thăm Thành Đô, thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên, để thực hiện một bài phát biểu và tham quan.

Gần như trong suốt chuyến thăm, ông Biden luôn song hành cùng người đồng cấp Tập Cận Bình. Nhà ngoại giao kì cựu Thôi Thiên Khải là tùy tùng kiêm phiên dịch viên. Khi đó, ông Thôi đang là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Hai năm sau, ông Thôi đến Washington đảm trách vai trò Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ.

Trong chuyến công du đó, bộ đôi Joe Biden - Tập Cận Bình đã dành nhiều thời gian hội đàm ở Bắc Kinh và ăn uống cùng nhau. Có thể không phải là những người bạn thân nhất của nhau nhưng họ vẫn hiểu nhau ở mức độ nào đó.

Nikkei: Chủ tịch Tập hôm nay không phải người bạn Tập Cận Bình khi xưa của ông Biden - Ảnh 2.

Trong khuôn khổ chuyến công du đến Trung Quốc của ông Biden, hai "phó tướng" khi đó đã ăn tối cùng nhau tại Thành Đô. (Ảnh: Nhà Trắng)

Sử dụng tất cả các công cụ ngoại giao để tiếp đón khách mời thịnh tình là đặc trưng của Bộ Ngoại giao Trung Quốc. Ông Biden cũng không quên gửi lời khen ngợi nước chủ nhà.

Trong bài phát biểu tại Đại học Tứ Xuyên ở Thành Đô, ông Biden nói: "Tôi muốn giới thiệu với các bạn hai thành viên trong gia đình mà tôi dẫn theo, con dâu Kathleen Biden và cháu gái Naomi Biden".

"Thực ra nói Naomi dẫn tôi theo thì đúng hơn là tôi dẫn con bé theo vì Naomi đã học tiếng Trung được 5 năm. Trong suốt chuyến đi, tôi phải nhờ cháu gái phiên dịch hộ", ông Biden kể thêm.

Phó Tổng thống Mỹ năm đó cũng đề cập đến kinh nghiệm của con dâu, người từng học tiếng Quan Thoại tại Harvard, dành một năm ở Bắc Kinh để trau dồi kĩ năng ngôn ngữ và cuối cùng đảm trách vấn đề quan hệ Mỹ - Trung tại Bộ Tài chính Mỹ.

Chuyến đi năm 2011 đã giúp ông Biden, ông Tập và ông Thôi duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước nhiều năm sau đó. Tháng 2/2012, nửa năm sau chuyến thăm của ông Biden đến Trung Quốc, ông Tập đến Mỹ. Vào ngày lễ Tình nhân tại Nhà Trắng, ông Biden đưa ông Tập đến Phòng Bầu dục gặp Tổng thống Obama.

Sau đó, ông Biden đưa ông Tập Cận Bình đến Los Angeles. Tại đây, Mỹ và Trung Quốc đã đạt được một thỏa thuận cho phép nhiều phim Hollywood tiếp cận thị trường tỉ dân hơn. Thỏa thuận này được coi là minh chứng cho sự hợp tác giữa hai nước.

Nikkei: Chủ tịch Tập hôm nay không phải người bạn Tập Cận Bình khi xưa của ông Biden - Ảnh 3.

Tổng thống Barack Obama tiếp đón ông Tập tại Phòng Bầu dục năm 2012. (Ảnh: Nhà Trắng)

Song, mối quan hệ giữa ông Tập Cận Bình và người kế nhiệm của ông Obama - Tổng thống Donald Trump, lại trở nên phức tạp hơn nhiều.

Quan hệ Mỹ - Trung thêm nhiều trắc trở

Chủ tịch Trung Quốc hiện tại có một kỉ niệm không mấy vui vẻ trong cuộc gặp đầu tiên cùng ông Trump. Tháng 4/2017, khi tiếp đón ông Tập tại dinh thự Mar-a-Lago của mình, ông Trump đã ra lệnh tấn công tên lửa vào Syria.

Vợ chồng nhà lãnh đạo Trung Quốc được chào đón bởi vợ chồng Tổng thống Trump và gia đình con gái lớn Ivanka Trump. Hai con Arabella và Joseph của Ivanka đã hát bài dân ca "Mo Li Hua" (Hoa nhài) cho các khách mời Trung Quốc. Bà Bành Lệ Viên, vợ ông Tập, từng là một ca sĩ nổi tiếng.

Hình ảnh ông Trump và gia đình tiếp đón vợ chồng Chủ tịch ông Tập thu hút nhiều sự chú ý tại Trung Quốc. Song ngay trước màn trình diễn của hai đứa trẻ, chính quyền ông Trump đã quyết định phóng tên lửa nhắm vào Syria, dù biết Bắc Kinh phản đối điều này.

Trong bữa tối, cuộc tấn công bắt đầu. Chỉ khi bữa tiệc sắp kết thúc, ông Trump mới thông báo về vụ không kích.

Nikkei: Chủ tịch Tập hôm nay không phải người bạn Tập Cận Bình khi xưa của ông Biden - Ảnh 4.

Năm 2017, Tổng thống Trump cùng gia đình tiếp đón vợ chồng Chủ tịch Tập Cận Bình tại dinh thự Mar-a-Lago. (Ảnh: Reuters)

Bất ngờ mà ông Trump dành cho Chủ tịch Tập cũng tương tự món quà mà nhà lãnh đạo Trung Quốc tặng cho ông Biden hồi tháng 12/2013, sau khi ông Tập trở thành người đứng đầu chính quyền Bắc Kinh. Khi đó, ông Biden thực hiện một chuyến thăm khác đến Trung Quốc, đi cùng em gái của Naomi.

Ý tưởng là nhằm xây dựng một "tình bạn giữa các gia đình với nhau", nhưng kịch bản này hóa công cốc khi thế giới biết Trung Quốc vừa đột ngột thiết lập một vùng nhận diện phòng không (ADIZ) ở Biển Hoa Đông, như thể mọi thứ chỉ trùng hợp với chuyến thăm của ông Biden. Theo Nikkei, ông Tập dường như đang cố tình thử thách liên minh an ninh Mỹ - Nhật.

6 tháng trước đó, vào tháng 6/2013, ông Tập vừa có chuyến thăm đầu tiên đến Mỹ với tư cách nhà lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc.

Tại Palm Springs, California, ông Tập hội đàm cùng Tổng thống Obama và đề xuất xây dựng "một dạng quan hệ cường quốc mới" giữa hai nước. "Thái Bình Dương đủ rộng cho hai nước Mỹ - Trung", ông Tập nói, gợi ý rằng hai bên có thể chia sẻ hoặc phân chia lợi ích thương mại, kinh tế và an ninh tại khu vực này.

Về bản chất, ông Tập đang tuyên bố nửa phía Tây của Thái Bình Dương nằm trong vùng kiểm soát của Trung Quốc. Nếu Mỹ đồng ý, cán cân quyền lực ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ sụp đổ, Nikkei cho hay.

Trật tự quốc tế đang ở một thời điểm bước ngoặt và vào tháng 11/2013, cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice của ông Obama cho biết bà sẵn sàng chấp nhận khái niệm mà ông Tập đề xuất.

Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, thế giới đã đứng trước ngưỡng cửa của kỉ nguyên G2, trong đó hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc cùng giữ vai trò lãnh đạo. Tuy nhiên, mối quan hệ Mỹ - Trung khi đó không thể tiến xa hơn.

Khi Trung Quốc thiết lập vùng nhận diện phòng không ADIZ ở Biển Hoa Đông vào tháng 12/2013, căng thẳng bùng lên. Thú vị là sau cuộc gặp Joe Biden - Tập Cận Bình cuối năm 2013, Mỹ đã ngừng sử dụng cụm từ "quan hệ giữa các cường quốc".

Ông Biden từng hi vọng ông Tập sẽ là một nhà lãnh đạo cởi mở và ông còn duy trì quan điểm thân thiện với Trung Quốc. Song với đường lối quân sự táo bạo của ông Tập, ông Biden không còn lựa chọn nào khác ngoài thay đổi lập trường.

Nikkei: Chủ tịch Tập hôm nay không phải người bạn Tập Cận Bình khi xưa của ông Biden - Ảnh 5.

Ông Biden mua một que kem khi đi dạo cùng con trai Hunter Biden và cháu gái Finnegan Biden. Đây là chuyến công du thứ hai của ông Biden đến Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Chính quyền Obama ngày càng thận trọng và ba tháng sau, khi ông Obama gặp Chủ tịch Tập tại thành phố Hague (Hà Lan), nhà lãnh đạo Mỹ cũng không nhắc đến khái niệm "quan hệ giữa các cường quốc".

Loạt sự kiện trên đánh dấu điểm khởi đầu của một mối quan hệ Mỹ - Trung ngày càng xấu đi theo thời gian, từ rất lâu trước khi ông Trump đắc cử với tuyên bố "Nước Mỹ trên hết".

Dù bị Mỹ hắt hủi nhưng Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch B. Bắc Kinh đặt mục tiêu đứng vào hàng ngũ các nước phát triển tầm trung, sau đó bắt kịp Mỹ về kinh tế vào năm 2035. Đất nước tỉ dân còn có một mục tiêu khác: đạt được đột phá lớn để chiếm ưu thế về công nghệ.

Về mặt quân sự, Trung Quốc đã trở nên táo báo hơn, như tại khu vực Biển Đông. Cộng đồng quốc tế giờ đã có thể thấy rõ tham vọng của Trung Quốc khi họ không còn muốn che giấu. Do đó, chính quyền ông Biden sẽ phải phác thảo một chiến lược cụ thể. Ngồi yên không phải là lựa chọn đúng đắn.

Khi ông Biden đến thăm nhà hàng Yaoji Chaogan khoảng 9 năm trước, ông không gọi món chaogan vì có lẽ gan và ruột heo không phải món ăn dễ chịu với người Mỹ.

Ngày nay, khi định hình chính sách với Trung Quốc, liệu ông Biden có nao núng như đã từng khi nghĩ đến việc ăn gan và ruột heo hay không? Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia châu Á khác đang dõi theo vị tổng thống đắc cử của nước Mỹ.

Yên Khê