Trung Quốc - 'gót chân Asin' của kinh tế thế giới
Kiểm đồng 100 Nhân dân tệ tại ngân hàng ở tỉnh Giang Tô. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo chuyên gia kinh tế Philippe Eulaerts, thuộc công ty đa quốc gia Thụy Điển SKF (Svenska KulalgerFabriken), mối đe dọa của kinh tế thế giới chính là sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc và những bất ổn này xuất phát từ 4 điểm yếu của nền kinh tế nước này là: Hoạt động tài chính ngầm, mập mờ về thống kê; tiêu dùng suy giảm và vấn đề sở hữu trí tuệ.
*Hoạt động tài chính ngầm
Nợ của các doanh nghiệp Trung Quốc hiện rất lớn lên tới 162% GDP. Trong khi đó, chuyên gia Philippe Eulaert cho biết, “30% doanh nghiệp Trung Quốc có lợi nhuận dưới mức hoàn vốn”. Thêm vào đó là vấn đề “hoạt động tài chính ngầm”.
Trước việc siết chặt các điều kiện tín dụng, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc quay sang các đối tượng cho vay bên ngoài lĩnh vực ngân hàng. Cho dù hệ thống này góp phần duy trì mức đầu tư và theo đó duy trì tăng trưởng, nhưng nó lại không cho phép điều tiết lĩnh vực tài chính. Nhiều khoản đầu tư không được bảo lãnh.
Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp địa phương tham gia rất nhiều vào hình thức tài chính không chính thức này, nơi mà lãi suất hấp dẫn hơn thị trường tài chính thông thường. Do vậy, nhiều người đã không ngần ngại ví “tài chính ngầm” là một quả bom nổ chậm.
*Số liệu thống kê không minh bạch
Nếu tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chính thức là 6,5% trong năm 2018, thì nhiều người nghi ngờ về tính xác thức của con số này. Bắt đầu từ Conference Board, Viện Nghiên cứu kinh tế của Mỹ theo dõi rất sát sao kinh tế thế giới, đưa ra con số tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc năm 2018 chỉ có 4,1%.
Điều này không phù hợp với Trung Quốc, vốn tự tạo ra tính chính đáng duy nhất của mình về tăng trưởng kinh tế. Điều này giải thích vì sao tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc cứ đều đặn đạt mục tiêu chính thức đặt ra.
Một chuyên gia kinh tế Trung Quốc mới đây đã nêu ra biên độ cực đại về tăng trưởng của nước này chỉ từ 1,8% tới 2,5%. Chuyên gia Philippe Eulaerts dự báo “sự không minh bạch của hệ thống Trung Quốc có thể gây ra sự tháo chạy của đầu tư nước ngoài”.
*Tiêu dùng suy giảm
Trung Quốc đã lựa chọn thay đổi triệt để mô hình kinh tế của mình để thúc đẩy đầu tư hướng vào tiêu dùng. Vậy mà sự quá độ này không diễn ra như dự kiến. Philippe Eulaerts nêu thí dụ về sự sụt giảm 5% tiêu thụ ô tô tại Trung Quốc năm 2018. Hàng thập kỷ qua, chưa bao giờ xảy ra một sự sụt giảm tiêu thụ ô tô như vậy.
*Sở hữu trí tuệ
Chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ không phải là vấn đề lo ngại duy nhất của Trung Quốc. Chuyên gia Philippe Eulaerts cho rằng: “Hệ thống chuyên chế của Trung Quốc đã vận hành tốt trong môi trường khép kín. Nhưng giờ đây, họ muốn mở ra thế giới, điều đó chắc chắn sẽ tạo ra những căng thẳng, mà căng thẳng chủ yếu chắc chắn sẽ tập trung vào sở hữu trí tuệ”./.