Mỹ tăng thuế đối với Trung Quốc: Việt Nam có bị ảnh hưởng?
Mỹ đã chính thức tuyên bố nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau ngày 10/5. Trong bối cảnh cuộc đàm phán thương mại giữa hai nước không có tiến triển, việc tăng thuế quan của Mỹ đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc được các chuyên gia, các nhà dự báo cho rằng sẽ ảnh hưởng lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Là doanh nghiệp đã có nhiều năm chuyên sản xuất các sản phẩm bằng kim loại, công cụ, máy tạo hình và gia công cơ khí, ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty TNHH SKD Việt Nam không giấu được sự lo lắng. Ông Kết biết rằng, khi Mỹ tăng thuế quan đối với Trung Quốc đương nhiên sẽ có tác động lớn tới nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng sẽ không nằm ngoài sự ảnh hưởng cả tiêu cực lẫn tích cực.
Phân tích ở chiều hướng tích cực, ông Kết cho biết, khi Mỹ tăng thuế quan, một số mặt hàng của Việt Nam sẽ có cơ hội tìm được đường vào thị trường Mỹ. Cùng với đó, nhiều mặt hàng của Trung Quốc trước đây chỉ xuất khẩu sang Mỹ thì nay sẽ tìm hướng xuất khẩu sang Việt Nam. Như thế, nhiều doanh nghiệp Việt sẽ có cơ hội nhập khẩu hàng hóa, phụ tùng giá rẻ hơn.
Mỹ đã chính thức tuyên bố nâng thuế quan từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. (Ảnh minh họa: AFP)
Tuy nhiên ông Kết cũng thẳng thắn nhìn nhận, việc tăng thuế từ phía Mỹ sẽ tác động tiêu cực nhiều hơn là tích cực đối với thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Điều dễ thấy nhất đó là sẽ có nhiều mặt hàng cơ khí, thiết bị, linh kiện từ Trung Quốc ồ ạt xuất khẩu sang Việt Nam, tạo ra sự cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt khiến doanh nghiệp Việt Nam gặp nhiều khó khăn.
Ông Kết hết sức quan tâm và nhận thấy, sẽ có nguy cơ xuất hiện tình trạng lẩn tránh thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt Nam thông qua các doanh nghiệp, sau đó sẽ tìm kiếm con đường xuất khẩu sang Mỹ. Vì thế, nếu doanh nghiệp nào ham lợi và tiếp tay cho hành vi này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nền sản xuất trong nước, bởi không trước thì sau, những sản phẩm đó sẽ bị phía Mỹ áp dụng quy định lẩn tránh thuế.
Chính vì vậy ông Kết lưu ý các doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam cần phải liên kết thành một khối vững chắc để tăng sức cạnh tranh. Song song với đó, các cơ quan quản lý nhà nước như thuế, hải quan và cả người tiêu dùng cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, có biện pháp để bảo vệ thị trường.
Phân tích rõ hơn về nhận định này, TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc (thuộc Viện Nghiên cứu nhận định, kinh tế và Chính sách - VEPR) cho biết, việc Mỹ tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc sẽ tạo sức ép rất lớn tới hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam, đồng thời tác động đến những sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam đang có mặt tại ở thị trường nước ngoài.
Trong khi đó, mức độ tự động hoá của nhiều tập đoàn công nghiệp FDI đang có mặt tại Việt Nam ngày nay đang tăng lên, kéo theo nhu cầu về lao động và việc đặt nhà máy ở Việt Nam đang giảm đi. Ví kể như Samsung đang có kế hoạch đầu tư cơ sở mới tại Mỹ, đây sẽ là sự chuyển dịch ngược lại nguồn vốn từ những nước thâm dụng lao động sang những nước thâm dụng kĩ thuật.
“Việc cạnh tranh về công nghệ và năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ diễn ra ít nhất trong vòng 10 năm tới. Để đạt được mục đích này, Mỹ sẽ gia tăng áp lực hơn nữa đối với Trung Quốc trong bối cảnh nước này đang thâm nhập công nghệ rất mạnh thông qua đầu tư trực tiếp vào Mỹ để tìm kiếm các mặt hàng đầu tư chiến lược có hàm lượng công nghệ cao”, ông Thành cho biết.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc thuộc VEPR.
Bày tỏ quan điểm của mình, PGS.TS. Phạm Tất Thắng, Nghiên cứu viên cao cấp thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương (Bộ Công Thương) lưu ý, tới đây Việt Nam sẽ chịu nhiều ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt từ việc tăng thuế của cả hai quốc gia này.
Theo PGS.TS. Phạm Tất Thắng, đây sẽ là giai đoạn mà các doanh nghiệp Việt Nam cần phải cực kì tỉnh táo. Bởi thực trạng này sẽ là thảm họa nếu các doanh nghiệp cứ để hàng hóa Trung Quốc mượn danh hàng Việt Nam, sau đó xuất khẩu sang Mỹ và các thị trường khác. Nếu tình trạng này diễn tiến liên tục, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị rơi vào tình huống bị trừng phạt bởi “lẩn tránh xuất xứ hàng hóa”.
“Lâu nay hàng hóa của Việt Nam chỉ tập trung xuất khẩu sang Trung Quốc và khá phụ thuộc vào thị trường này. Do đó, khi nổ ra chiến tranh thương mại, nhu cầu của nền kinh tế Trung Quốc sẽ giảm đi, nhiều mặt hàng của Việt Nam sẽ rất khó xuất khẩu. Chính vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm được thị trường mới thay thế ngay từ bây giờ. Muốn tìm được thị trường mới, doanh nghiệp Việt Nam không còn cách nào khác là phải thay đổi cơ cấu sản xuất để có thể đáp ứng nhu cầu của chuỗi giá trị”, PGS.TS. Phạm Tất Thắng lưu ý.
Theo Bộ Công Thương, trước diễn biến mới nhất từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi sát biến động để chủ động trong công tác điều hành, có biện pháp thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng có khả năng tận dụng cơ hội để xuất khẩu và tăng cường quản lý chặt chẽ nguy cơ gian lận thương mại và gian lận xuất xứ hàng hóa.
Cụ thể là Bộ sẽ rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường công tác kiểm tra thi hành pháp luật, kịp thời phát hiện những vấn đề phát sinh để đề xuất phương hướng chỉnh sửa, bổ sung phù hợp...