ASEAN phải hợp tác cùng nhau để hưởng lợi từ chiến tranh thương mại
Mặc dù được hưởng lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, các nước thành viên ASEAN không nên cạnh tranh mà phải hợp tác cùng phát triển.
Trung Quốc và Mỹ là đối tác kinh tế quan trọng của ASEAN
Tiếng chuông báo động đã vang vọng trên toàn cầu khi tranh chấp Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, và mặc dù Quĩ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh thương mại toàn diện sẽ làm suy yếu nền kinh tế thế giới, đó có thể không phải là tin xấu đối với ASEAN.
Bài viết của The ASEAN Post phân tích, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, tuy nhiên Mỹ cũng là đối tác kinh tế và chiến lược quan trọng của khu vực. Ngoài ra, sức mạnh tăng trưởng và đầu tư của Mỹ cũng đóng vai trò thúc đẩy thương mại thế giới.
Khi thuế quan tăng lên, hàng hóa sản xuất tại Đông Nam Á sẽ hấp dẫn hơn trong mắt người tiêu dùng Mỹ.
Trong một cuộc khảo sát hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp Hội nghị Điều tiết ASEAN của Refinitiv tại Singapore vào cuối tuần qua, người ta nhận thấy căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp khu vực ASEAN trong hai năm tới.
Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa ASEAN với Trung Quốc và sự hội nhập kinh tế ngày càng tăng nhờ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) mở rộng vào khu vực, sẽ giúp tăng cường quan hệ thương mại song phương và kết nối.
Top 10 loại hàng hóa Trung Quốc vừa bị Mỹ tăng thêm thuế quan, gồm (thứ tự từ trên xuống) thiết bị viễn thông, bảng mạch vi tính, bộ vi xử lí, nội thất kim loại, linh kiện máy tính, nội thất gỗ, bộ chuyển đổi năng lượng, miếng lát sàn vinyl, ghế ngồi có khung gỗ và linh kiện ô tô. (Đvt: tỉ USD)
Đặc biệt là khi nhiều quốc gia Đông Nam Á đang cung cấp các nguyên liệu thô quan trọng cho hoạt động tái xuất khẩu của Trung Quốc sang phần còn lại của thế giới, ASEAN có thể đứng vững trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
Chiến tranh thương mại bùng nổ từ đâu?
Căng thẳng thương mại bắt đầu vào tháng 1/2018 khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Trung Quốc thực hiện hoạt động thương mại không công bằng, gồm phá giá tiền tệ, trợ cấp cho các doanh nghiệp nhà nước và vi phạm sở hữu trí tuệ.
Theo chính quyền của Tổng thống Trump, Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và giảm thâm hụt thương mại (419 tỉ USD vào năm 2018) thông qua các hoạt động trên.
Kể từ đó, Mỹ đã áp thuế quan lên 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đáp trả bằng cách áp thuế quan lên 110 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ.
Con số trên leo thang trở lại vào ngày 10/5 khi Tổng thống Donald Trump quyết định chính thức tăng thuế đối với 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc từ 10% lên 25%. Động thái này đã khiến thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ lửa.
Sau các cuộc thảo luận với nhà đàm phán hàng đầu Trung Quốc - Phó Thử tướng Lưu Hạc - mà không đạt được thỏa thuận, ông Trump đã đe dọa tăng thuế đến 25% lên 300 tỉ USD hàng hóa còn lại của Trung Quốc.
Trung Quốc cho biết họ sẽ có hành động đáp trả cần thiết.
Tiềm năng tăng trưởng cho ASEAN mạnh mẽ đến đâu?
Việt Nam
"Việt Nam sẽ được hưởng lợi trong giai đoạn trước mắt cũng như ngắn hạn và mức tăng trưởng kinh tế có thể đạt 0,19% hoặc 1,5% GDP", ông Ramesh Subramanium, Tổng Giám đốc (Văn phòng Đông Nam Á) của Ngân hàng Phát triển châu Á, cho biết trong buổi họp báo do Refinitiv tổ chức.
Nền kinh tế Việt Nam đã bùng nổ ngay cả trước chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, được thúc đẩy bởi lĩnh vực sản xuất dùng nhiều lao động, Việt Nam đã chứng kiến mức tăng trưởng 7% năm 2018, nhanh nhất trong hơn một thập kỉ.
Trao đổi với truyền thông Trung Quốc, ông Adam McCarty, nhà kinh tế trưởng tại Mekong Economics ở Hà Nội, đã lưu ý Việt Nam ngày càng được giới đầu tư biết đến (vốn đang rời bỏ Trung Quốc vì mối đe dọa về thuế quan).
Dữ liệu của chính phủ trong tháng 4 cho thấy, các khoản đầu tư mới đăng kí vào Việt Nam đã tăng 81% và vốn tài trợ cho các cơ sở mới đã tăng 215%.
Indonesia
"Đối với Indonesia, có một số lĩnh vực nhất định chúng tôi nhận thấy tiềm năng đáng kể có thể đóng góp vào GDP nước này", ông dam McCarty nói thêm.
Bộ trưởng Kinh tế Phối hợp của Indonesia, ông Darmin Nasestion, đã bày tỏ lo ngại về hàng hóa xuất khẩu của nước này đến Trung Quốc và Mỹ vì chiến tranh thương mại đã khiến hai nước này nhập khẩu hàng hóa hàng đầu của Indonesia chững lại.
Mặc dù vậy, Phó Tổng thống Jusuf Kalla cho biết, Indonesia có thể hưởng lợi từ việc di dời chuỗi sản xuất toàn cầu do bất ổn tăng cao.
Trong khi đó, Bộ trưởng Công nghiệp Indonesia, ông Airlangga Hartarto, cho hay một số công ty dệt may và giày dép đã nghiên cứu việc chuyển từ Trung Quốc sang nền kinh tế lớn nhất ASEAN này.
Malaysia
Malaysia cũng có thể được hưởng lợi tương tự. Đã có một bài nghiên cứu có tiêu đề "Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: Thương mại và đầu tư tiềm năng tràn vào Malaysia" do ông Tham Siew Yean từ Viện ISEAS-Yusof Ishak và Andrew Kam Jia Yi và Tee Beng Ann từ Đại học Quốc gia Malaysia (Universiti Kebangsaan Malaysia) viết vào đầu tháng 5 này.
Theo đó, các nhà nghiên cứu này lưu ý rằng thuế quan áp lên Trung Quốc làm tăng khả năng chuyển thương mại, đầu tư sang Malaysia và kịch bản tồi tệ nhất của chiến tranh thương mại sẽ giúp Malaysia tăng 1,8% GDP.
Mặc dù ASEAN nói chung có khả năng hưởng lợi từ căng thẳng thương mại Mỹ - Trung do vị trí địa lí, chuỗi cung ứng mạnh mẽ, mạng lưới phân phối toàn cầu, lực lượng lao động lớn với chi phí nhân công thấp và quan hệ thân thiết với hai siêu cường, song các quốc gia thành viên không thể cạnh tranh trong cùng không gian, mà cần bổ sung cho nhau nếu tận dụng cơ hội này.